Trên cơ sở hoàn thiện, bổ sung các nội dung theo ý kiến của Văn phòng Chính phủ; ý kiến góp ý của các bộ, ngành và địa phương liên quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nội dung Chương trình với những nội dung chính như sau:
Về mục tiêu
Tạo lập được cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám và hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái Đất từ các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Phát triển một số công nghệ viễn thám then chốt, hiện đại kết hợp với công nghệ cao, tiên tiến phù hợp với xu hướng công nghệ trên thế giới và điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN.
Ứng dụng rộng rãi, chuyển giao công nghệ viễn thám, dữ liệu viễn thám từ trung ương tới địa phương đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh.
Về nội dung chính
Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật về viễn thám
Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về viễn thám ở trung ương và địa phương phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển viễn thám;
Nghiên cứu, xây dựng, cập nhật hệ thống quy chuẩn, quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình công nghệ về viễn thám;
Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng cơ chế, chính sách trao đổi, phối hợp, hợp tác nghiên cứu; hội nhập và hợp tác quốc tế về viễn thám phục vụ tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong hoạt động viễn thám, chia sẻ, trao đổi dữ liệu viễn thám, phối hợp khai thác sử dụng tài nguyên vệ tinh, trạm thu, trạm điều khiển viễn thám với nước ngoài; d) Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng cơ chế quản lý và vận hành hệ thống thu nhận xử lý dữ liệu viễn thám;
Đề xuất các chính sách nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám, khai thác sử dụng công nghệ viễn thám.
Nghiên cứu xây dựng hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám và hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái Đất từ các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh
Nghiên cứu thiết kế và phát triển các thiết bị cảm biến viễn thám quang học, radar độ phân giải cao và siêu cao, thiết bị cảm biến viễn thám siêu phổ; hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái Đất từ các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu;
Nghiên cứu phát triển hạ tầng thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám (bao gồm cố định và di động), mạng lưới trạm thu dữ liệu viễn thám, mạng lưới truyền dẫn dữ liệu viễn thám, hệ thống xử lý dữ liệu viễn thám;
Nghiên cứu xây dựng, thiết kế, chế tạo hệ thống truyền hình ảnh thời gian thực lắp đặt trên máy bay, thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu; xây dựng hệ thống tích hợp lắp ráp, thiết bị cung cấp thông tin viễn thám.
Nghiên cứu, phát triển khoa học viễn thám cơ bản
Nghiên cứu, phát triển các phương pháp, thuật toán hiện đại trên nền tảng vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo (AI), học máy, dữ liệu lớn (bigdata), điện toán đám mây, an toàn thông tin trong lưu trữ, xử lý, phân tích, khai thác, ứng dụng thông tin, dữ liệu viễn thám;
Tăng cường nghiên cứu xây dựng và phát triển các giải pháp, hệ thống tích hợp dữ liệu viễn thám đa nguồn và các thông tin bổ trợ khác trên cơ sở mô hình hóa, tự động hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh.
Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thay đổi của tầng khí quyển, kiểm kê khí nhà kính; hỗ trợ cảnh báo, giám sát tai biến thiên nhiên như lũ quét, sạt lở đất, dịch chuyển khối, lũ lụt, sụt lún, ngập lụt đô thị, triều cường, xâm nhập mặn, dự báo khí tượng thủy văn; giám sát, cảnh báo hạn hán, cháy rừng, diễn biến lũ lụt, cứu hộ cứu nạn;
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong quan trắc, giám sát ô nhiễm môi trường: đất, nước, không khí do chất thải, khí thải sinh hoạt và chất thải, khí thải công nghiệp, sự cố môi trường; ô nhiễm môi trường do thiên tai, các chất độc hại phát tán vào môi trường, quản lý và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu;
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ tác động của thiên tai;
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, hệ thống bản đồ địa hình quốc gia, bản đồ chuyên ngành và cơ sở dữ liệu chuyên ngành về hiện trạng tài nguyên thiên nhiên và môi trường, thực trạng biến đổi khí hậu;
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong quy hoạch lãnh thổ, lãnh hải, đô thị và cấp vùng, xây dựng, giao thông, năng lượng; bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di sản thế giới; phục vụ sức khỏe cộng đồng; phát triển, quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ và sản xuất công nghiệp, nông lâm ngư nghiệp; điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng trên nền tảng công nghệ 4.0;
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát, thu thập thông tin, phát hiện các hoạt động, diễn biến liên quan đến tài nguyên, môi trường, quốc phòng - an ninh tại biên giới, hải đảo, khu vực khó tiếp cận và ngoài lãnh thổ;
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong công tác kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ quốc phòng - an ninh; đánh giá ảnh hưởng của điều kiện môi trường và biến đổi khí hậu đến các hoạt động quốc phòng - an ninh, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc.
Hỗ trợ hợp tác quốc tế, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ viễn thám
Nghiên cứu tiếp thu, làm chủ và phát triển các công nghệ tiên tiến từ nước ngoài được chuyển giao cho Việt Nam;
Xúc tiến, tổ chức hợp tác song phương với các quốc gia có tiềm lực, kinh nghiệm thực hiện một số hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ viễn thám;
Nghiên cứu, phát triển các hệ thống, mô hình và phương pháp phù hợp để chuyển giao công nghệ, các kết quả nghiên cứu cho các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Chương trình dự kiến thực hiện trong phụ lục kèm theo.
Về dự kiến sản phẩm
Sản phẩm của các đề tài ở dạng dữ liệu, báo cáo, chuyên đề, giải pháp công nghệ; ấn phẩm công bố trên ít nhất 02 tạp chí khoa học và công nghệ chuyên ngành trong nước và 01 trên tạp chí khoa học và công nghệ quốc tế (trong danh mục ISI/Scopus);
Dự thảo chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, các mô hình quản lý nhà nước về hoạt động viễn thám ở trung ương và địa phương;
Các phương pháp, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật; phần mềm ứng dụng công nghệ viễn thám trong quan trắc, giám sát tình hình khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tai biến thiên nhiên, quốc phòng - an ninh; thành lập, cập nhật cơ sở dữ liệu bản đồ, cơ sở hạ tầng thông tin không gian có khả năng ứng dụng/sử dụng và chuyển giao sản phẩm của nhiệm vụ trong thực tiễn;
Thiết bị của vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái Đất có khả năng gắn trên các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu có khả năng ứng dụng/sử dụng trong thực tiễn.
Về các chỉ tiêu đánh giá
Chỉ tiêu về trình độ khoa học: 100% đề tài/dự án có kết quả được công bố trên tạp chí khoa học công nghệ có uy tín của quốc gia, 100% đề tài/dự án có kết quả được công bố quốc tế;
Chỉ tiêu về ứng dụng thực tiễn: 100% kết quả nghiên cứu có địa chỉ ứng dụng, trong đó ít nhất 60% các công nghệ, chính sách, giải pháp, mô hình đề xuất, cơ sở dữ liệu được các cấp có thẩm quyền (Chính phủ, bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) chấp thuận cho phép triển khai;
Chỉ tiêu sở hữu trí tuệ: 40% số đề tài/dự án có kết quả được chấp nhận đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ (giải pháp hữu ích cho sáng chế);
Chỉ tiêu về đào tạo: 100% số đề tài, dự án đào tạo được hoặc hỗ trợ đào tạo ít nhất là 01 tiến sỹ hoặc 02 thạc sỹ;
Chỉ tiêu về cơ cấu, nhiệm vụ khi kết thúc chương trình: 60% đề tài/dự án có kết quả phục vụ trực tiếp cho việc phát triển kinh tế - xã hội; 20% đề tài/dự án có kết quả nghiên cứu mang tính tổng hợp phục vụ liên ngành và liên vùng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường; 20% các đề tài/dự án triển khai ứng dụng trong công tác quốc phòng - an ninh.
Về kế hoạch thực hiện
Chương trình được thực hiện trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2030, được chia thành 02 giai đoạn:
Giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;
Giai đoạn II: từ năm 2026 đến năm 2030.
Về tổ chức thực hiện
Bộ Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo đúng quy định hiện hành; Tổ chức quản lý, tuyên truyền, phổ biến, chuyển giao, khai thác sử dụng kết quả Chương trình cho các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân theo quy định hiện hành; Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện; tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các cơ quan có hoạt động về tài nguyên và môi trường tham gia thực hiện Chương trình; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình; định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chương trình; đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Chương trình trong trường hợp cần thiết.
Các bộ, ngành
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện Chương trình đúng tiến độ và có hiệu quả theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan;
Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của Chương trình theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 và các quy định hiện hành khác;
Bộ Quốc phòng đề xuất thực hiện các nội dung nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ các nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng;
Bộ Công an đề xuất thực hiện các nội dung nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám, phát triển hệ thống thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám phục vụ công tác an ninh;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất thực hiện các nội dung nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ viễn thám trong nông, lâm, ngư nghiệp; điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng;
Bộ Giao thông vận tải đề xuất thực hiện các nội dung nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong quy hoạch, quản lý và giám sát một số hoạt động giao thông vận tải; g) Bộ Xây dựng đề xuất thực hiện các nội dung nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong quy hoạch, giám sát và quản lý quy hoạch xây dựng;
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất thực hiện các nội dung nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích;
Các bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Chương trình; khai thác, sử dụng các kết quả của Chương trình trong phạm vi quản lý;
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: đề xuất thực hiện việc nghiên cứu hoàn thiện thiết kế và chế tạo vệ tinh viễn thám vừa và nhỏ, chùm vệ tinh sử dụng các thiết bị cảm biến viễn thám quang học độ phân giải siêu cao, siêu phổ, radar độ phân giải siêu cao đáp ứng nhu cầu dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh;
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: đề xuất thực hiện việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong hoạt động văn hóa, xã hội.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Nghiên cứu tiếp thu, phát triển và đề xuất thực hiện việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong quy hoạch địa giới hành chính, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, đô thị thông minh;
Khai thác, sử dụng các kết quả của Chương trình phục vụ công tác quản lý nhà nước trong phạm vi quản lý.
Trên cơ sở nội dung Chương trình đã được hoàn thiện nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chương trình.