Trình Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030

Lĩnh vực biến đổi khí hậu 30/10/2020

Ngày 30/10/2020, Bộ TN&MT đã có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030

Thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ phê duyệt Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; căn cứ Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Kế hoạch hành động quốc gia).

Quá trình xây dựng kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030

Để xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ soạn thảo gồm các thành viên là lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan, gồm các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế, Khoa học và Công nghệ; mời đại diện lãnh đạo Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu tham gia Tổ soạn thảo. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 theo trình tự như sau:

Từ năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát, nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, đánh giá thiếu hụt, xác định nhu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu của các lĩnh vực, địa phương; đánh giá tác động về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường làm cơ sở để xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức các hội thảo chuyên môn và xây dựng nội dung dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia.

Ngày 16 tháng 9 năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 4643/BTNMT-BĐKH gửi các Bộ, ngành (gồm các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Giao thông vận tải; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Giáo dục và Đào tạo…), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ đề nghị báo cáo tình hình thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012- 2020 để có cơ sở đề xuất Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn mới.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều đợt làm việc tập trung với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học để tổng hợp, xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia; tổ chức các cuộc họp, hội thảo tham vấn với các Bộ, ngành để lấy ý kiến đối với các nội dung của dự thảo; tổ chức họp Tổ soạn thảo để lấy ý kiến các thành viên Tổ soạn thảo đối với dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030. 

Ngày 05 tháng 10 năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 5510/BTNMT-VKTTVBĐKH gửi các Bộ, ngành, địa phương để lấy ý kiến góp ý lần cuối đối với dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030

Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020

Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1474/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2012. Kế hoạch đã xác định 65 đề án, dự án, nhiệm vụ cần triển khai thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2020; 10 chương trình, đề án ưu tiên trong giai đoạn 2012 - 2015. Trong đó, có 26 nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến thích ứng với biến đổi khí hậu bao gồm cả dự báo, cảnh báo thiên tai, sinh kế bền vững; 16 nhiệm vụ liên quan đến vấn đề giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; 23 nhiệm vụ mang tính tổng hợp. Trên cơ sở Kế hoạch hành động quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu để triển khai thực hiện

Đối với các đề án, dự án, nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020 cơ bản đã được phê duyệt và triển khai thực hiện. Do nguồn lực còn hạn chế, một số nhiệm vụ được thực hiện lồng ghép trong các chương trình, đề án, nhiệm vụ khác hoặc trong nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng quản lý của các Bộ và địa phương.

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; trong bối cảnh mới của thế giới và trong nước đặt ra những yêu cầu mới về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là Việt Nam đã hoàn thành cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đặt ra những mục tiêu mới về ứng phó với biến đổi khí hậu cho giai đoạn 2021-2030, việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2030 nhằm: (i) Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu; (ii) Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực phù hợp với điều kiện quốc gia, tận dụng các cơ hội của biến đổi khí hậu để phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, phát triển bền vững.

Sự cần thiết xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu

Việt Nam luôn tích cực chung tay cùng cộng đồng quốc tế thực hiện các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, đã ký kết và phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Để thực hiện các yêu cầu của quốc tế trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã hoàn thành cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) gửi Ban thư ký của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. NDC cập nhật của Việt Nam thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế về các đóng góp trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu của quốc gia ở cấp chiến lược với mục tiêu dài hạn. Hợp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật của Việt Nam xác định mục tiêu giảm phát thải và các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021-2030 đối với các lĩnh vực theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, gồm có: năng lượng; nông nghiệp; chất thải; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp; các quá trình công nghiệp.

Ngày 20 tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại quyết định số 1055/QĐ-TTg, đã đề ra các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi với khí hậu. Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu được xây dựng theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu nhằm cụ thể hoá hợp phần thích ứng trong NDC của Việt Nam thể hiện những nỗ lực thích ứng cao nhất của Việt Nam trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây là cơ sở cho các cuộc đàm phán quốc tế, đánh giá nỗ lực toàn cầu, thể hiện những nỗ lực của quốc gia và nhu cầu về hỗ trợ quốc tế đối với các hoạt động của một quốc gia đang phát triển

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, việc xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 là cần thiết. Xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu cho giai đoạn tới chính là việc cụ thể hóa nhiệm vụ theo lộ trình thực hiện những đóng góp do Việt Nam các cam kết với cộng đồng quốc tế thực hiện Thỏa thuận Paris. Kế hoạch hành động quốc gia tập trung vào các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cụ thể, ưu tiên và cấp thiết nhằm đạt được các mục tiêu đã được xác định trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam và Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu.

Kế hoạch hành động quốc gia cũng là cơ sở cho các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục xây dựng và triển khai các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 thuộc phạm vi quản lý. Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động

quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 cũng góp phần thực hiện Kết luận số 56-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giúp Việt Nam chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, duy trì cân bằng các hệ sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp, thân thiện với môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững.

Bố cục và nội dung cơ bản của Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu

Về hình thức, bố cục dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 gồm 05 phần: i) Mục tiêu, nhiệm vụ; ii) Các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ cụ thể; iii) Giám sát và đánh giá; iv) Kinh phí thực hiện; v) Tổ chức thực hiện. Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 gồm các nội dung cụ thể sau:

Phần I. Mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm 08 nhóm mục tiêu với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau: 1. Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái: Mục tiêu này hướng tới các ưu tiên chiến lược về đảm bảo nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, tăng cường khả năng chống chịu của các thành phần kinh tế và hệ sinh thái trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Triển khai thực hiện nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua các chương trình, đề án, dự án thích ứng cụ thể ở mỗi ngành, lĩnh vực và khu vực nhằm đạt được mục tiêu thích ứng chung của quốc gia và từng ngành. 2. Chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu: Mục tiêu này hướng tới các ưu tiên chiến lược về đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra. 3. Triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tận dụng các cơ hội của biến đổi khí hậu để phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp: Mục tiêu này nhằm thực hiện những đóng góp do Việt Nam cam kết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. 4. Thực hiện đầy đủ các cam kết của một bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu: Mục tiêu này nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ các cam kết do Việt Nam đóng góp khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris. 5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu và thúc đẩy thực hiên lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch: Mục tiêu này hướng tới ưu tiên chiến lược nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về biến đổi khí hậu. 6. Nâng cao nhận thức, kiến thức và năng lực cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai: Mục tiêu này hướng tới ưu tiên chiến lược về tăng cường kiến thức, nhận thức, năng lực của cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo bình đẳng giới. 7. Tăng cường phát triển nguồn nhân lực, nguồn lực khoa học công nghệ và tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu: Mục tiêu này nhằm thực hiện ưu tiên chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nguồn lực khoa học và công nghệ và nguồn tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu. 8. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao vị thế và đóng góp của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu: Mục tiêu này nhằm vào việc tổ chức và tham gia các chương trình và diễn đàn quốc tế và tăng cường hợp tác và trao đổi trong nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ; chia sẻ thông tin, dữ liệu và giám sát biến đổi khí hậu và các tác động của biến đổi khí hậu.

Phần II. Danh mục các chương trình, đề án, dự án cụ thể Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2030 xác định 173 đề án, dự án, nhiệm vụ cụ thể nhằm đạt được 08 nhóm mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Chi tiết các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ cụ thể tại Phụ lục gửi kèm theo.

Phần III. Giám sát và đánh giá

Ở cấp quốc gia: Các nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động quốc gia sẽ được xem xét, đánh giá ở cấp độ quốc gia hai năm một lần. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu có trách nhiệm giám sát tiến độ triển khai Kế hoạch hành động quốc gia. 

Ở cấp Bộ, ngành: Các Bộ, ngành chịu trách nhiệm giám sát, đánh giá việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ cấp ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; tổng hợp tình hình thực hiện gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu trước ngày 31 tháng 12 hằng năm.

Ở cấp địa phương: Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giám sát, đánh giá việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ cấp địa phương và cấp cộng đồng trên địa bàn tỉnh; tổng hợp tình hình và tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu trước ngày 31 tháng 12 hằng năm.

Sau 05 năm triển khai thực hiện, Kế hoạch hành động quốc gia sẽ được rà soát, cập nhật nhằm điều chỉnh các mục tiêu, nhiệm vụ của 05 năm tiếp theo phù hợp với tình hình thực tế. Năm (05) năm kỳ cuối của Kế hoạch hành động quốc gia là giai đoạn hoàn thành mục tiêu. Việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ được đánh giá tổng thể vào năm cuối để xác định những kết quả đạt được và rút ra bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia của giai đoạn tiếp theo. Việc sửa đổi, đánh giá Kế hoạch hành động quốc gia phải được thực hiện thông qua sự tham vấn ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương.

Phần IV. Kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia Kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia bao gồm: 1. Nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, theo phân cấp hiện hành và quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. 2. Lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, các chương trình trọng điểm, dự án khác. 3. Các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Phần V. Tổ chức thực hiện Quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc chủ động triển khai, thực hiện để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia.