Thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2020; căn cứ Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Bộ tiêu chí xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu và đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về sự cần thiết ban hành bộ tiêu chí
Ngày 20 tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1055/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch được ban hành và triển khai nhằm nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước; tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.
Tại danh mục nhiệm vụ, Thủ tướng đã giao Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu và đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu trong năm 2021.
Bộ tiêu chí được ban hành là cơ sở để hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương lựa chọn được các đề xuất dự án ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sử dụng nguồn lực đầu tư cho thích ứng với biến đổi khí hậu được tập trung, có trọng tâm trọng điểm. Đồng thời hỗ trợ quá trình giám sát và đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu. Bộ tiêu chí được ban hành sẽ góp phần hoàn thiện các chính sách liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào các hoạt động của Bộ, ngành, địa phương, tận dụng các cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại, hài hòa lợi ích, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho thích ứng với biến đổi khí hậu ở nước ta.
Về nội dung
Bố cục của Bộ tiêu chí gồm 04 phần, bao gồm: Phần A: Giải thích từ ngữ; Phần B: Tiêu chí xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu; Phần C: Tiêu chí đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; Phần D: Tổ chức thực hiện.
Nội dung cơ bản của Bộ tiêu chí gồm 2 nội dung chính:
Một là, tiêu chí xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu
Tiêu chí xác định các dự án, nhiệm vụ (gọi chung là dự án) thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương lựa chọn được các dự án ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sử dụng nguồn lực đầu tư cho thích ứng với biến đổi khí hậu được tập trung, có trọng tâm trọng điểm. Tiêu chí được áp dụng cho việc xác định, lựa chọn dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc từ các tổ chức tài trợ với mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu
Nội dung tiêu chí và quy trình đánh giá gồm: (i) Sàng lọc loại bỏ dự án không phù hợp; (ii) Đánh giá mức độ ưu tiên
Về sàng lọc loại bỏ dự án không phù hợp, theo đó, loại bỏ những dự án: i) Không phù hợp với các nhiệm vụ ưu tiên trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và không thuộc Danh mục các nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch nêu trên; ii) Không gắn kết với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Bộ, ngành và địa phương; trùng lặp với các dự án đang triển khai thực hiện; iii) Sử dụng công nghệ, kỹ thuật không đảm bảo tính bền vững; iv) Không đảm bảo tính khả thi về tài chính, năng lực thực hiện; v) Không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đề xuất dự án.
Việc đánh giá ưu tiên theo thể loại của đề xuất dự án sẽ dựa trên 03 yếu tố đặc thù của mỗi đề xuất dự án: i) Vùng lãnh thổ; ii) Ngành (lĩnh vực)/liên ngành (lĩnh vực); iii) Dạng tác động biến đổi khí hậu (nước biển dâng; bão, áp thấp nhiệt đới; lũ, lụt; lũ quét, sạt lở đất; hạn hán; nhiệt độ tăng). Đề xuất dự án sẽ lần lượt được đánh giá qua từng bước thông qua các bảng đánh giá đã được xây dựng và từ đó cho điểm, xếp hạng.
Chất lượng nội dung của đề xuất dự án được đánh giá theo 6 tiêu chí: i) Tính cấp thiết; ii) Tính hữu ích, có kết quả rõ ràng; iii) Tính rõ ràng, phù hợp về mặt kỹ thuật của đề xuất dự án; iv) Tính lồng ghép-đa mục tiêu; v) Tính khả thi (về thời gian, tài chính, năng lực thực hiện); vi) Tính bền vững.
Trong quá trình đánh giá theo các tiêu chí nêu trên, các chỉ tiêu thành phần của các tiêu chí sẽ được áp dụng nhằm đánh giá chính xác sự phù hợp của đề xuất dự án đối với tiêu chí. Để lượng hóa, quy định một đề xuất dự án có chất lượng cao nhất đạt 100 điểm.
Từ kết quả đánh giá bằng thang điểm theo thể loại của đề xuất dự án và theo chất lượng nội dung đề xuất dự án, Hội đồng thẩm định sẽ quyết định danh sách cuối cùng dự án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện.
Hai là, tiêu chí đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu
Mục đích nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý giám sát quá trình thực hiện và đánh giá hiệu quả đầu tư nhằm điều chỉnh kịp thời những bất cập trong quá trình thực hiện, tổng hợp kinh nghiệm và nhân rộng các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu có hiệu quả.
Tiêu chí này áp dụng để đánh giá hiệu quả thực hiện dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc từ các tổ chức tài trợ với mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về nội dung tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu gồm 5 tiêu chí: i) Mức độ hoàn thành các mục tiêu và kết quả theo kế hoạch của nhiệm vụ, dự án được phê duyệt; ii) Hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tính dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu; iii) Góp phần xây dựng chính sách và quản lý hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; iv) Đóng góp cho tăng cường năng lực cho các bên liên quan về thích ứng với biến đổi khí hậu; v) Hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đánh giá hiệu quả hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ được thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân có năng lực được cơ quan quản lý lựa chọn. Đánh giá các tiêu chí dựa trên phương pháp cho điểm về kết quả đạt được của các tiêu chí nêu trên, theo 03 mức: i) Hiệu quả thấp: tổng điểm dưới 50; ii) Hiệu quả trung bình: tổng điểm từ 50-80; và iii) Hiệu quả cao: Tổng số điểm trên 80.
Kết quả đánh giá hiệu quả hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu là một báo cáo đánh giá (định kỳ, kết thúc nhiệm vụ, dự án). Nội dung báo cáo gồm các phần chính: Mô tả tóm tắt về nhiệm vụ, dự án: gồm các thông tin như mục tiêu, các nhiệm vụ, hoạt động, phạm vi thực hiện, các sản phẩm, kinh phí; Nội dung và phương pháp đánh giá: theo các tiêu chí đánh giá, mô tả nội dung và phương pháp đánh giá; Kết quả đánh giá: Tổng hợp, mô tả, phân tích kết quả đánh giá theo các tiêu chí và chỉ số, trong đó nhấn mạnh đến các kết quả đánh giá định lượng; đánh giá tổng thể hiệu quả hoạt động thích ứng; Kết luận và các khuyến nghị: nêu các kết chính, hiệu quả hoạt động thích ứng của nhiệm vụ, dự án đánh giá; các khuyến nghị với các cơ quan quản lý liên quan đến thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, dự án.