Sự cần thiết xây dựng kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu

Lĩnh vực biến đổi khí hậu 11/09/2020

Việt Nam đã tích cực cùng cộng đồng quốc tế thực hiện các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã ký kết và phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Để thực hiện các yêu cầu của quốc tế trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP).

Ngày 11 tháng 9 năm 2020, Việt Nam đã đệ trình bảng cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) lên Ban thư ký của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. NDC cập nhật của Việt Nam thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế về các đóng góp trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu của quốc gia ở cấp chiến lược và với mục tiêu dài hạn. NDC không trình bày lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch chi tiết để thực hiện các cam kết đó.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NAP) tại quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2020. NAP được xây dựng theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu nhằm cụ thể hoá hợp phần thích ứng trong NDC của Việt Nam. Mục đích chính của NAP là thông báo với quốc tế về nhưng thiếu hụt và kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu của quốc gia ở giai đoạn trung hạn và dài hạn. NAP là cơ sở cho các đàm phán quốc tế, đánh giá nỗ lực toàn cầu, thể hiện những nỗ lực của quốc gia và nhu cầu về hỗ trợ quốc tế đối với các hoạt động của một quốc gia đang phát triển.

Để tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, củng cố và tăng cường thành quả đạt được trong ứng phó với biến đổi khí hậu của giai đoạn trước, từng bước đạt được các mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2030 là rất cần thiết.

Xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 chính là việc cụ thể hóa lộ trình của Việt Nam thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế theo Thỏa thuận Paris. Kế hoạch hành động quốc gia sẽ tập trung triển khai thực hiện các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cụ thể, ưu tiên và cấp thiết ở ngắn hạn nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn đã được xác định trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và Kế hoạch quốc gia Thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP). Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 cũng là định hướng cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương tiếp tục xây dựng và triển khai các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 tương ứng với thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành và địa phương. Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 cũng góp phần thực hiện Kết luận số 56-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và đạt được các mục tiêu đề ra trong trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; giúp Việt Nam chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, duy trì cân bằng hệ sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.