Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Lĩnh vực đất đai 28/10/2019

Để hoàn thiện hành lang pháp lý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch cần thiết phải rà soát sửa đổi, bổ sung Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 và Điều 11 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; khoản 8 và khoản 10 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai.

Khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch (đã được sửa đổi, bổ sung Chương IV Luật Đất đai năm 2013)  đã quy định về các nguyên tắc, hệ thống, căn cứ, nội dung, trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; trong đó, đã quy định phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh. Để hoàn thiện hành lang pháp lý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch cần thiết phải rà soát sửa đổi, bổ sung Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 và Điều 11 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; khoản 8 và khoản 10 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai.

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, nội dung sửa đổi, bổ sung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng như sau:

Thứ nhất, bỏ các quy định về trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng đất, lấy ý kiến, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các quy định về điều kiện tổ chức tư vấn lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại các Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về điều chỉnh quy mô, địa điểm và số lượng công trình, dự án tại khoản 8 và khoản 10 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP;

Thứ ba, bổ sung nội dung quy định về thẩm định kế  hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại Khoản 2 Điều 9 và trách nhiệm tổ chức lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh tại Điều 9a, lấy ý kiến góp ý vào phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh trước khi tích hợp vào quy hoạch tỉnh tại Điều 9b.

Thứ tư, bổ sung quy định để xử lý vấn đề đất đai khi chấm dứt chủ trương đầu tư đầu tư theo điểm i khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 82/2019/NQ14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội.

Điểm i khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 82/2019/NQ14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội, quy định: “………..Yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc rà soát và công bố công khai các dự án vi phạm trên trang thông tin điện tử của địa phương; kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với những dự án không đưa đất vào sử dụng, dự án triển khai chậm tiến độ, dự án đã bị chấm dứt chủ trương đầu tư, dự án sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng và bảo vệ môi trường”. Tuy nhiên, pháp luật về đất đai hiện hành chưa có quy định để xử lý vấn đề này trong giai đoạn từ khi hình thành dự án đến khi dự án đã bị chấm dứt chủ trương đầu tư. Trên thực tế, tại một số nơi tuy đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhưng do không xác định thời hạn hết hiệu lực nên có tình trạng kéo dài hoạt động đầu tư, có trường hợp hàng chục năm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất trong khu vực dự kiến thực hiện dự án (khó khăn trong việc thực hiện giao dịch đất đai, trong việc xây dựng, sửa chữa công trình trên đất,…).

Dự thảo Nghị định bổ sung quy định để giải quyết đồng bộ vấn đề đất đai khi chấm dứt chủ trương đầu tư dự án theo nguồn gốc đất thực hiện dự án, gồm: (i) Loại dự án thuộc trường hợp quy định tại Điều 61 và Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 thì phải chấm dứt dự án đã xác định trong Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện được phê duyệt, văn bản thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có). (ii) Loại dự án nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án phi nông nghiệp thì phải chấm dứt văn bản cho phép chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước đó. (iii) Loại dự án có quyết định chủ trương đầu tư dự án thì phải chấm dứt văn bản thẩm định về nhu cầu sử dụng đất, văn bản thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi góp ý ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Đồng thời, giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để chỉ đạo việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, trong đó rà soát việc sử dụng đất tại vị trí đã chấm dứt chấm dứt chủ trương đầu tư dự án để đảm bảo hiệu quả sử dụng đất và không làm thất thu ngân sách.