Đề xuất lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Lĩnh vực biến đổi khí hậu 17/06/2021

(Chinhphu.vn) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Theo đó, Bộ đề xuất lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

(Chinhphu.vn) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Theo đó, Bộ đề xuất lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

https://baochinhphu.vn/Uploaded/phungthithuhuyen/2021_06_14/anh%20minh%20hoa%201.jpg?maxwidth=300

Ảnh minh họa

Theo dự thảo, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện, hoạt động của mình.

Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), bao gồm mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan định kỳ cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng tổ chức xây dựng, ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý cho giai đoạn đến hết năm 2025, giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030; thực hiện các biện pháp quản lý để đạt được mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở theo lộ trình sau đây: Giai đoạn đến hết năm 2025, thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện, công nghệ, quản lý của cơ sở.

Giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030, thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch do Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ phù hợp với mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; được phép trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trên sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Khuyến khích các dự án đầu tư mới áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ ít phát thải khí nhà kính hoặc tham gia vào các cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bao gồm: 1- Các biện pháp chính sách, quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; 2- Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp cơ sở; 3- Chuyển đổi công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất, sử dụng dịch vụ ít phát thải khí nhà kính; 4- Tham gia vào các cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nâng cao tỉ lệ che phủ rừng để tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính

Dự thảo nêu rõ, các tổ chức, chủ rừng, cá nhân tham gia quản lý rừng có trách nhiệm xây dựng và thực hiện các biện pháp quản lý rừng bền vững, bảo vệ và nâng cao tỉ lệ che phủ, sinh khối và chất lượng rừng để tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính.

Các đối tượng trên được tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện các phương thức tăng cường hấp thụ khí nhà kính từ quản lý rừng bền vững, bảo vệ và nâng cao tỉ lệ che phủ, sinh khối và chất lượng rừng, lồng ghép trong kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực; thu thập số liệu, tính toán mức hấp thụ khí nhà kính tại các vùng sinh thái có rừng trên cơ sở điều tra rừng, tổng hợp trong báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực theo quy định; theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện các hoạt động tăng cường hấp thụ khí nhà kính từ quản lý rừng bền vững, bảo vệ và nâng cao tỷ lệ che phủ, sinh khối và chất lượng rừng trên phạm vi cả nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến bằng văn bản đối với việc đề xuất thực hiện các chương trình, dự án tham gia cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon thu được từ các hoạt động tăng cường hấp thụ khí nhà kính bảo đảm các mục tiêu quốc gia về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; quản lý, tổng hợp tình hình thực hiện các chương trình, dự án tham gia cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon thu được từ các hoạt động tăng cường hấp thụ khí nhà kính; tổng hợp số liệu về hấp thụ khí nhà kính trên phạm vi cả nước, xây dựng báo cáo kiểm kê quốc gia khí nhà kính định kỳ hai năm một lần.

* Tín chỉ carbon là một thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho một tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với một tấn CO2 (tCO2e). Trên thị trường, việc mua bán carbon hay chính xác hơn là mua bán sự phát thải khí CO2, được thực hiện thông qua tín chỉ.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nguồn: Tuệ Văn, baochinhphu.vn