Giám sát tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám

Lĩnh vực viễn thám 15/08/2020

Với thế mạnh về tính đa thời gian, chính xác về địa hình địa vật, trực diện tại các khu vực khó khăn, công nghệ viễn thám đã được ứng dụng phổ biến, hiệu quả trên thế giới để quan trắc, giám sát bề mặt trái đất. Đặc thù thông tin từ tư liệu viễn thám rất nhạy cảm và quan trọng, có liên quan chặt chẽ tới hoạt động kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh nên cần thiết phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám.

 

Trên thế giới, việc sử dụng công nghệ viễn thám trong công tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ viễn thám giám sát tài nguyên và môi trường được các nước hết sức chú trọng

Mỹ có 6 điều luật về công nghệ không gian trong đó có hẳn một điều luật về viễn thám mặt đất (Land Remote Sensing Policy). Trong đó, nhấn mạnh tư liệu viễn thám là quan trọng trong giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, các điều luật đưa ra nhằm đảm bảo sự phát triển của công nghệ viễn thám trong cả tư nhân và nhà nước, khả năng nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tân tiến trong tương lai.

Tương tự, các nước như Nga, Anh, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đa số xây dựng các chính sách định hướng về các hoạt động ứng dụng công nghệ viễn thám độc lập.

Công tác giám sát, bảo vệ tài nguyên và môi trường đang là nhiệm vụ cấp bách hiện nay

Tại Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Với mục tiêu về cơ bản vào năm 2020 kiểm soát, hạn chế xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học, kết hợp cải thiện chất lượng môi trường sống, nâng cao khả năng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm nguồn tài nguyên thiên nhiên, chất lượng môi trường phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững đất nước, ngăn chặn và đẩy lùi các hiện tượng này vào năm 2030.

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đề ra mục tiêu “Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu của các cơ quan chuyên môn” và giải pháp “Tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ mới, tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin trong dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

Hiện nay có rất nhiều loại vệ tinh quan trắc trái đất trên thế giới, năm 2013 Việt Nam đã phóng thành công vệ tinh quang học VNREDSat-1, chuẩn bị phóng vệ tinh radar LOTUSat-1. Nhu cầu ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý, giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, theo dõi giám sát thiên tai, biến đổi khí hậu; giám sát lĩnh vực liên quan phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng trong nhiều ngành, dưới nhiều hình thức phong phú. Khoa học ngày càng phát triển, các sản phẩm viễn thám ngày càng đa dạng với nhiều loại thông tin, dữ liệu có độ phân giải cao và thời gian truyền dữ liệu đạt tới gần thời gian thực. Hơn nữa, đây là công nghệ cho phép tiếp cận các vùng sâu, xa, đặc biệt nguy hiểm mà con người khó hoặc không thể tiếp cận, là phương pháp duy nhất có thể có khả năng giám sát với tần xuất cao, trên diện rộng, với chi phí tối thiểu.

Với thế mạnh nói trên, công nghệ viễn thám có năng lực cảnh báo một số loại hình thiên tai xuất hiện đột ngột trong thời gian ngắn, phạm vi không gian mang tính khu vực, địa phương mà điển hình là lũ quét và sạt lở đất. Đây là hai loại hình thiên tai có mức độ khốc liệt, thường xuyên xuất hiện khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và là thách thức cho công tác dự báo, cảnh báo của ngành khí tượng thủy văn ở Việt Nam hiện nay; cảnh báo và dự báo các tác động của bão, mưa lớn và nắng nóng đặc biệt là việc thiếu hụt các thông tin quan trắc tức thời và bổ sung chi tiết nhất là cho các khu vực ven biển Việt Nam, do các số liệu đo đạc hiện nay chủ yếu dựa vào các quan trắc ven bờ với tần suất cập nhật chậm, toàn bộ các dữ liệu từ ven bờ ra đến thềm lục địa (khoảng 200-300km) đều phụ thuộc vào khả năng quét của một số trạm quan trắc radar (dữ liệu độ phản hồi) và từ vệ tinh địa tĩnh (tần suất từ 10-30 phút một ảnh, độ phân giải thấp, phổ biến là 1km-4km). Việc tiếp cận được các dữ liệu ảnh viễn thám độ phân giải cao và siêu cao ở nhiều kênh phổ khác nhau sẽ cho phép giám sát và phân tích đầy đủ cấu trúc khí quyển của các hiện tượng như bão đổ bộ, hiện tượng nước dâng do bão, các hệ quả do mưa lớn gây ra và tính chi tiết của chế độ nhiệt độ và điều kiện bề mặt liên quan đến đánh giá tác động của nắng nóng và hạn hạn; việc tích hợp các dữ liệu GIS đã được chuẩn hóa kết hợp với dữ liệu ảnh viễn thám và mô hình toán sẽ dự báo chính xác các tình huống ngập triều, dưới tác động của biến đổi khí hậu đỉnh triều cường ngày càng tăng cao, trong khi hệ thống tiêu thoát nước hiện tại ở các khu đô thị điển hình là TP. Hồ Chí Minh không đáp ứng được tải lượng mới này. Bên cạnh đó, các chất nhựa polyme có các đặc tính phổ đặc trưng trong dải phổ từ cận hồng ngoại (NIR) đến hồng ngoại sóng ngắn (SWIR). Đặc điểm này đang được khai thác và sử dụng trong các quá trình phân loại rác bằng công nghệ viễn thám quang học; dữ liệu viễn thám radar nhạy cảm với độ nhám của rác thải nhựa so với bề mặt xung quanh nên có thể được khai thác để phát hiện, khoanh vẽ và giám sát các khu vực có ô nhiễm rác thải nhựa. Trên thực tế, các sự cố tràn dầu do vận tải biển xảy ra thường xuyên, việc giám sát, phát hiện vị trí phát sinh nguồn và thời điểm ô nhiễm dầu cũng đã và đang được khẳng định tính hữu dụng khi sử dụng tư liệu viễn thám radar. Hơn nữa, với khả năng quan trắc, giám sát các đối tượng ở các vùng sâu, xa, đặc biệt nguy hiểm mà con người khó hoặc không thể tiếp cận nơi xuất hiện các tai biến địa chất có tần xuất cao, công nghệ viễn thám đã được ứng dụng phổ biến, hiệu quả trên thế giới để quản lý và giám sát các hoạt động khai thác và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; nhất là phát hiện các hành vi khai thác trái phép tại các khu vực dự trữ khoáng sản. Thực tế cho thấy, phân tích các dữ liệu viễn thám cho phép giám sát các biến động tài nguyên đất, tài nguyên nước và không khí, vì vậy, cần thiết phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ này là hết sức cần thiết.

Ngày 01 tháng 02 năm 2019, tại Quyết định số 149/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”. Chiến lược này là cơ sở pháp lý cần thiết cho công tác quản lý và định hướng việc ứng dụng công nghệ viễn thám tại Việt Nam, đặc biệt trong công tác giám sát tài nguyên và môi trường. Trong Chiến lược này, Thủ tướng đã phê duyệt danh mục các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ chuyên môn cần thiết để thực hiện Chiến lược, trong đó đề án “Giám sát tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám” là nhiệm vụ cần phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2019.

Nhằm triển khai việc thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg của Chính phủ, ngày 10 tháng 5 năm 2019 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký Quyết định số 1170/QĐ-BTNMT phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược. Đề án “Giám sát tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám” được cụ thể hóa bằng việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong công tác giám sát trong các lĩnh vực sau: Khí tượng thủy văn; môi trường; biển và hải đảo; quản lý đất đai; địa chất và khoáng sản; tài nguyên nước; biến đổi khí hậu trên cơ sở ứng dụng công nghệ và sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám. Bên cạnh đó, việc thực hiện đề án cần phải được đầu tư trang thiết bị hiện đại phù hợp với công nghệ và mục tiêu của các nhiệm vụ thuộc Đề án.