Định hướng sửa đổi, bổ sung quy định về đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận

Lĩnh vực đất đai 27/10/2019

Nội dung dưới đây giới thiệu về định hướng sửa đổi, bổ sung quy định về đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Nộp hồ sơ và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai (Điều 60)

Nghị định số 43/2014/N Đ-CP đã có quy định về việc nộp hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất là Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu nộp hồ sơ tại cấp xã. Trường hợp địa phương tổ chức bộ phận một cửa để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thì các cơ quan này tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua bộ phận một cửa. Quá trình thực hiện quy định cho thấy một bộ phận người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu được nhận hồ sơ và trả kết quả với thời gian và địa điểm theo nhu cầu. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, tạo cơ chế chủ động, linh hoạt trong việc cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính được nhanh chóng, cần thiết quy định việc cung cấp dịch vụ của Văn phòng đăng ký đất đai cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất theo thời gian, địa điểm theo nhu cầu.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất,  đồng thời tạo cơ chế chủ động, linh hoạt trong việc cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính được nhanh chóng, cần thiết, dự thảo Nghị định quy định bổ sung việc cung cấp dịch vụ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận trong trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu cung cấp dịch vụ với thời gian giải quyết giảm so với quy định của địa phương và cung cấp dịch vụ tại địa điểm theo yêu cầu. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định giá dịch vụ trong trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu.

Thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở (Điều 72)

Khoản 1 Điều 72 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP có quy định về các giấy tờ  mà chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở có trách nhiệm nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở. Tại Điều 72 đã có quy định Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và kiểm tra về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở của chủ đầu tư nhưng không có quy định rõ về việc điều kiện chuyển nhượng là như thế nào. Trong khi đó, thực tế xảy ra tình trạng các công trình trong các dự án phát triển nhà ở có vi phạm đất đai, nhà ở, xây dựng, tài chính. Việc xác định cụ thể tình trạng vi phạm pháp luật nhà ở, xây dựng, tài chính cần có ý kiến của các cơ quan quản lý chuyên ngành. Để tránh trường hợp hồ sơ pháp lý của dự án đã nộp về Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng lại phải chuyển sang các cơ quan quản lý chuyên ngành khác để lấy ý kiến làm tăng thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận, dự kiến bổ sung giấy xác nhận của các cơ quan quản lý chuyên ngành về tình trạng hoàn thành nghĩa vụ tài chính, công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng, tăng trách nhiệm trước pháp luật của chủ đầu tư, tránh thất thu ngân sách nhà nước, tránh trường hợp Giấy chứng nhận đã được cấp nhưng sau đó mới phát hiện không đủ điều kiện, dẫn đến phải thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp, làm tăng chi phí thủ tục hành chính.

Nhằm tránh thất thu ngân sách nhà nước; tăng trách nhiệm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý chuyên ngành và hạn chế làm tăng chi phí thủ tục hành chính, dự thảo Nghị định quy định bổ sung các giấy tờ chủ đầu tư phải nộp sau khi hoàn thành công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở bao gồm: giấy xác nhận của cơ quan quản lý thuế về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư; xác nhận của cơ quan quản lý xây dựng về nhà ở, công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng, văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 Trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa hoặc hợp thửa đất (Điều 75)

Điểm a Khoản 3 Điều 75 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định trường hợp tách thửa do chuyển quyền, Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc đo đạc địa chính để chia tách thửa đất và chuyển bản trích đo thửa đất mới tách cho người sử dụng đất để thực hiện ký kết hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng một phần thửa đất mới tách. Tuy nhiên trên thực tế, đối với những nơi đã thành lập bản đồ địa chính thì chỉ cần bản trích lục thửa đất từ bản đồ địa chính. Việc này nhằm tận dụng tối đa lợi ích từ bản đồ địa chính, giảm chi phí cho người sử dụng đất khi thực hiện tách, hợp thửa.

Nhằm tận dụng tối đa lợi ích từ bản đồ địa chính, giảm chi phí cho người sử dụng đất khi thực hiện tách, hợp thửa, dự thảo Nghị định quy định bổ sung bản trích lục thửa đất khi người sử dụng đất thực hiện tách, hợp thửa đất.

 Cấp đổi Giấy chứng nhận khi thực hiện dồn điền, đổi thửa (Điều 76)

Cấp đổi Giấy chứng nhận khi thực hiện dồn điền, đổi thửa được quy định tại Điều 76 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, theo đó cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận trong trường hợp này là Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Văn phòng đăng ký đất đai trong trường hợp được ủy quyền. Tuy nhiên trên thực tế, khi thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, toàn bộ hiện trạng sử dụng đất theo các Giấy chứng nhận đã cấp không còn phù hợp với thực địa (cả về vị trí, hình thể, diện tích...). Việc cấp Giấy chứng nhận sau khi dồn điền, đổi thửa là thực hiện cho các thửa đất hoàn toàn mới, như trường hợp cấp Goaays chứng nhận lần đầu. Do đó, để thống nhất về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận lần đầu theo quy định tại Điều 105 của Luật Đất đai thì cần thiết sửa đổi quy định theo hướng cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa theo quy định tại Khoản 2 Điều 105 của Luật Đất đai.

Đảm bảo phù hợp thực tiễn dồn điền, đổi thửa tại địa phương, cải cách thủ tục hành chính và thống nhất một đầu mối quyết định phương án dồn điền, đổi thửa và cấp Giấy chứng nhận, dự kiến sửa đổi quy định tại Điều 76 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP theo hướng bỏ trường hợp cấp Giấy chứng nhận do thực hiện dồn điền, đổi thửa ra khỏi trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận và sửa đổi quy định thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận trong trường hợp này tại Điều 78 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

 Thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận (Điều 87)

Điểm d Khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai năm 2013 quy định việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với các trường hợp: (i) Sau khi có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp; (ii) Sau khi có văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, tại Điều 87 quy định các trường hợp thu hồi Giấy chứng nhân cấp trái pháp luật theo điểm d khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai không có trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận sau khi có văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.

Nhằm bảo thống nhất với quy định về thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp của Luật Đất đai, hạn chế tình trạng lợi dụng pháp luật để Nhà nước không thể thu hồi được Giấy chứng nhận bằng cách chuyển quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, dự thảo Nghị định bổ sung quy định thu hồi Giấy chứng nhận cấp không đúng quy định của pháp luật theo điểm d Khoản 2 Điều 106 do Tòa án nhân dân thực hiện khi giải quyết tranh chấp đất đai.