QUẢN LÝ CÁC NGUỒN NƯỚC QUỐC TẾ

Quản lý các nguồn nước quốc tế 06/07/2019

Sông ngòi vốn đã được điều chỉnh bởi luật quốc tế từ trước vì chúng thường được dùng làm biên giới tự nhiên giữa các Quốc gia và thường chảy qua lãnh thổ của nhiều Quốc gia. Điều chỉnh pháp lý về môi trường đối với sông ngòi đã được phát triển tương đối sớm với bản Quy tắc Helsinki năm 1966 phản ánh luật tập quán tại thời điểm đó liên quan tới sử dụng công bằng. Quyền của các quốc gia ven bờ là những vấn đề cần điều chỉnh vì về mặt chính trị rất khó để các Quốc gia thượng nguồn nhượng bộ trong các chính sách về sông ngòi của họ vì lợi ích của các Quốc gia hạ nguồn nếu như điều này được xem là tạo ra gánh nặng cho người dân và lợi ích kinh tế của Quốc gia.

                                                                                                           

Phần lớn các thoả thuận về sông quốc tế thường được áp dụng cho các khu vực sông đơn lẻ, bên cạnh đó, các thoả thuận ở cấp khu vực và thậm chí toàn cầu cũng đã được ký kết nhằm thúc đẩy việc quản lý bền vững các đường thuỷ nội địa xuyên biên giới. Uỷ ban luật pháp quốc tế của Liên Hợp Quốc đã soạn thảo Công ước năm 1997 về việc sử dụng các nguồn nước quốc tế vào mục đích phi giao thông thuỷ với nhiều quy định tham vọng.

Sông, hồ, nước ngầm ngày nay được hiểu là các lưu vực thoát nước phức tạp, có thể bao gồm nước ngầm thông với nước bề mặt, Năm 2008, Uỷ ban luật pháp quốc tế Liên Hợp Quốc đã hoàn thành bản Dự thảo Công ước về các tầng đất ngậm nước xuyên biên giới (draft articles of the Law of Transboundary Aquifers), nhằm điều chỉnh nước ngầm không thông với nước bề mặt và có thể được so sánh với các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang được chia sẻ hợp pháp hiện nay như các vỉa dầu và khí xuyên biên giới.

Các quy định này được nêu cụ thể tại Công ước năm 1997 về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế vào mục đích phi giao thông thủy.