Những điểm mới trong Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai
Khí tượng thủy văn 14/05/2021
Những điểm mới trong Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai
Thực hiện Quyết định số 1109/QĐ-TTg ngày 24/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thay thế Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chinh phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai và Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.
Quyết định quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai đối với các thiên tai đã được quy định cụ thể tại Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, không quy định đối với các loại thiên tai khác.
I. Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai
Trên cơ sở kế thừa Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg về dự báo, cảnh báo, báo tin về thiên tai, bao gồm: Điều kiện ban hành, nội dung, tần suất và thời gian ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ và động đất, sóng thần; xem xét, điều chỉnh những nội dung không còn phù hợp với thực tế. Đồng thời bổ sung những loại thiên tai: cháy rừng do tự nhiên; gió mạnh trên Biển Đông; sương mù; nước dâng trên vùng biển ven bờ và đảo của Việt Nam; lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối trên lãnh thổ Việt Nam, đây là những loại thiên tai được bổ sung tại Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Các nội dung chính được sửa đổi như sau:
1.1. Về dự báo, cảnh báo thiên tai:
a) Bản tin dự báo, cảnh báo bão/ATNĐ
- Thay đổi điều kiện ban hành bản tin ATNĐ/bão trên Biển Đông và bản tin ATNĐ/bão khẩn cấp
+ Tin áp thấp nhiệt đới/bão trên Biển Đông được ban hành khi bão/ATNĐ hoạt động trên Biển Đông và chưa có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam trong 24 giờ tới đối với ATND và 48 giờ tới đối với bão, không quy định khoảng cách vị trí tâm đến đất liền Việt Nam.
+ Tin áp thấp nhiệt đới/bão khẩn cấp được ban hành khi ATNĐ/ bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam trong 24 giờ tới đối với ATNĐ và 48 giờ tới đối với bão, không quy định khoảng cách tâm ATNĐ/bão đến đất liền Việt Nam.
- Bổ sung loại Tin nhanh về áp thấp nhiệt đới, bão (cập nhật vị trí, cường độ bão thời điểm hiện tại) và được cập hằng giờ trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn.
- Điều chỉnh thời gian ban hành một số bản tin ATNĐ/bão: mỗi ngày ban hành 8 bản tin chính vào lúc: 2 giờ 00, 5 giờ 00, 8 giờ 00, 11 giờ 00, 14 giờ 00, 17 giờ 00, 20 giờ 00 và 23 giờ 00 (bản tin lúc 8 giờ 00 và 20 giờ 00 sớm hơn quy định hiện hành 1 giờ).
b) Quyết đinh điều chỉnh điều kiện ban hành, nội dung, thời gian ban hành bản tin ngập, lụt; dự báo, cảnh báo mưa lớn, nắng nóng; tần suất ban hành bản tin cảnh báo, dự báo lũ cho phù hợp với thực tế và đáp ứng yêu cầu của các bộ, ngành trong công tác phòng, chống thiên tai.
- Mưa lớn: điều kiện ban hành bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn được điều chỉnh là bản tin được ban hành khi phát hiện lớn có khả năng xảy ra, không quy định có khả năng xảy ra trên diện rộng.
- Lũ, ngập lụt:
+ Điều kiện ban hành Tin cảnh báo ngập lụt được bổ sung điều kiện khi phát hiện các hiện tượng bất thường khác như nguy cơ cao vỡ đập, hồ chứa xả nước, vỡ đê, tràn đê có khả năng gây ngập lụt cho khu vực bị ảnh hưởng.
+ Khi có lũ khẩn cấp thông tin về mực nước lũ trên các sông được cập nhật hằng giờ trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn.
Thời gian, tần suất ban hành bản tin lũ được điều chỉnh:
+ Tin lũ trên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 02 ngày/bản tin (tăng tần suất so với quy định hiện tại 03 ngày/bản tin).
+ Tin lũ trên sông Hồng, sông Thái Bình và các sông khác, mỗi ngày ban hành 03 bản tin vào lúc: 9 giờ 00, 15 giờ 30 và 21 giờ 00 (tăng 01 bản tin lúc 21 giờ 00).
+ Tin lũ khẩn cấp trên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, 01 ngày ban hành 01 bản tin (tăng tần suất so với quy định hiện tại 02 ngày/bản tin).
+ Tin lũ khẩn cấp trên sông Hồng, sông Thái Bình và các sông khác, mỗi ngày ban hành 04 bản tin chính vào lúc: 3 giờ 30, 9 giờ 00, 15 giờ 30 và 21 giờ 00 (tăng 01 bản tin lúc 3 giờ 30).
c) Tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn
- Nội dung tin bản tin cảnh báo xâm nhập mặn bổ sung nội dung cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra xâm nhập mặn với độ mặn 1‰ trở lên sâu trong nội đồng.
- Nội dung tin bản tin dự báo xâm nhập mặn bổ sung nội dung dự báo phạm vi, thời gian chịu ảnh hưởng của độ mặn độ mặn 1‰; khoảng cách chịu ảnh hưởng của độ mặn 1‰ trở lên tính từ cửa sông chính.
d) Tin dự báo, cảnh báo nắng nóng: tăng thời gian cảnh báo khả năng tiếp diễn nắng nóng trong 72 giờ đến 120 giờ tới (quy định hiện tại là 48 giờ đến 72 giờ).
đ) Tin dự báo, cảnh báo hạn hán và sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán (nếu có).
Bổ sung thiên tai sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán (nếu có) vào các quy định dự báo, cảnh báo thiên tai hạn hán.
e) Quyết định bổ sung quy định chi tiết về điều kiện ban hành, nội dung, tần suất ban hành bản tin dự báo, cảnh báo đối với các thiên tai: gió mạnh trên biển; sóng lớn, sương mù; lốc, sét, mưa đá, sương muối, cháy rừng do tự nhiên. Cụ thể, các nội dung bổ sung cho mỗi loại bản tin dự báo, cảnh báo đều bao gồm: điều kiện ban hành, nội dung bản tin; tần suất và thời gian ban hành bản tin dự báo, cảnh báo.
1.2. Về truyền tin thiên tai
- Bổ sung chế độ truyền phát tin về dự báo, cảnh báo cháy rừng do tự nhiên đối với Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam.
- Điều chỉnh chế độ truyền, phát tin về các loại thiên tai khác cho phù hợp với các loại thiên tai được bổ sung thêm.
- Điều chỉnh chế độ truyền, phát tin về động đất, cảnh báo sóng thần mức 1 và mức 2 đối với Hệ thống Thông tin Duyên hải Việt Nam và hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho phù hợp và theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải. Cụ thể, Tin cảnh báo sóng thần mức 1 và Tin cảnh báo sóng thần mức 2 được truyền phát ngay sau khi nhận được bản tin và phát 02 lần, mỗi lần cách nhau 5 phút. Sau đó cứ 15 phút, phát lại tin đã phát cho đến khi nhận được Tin cuối cùng về sóng thần hoặc Tin hủy cảnh báo sóng thần.
II. Quy định về cấp độ rủi ro thiên tai
- Quy định về cấp độ rủi ro thiên tai được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế và yêu cầu của công tác phòng, chống thiên tai. Các nội dung điều chỉnh tập trung vào chi tiết cường độ thiên tai cho các khu vực; khả năng gây thiệt hại của các loại hình thiên tai được lồng ghép vào vùng ảnh hưởng của thiên tai và được chi tiết hơn so với quy định cấp độ rủi ro thiên tai hiện hành.
- Một số loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ, hoặc dòng chảy có cùng nguyên nhân kích hoạt giống nhau là do mưa lớn, phạm vi khu vực xảy ra tương đồng nên được được ghép lại để xây dựng cấp độ rủi ro thiên tai.
- Bổ sung quy định cấp độ rủi ro thiên tai do cháy rừng do tự nhiên.
- Để tránh hiểu nhầm trong quá trình thực hiện, các quy định về cấp độ rủi ro thiên tai được bổ sung từ “dự báo” hoặc “cảnh báo” vào trước quy định cấp độ rủi ro của các loại thiên tai.
Những nội dung sửa đổi chi tiết như sau:
a) Cấp độ rủi ro do bão, áp thấp nhiệt đới: chi tiết hóa các khu vực ảnh hưởng trên đất liền; điều chỉnh phân cấp chi tiết hơn từ cấp 12-15 thành 12-13 và 14-15.
b) Cấp độ rủi ro do nước dâng
- Bỏ cấp độ rủi ro 1;
- Chi tiết hóa khu vực ảnh hưởng theo 8 vùng biển của Việt Nam;
- Điều chỉnh độ cao mực nước ven biển từ 1-2, 2-4, 4-6, 6-8m và trên 8m thành 1-2, 2-3, 3-4, 4-5, 5-6 và trên 6m.
c) Cấp độ rủi ro do mưa lớn
- Bổ sung cấp độ rủi ro 4;
- Điều chỉnh lượng mưa trong 24 giờ và bổ sung cường độ mưa 50-100/12 giờ;
- Bổ sung khu vực ảnh hưởng “ven biển”; bổ sung thời gian kéo dài “trên 4 ngày”.
d) Cấp độ rủi ro do lũ, ngập lụt
- Điều chỉnh khu vực xảy ra lũ, ngập lụt từ theo các sông thành theo các trạm thủy văn;
- Mực nước lũ: bổ sung “BĐ1 ≤ BĐ2”, chia nhỏ khoảng cách BĐ3+1m thành “BĐ3-BĐ3+0,3m” và (BĐ3+0,3m) ≤ (BĐ3+1,0m).
đ) Cấp độ rủi ro do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy
- Ghép thiên tai “sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy” với “sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy” để xác định cấp độ rủi ro thiên tai.
- Bổ sung cơ sở xác định (phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, khu vực chịu ảnh hưởng dựa trên kết quả nghiên cứu của Viện KTTV và Viện ĐCKS).
e) Cấp độ rủi ro do nắng nóng
- Tăng cấp độ rủi ro thiên tai lên cấp 4;
- Cấp độ rủi ro: bổ sung khu vực ảnh hưởng (Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ) ; điều chỉnh thời gian kéo dài lên đến 25 ngày và trên 25 ngày;
- Điều chỉnh chi tiết hóa khoảng nhiệt độ cao nhất ngày (từ 39-40 độ và trên 40 độ thành 35-37 độ, 37-39 độ, 39-41 độ và trên 41 độ).
g) Cấp độ rủi ro do hạn hán hoặc sạt lở sụt lún đất do hạn hán
- Bổ sung khu vực ảnh hưởng (Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ);
- Điều chỉnh khoảng thời gian thiếu hụt mưa trên 50% trong khu vực (từ 3-6 tháng và trên 6 tháng thành từ 3-5 tháng và trên 5 tháng).
h) Cấp độ rủi ro do xâm nhập mặn
- Tăng từ 2 cấp độ lên 4 cấp độ;
- Bổ sung khu vực ảnh hưởng (Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ);
- Điều chỉnh chi tiết khoảng cách xâm nhập mặn tính từ cửa sông (từ 25-50km và trên 50km thành từ 15-25km, 25-50km, 50-90km và trên 90km).
- Bổ sung độ mặn 1‰.
i) Cấp độ rủi ro do gió mạnh trên biển
- Bỏ cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1;
- Chi tiết cấp gió (từ 2 khoảng lên thành 3 khoảng).
k) Cấp độ rủi ro do sương mù
- Giảm cấp độ rủi ro thiên tai ( từ 3 cấp xuống 2 cấp);
- Phạm vi ảnh hưởng: bổ sung theo vùng hoạt động của các phương tiện giao thông (trên sông và đường đèo núi và đường cao tốc).
l) Cấp độ rủi ro do sóng thần
- Bổ sung cấp độ rủi ro thiên tai 1 và 2;
- Cấp độ rủi ro thiên tai được xác định theo chiều cao sóng và cường độ sóng thần.
m) Cháy rừng do tự nhiên (xây dựng mới cấp độ rủi ro thiên tai)
n) Cấp độ rủi ro do lốc, sét, mưa đá
Bổ sung phạm vi ảnh hưởng và khu vực ảnh hưởng chi tiết theo số huyện và xã trong một tỉnh.
III. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai
- Trách nhiệm Bộ Tài nguyên và Môi trường được quy định rõ hơn, giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cấp độ rủi ro thiên tai, dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, không bao gồm thiên tai cháy rừng do tự nhiên.
- Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được bổ sung nội dung chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp nghiệp ban hành bản tin dự báo, cảnh báo cháy rừng do tự nhiên; xây dựng, lắp đặt trạm hoặc bổ sung thêm các thiết bị quan trắc khí tượng để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo cháy rừng.
- Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã bổ sung chỉ đạo Đài truyền thanh cấp xã thực hiện các quy định về truyền tin thiên tai có liên quan trực tiếp đến địa phương.
- Dự thảo Quyết định không quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân quản lý các công trình hồ chứa (Điều 37 của Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg) vì quy định cung cấp các thông tin vận hành hồ phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thủy văn đã được quy định tại Nghị định số 48/2020/NĐ-CP ngày 15/4/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngảy 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điểu của Luật Khí tượng thủy văn.
Nguồn: Vụ Quản lý Dự báo khí tượng thủy văn - Tạp chí Khí tượng Thủy văn
Chi tiết Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg (18.pdf)
TIN LIÊN QUAN
- Quyết định số 10/2023/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Khí tượng thủy văn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Thông tư số 22/2022/TT-BTNMT ngày 20/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc thủy văn
- Thông tư số 08/2022/TT-BTNMT ngày 05/07/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định loại bản tin và thời hạn dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn
- Văn bản hợp nhất số 17/VBHN-BTNMT quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực khí tượng thủy văn
- Thông tư số 04/2022/TT-BTNMT ngày 03/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật kiểm tra, kiểm soát, đánh giá chất lượng tài liệu khí tượng trên cao, ra đa thời tiết, ô - dôn và bức xạ cực tím