Nghiên cứu hỗ trợ hợp tác quốc tế, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ viễn thám

Lĩnh vực viễn thám 19/08/2020

Nhu cầu thực tiễn liên quan đến công nghệ viễn thám cần hợp tác chuyển giao là rất lớn.

Từ phân tích các nội dung liên quan đến tăng cường hợp tác quốc tế nhằm chuyển giao công nghệ ưu tiên từ nước ngoài vào Việt Nam của Chính phủ tại Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Quyết định số 1187/QĐ-BTNMT Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1851/QĐ-TTg thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có thể thấy nhu cầu thực tiễn liên quan đến công nghệ viễn thám cần hợp tác chuyển giao là rất lớn, trong đó tập trung vào các nhóm sau:

Lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử:

Các công nghệ cao, công nghệ nguồn phục vụ phát triển hạ tầng viễn thám như vệ tinh viễn thám, trạm thu, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám; các phân mềm, đặc biệt là phần mềm nhúng trong các thiết bị phần cứng, điện tử trong hệ thống viễn thám;

Công nghệ để chế tạo các loại linh kiện điện tử, mạch vi điện tử để phát triển các thiết bị: thiết bị ngoại vi, máy chủ xử lý tín hiệu viễn thám, các bộ điều khiển ....

Lĩnh vực cơ khí chế tạo: 

Công nghệ thiết kế, chế tạo các chỉ tiết, linh kiện, quan trọng như ăng ten trạm thu, trạm điều khiển; thiết bị plasform vệ tinh; bộ cảm biến viễn thám trên vệ tinh; máy bay không người lái, …

Lĩnh vực công nghệ môi trường, chống biến đổi khí hậu:

Công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống quan trắc, giám sát ô nhiễm môi trường bằng viễn thám;

Công nghệ viễn thám ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hóa về quản lý giám sát, quan trắc và xử lý số liệu môi trường bằng viễn thám;

Công nghệ viễn thám ứng dụng/phát triển công nghệ hiện đại dự báo, cảnh báo sớm thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai trong lĩnh vực khí tượng thủy văn (bão, mưa lớn định lượng, hạn hán, ...); công nghệ hiện đại dự báo bão, mưa lớn định lượng trên cơ sở các mô hình tương tác khí quyển - đại dương và tích hợp dữ liệu viễn thám, đồng hóa số liệu; 

Công nghệ dự báo, cảnh báo thời tiết hạn cực ngắn đối với dông sét, tố, lốc, mưa đá, mưa lớn cục bộ, ... trên cơ sở công nghệ viễn thám và mô hình số trị; - Công nghệ viễn thám trong dự báo sóng, dòng chảy, nước biển dâng, ngập lụt ven bờ phục vụ các hoạt động KT-XH, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục sự cố trên biển;

Công nghệ viễn thám hỗ trợ trong dự báo thời tiết hạn ngắn chi tiết cho các khu vực nhỏ và hạn vừa, hạn dài cho các khu vực KT-XH trọng điểm;

Công nghệ viễn thám trong quản trị thông minh và tự động hóa trong quan trắc, truyền tin cảnh báo và dự báo khí tượng thủy văn tiếp cận công nghệ 4.0;

Phát triển hạ tầng viễn thám và các công nghệ ứng dụng tiên tiến:

Phát triển hệ thống thu nhận dữ liệu viễn thám radar, quang học hiện đại, hiệu quả và tiết kiệm phù hợp với điều kiện của Việt Nam;

Chuyển giao công nghệ, lắp đặt thiết bị xử lý dữ liệu viễn thám radar, quang học cho Việt Nam;

Phát triển công nghệ mới trong xử lý và khai thác dữ liệu viễn thám phù hợp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0;

Phát triển hệ thống khai thác và xử lý dữ liệu ảnh viễn thám lớn (big data); 

Phát triển hệ thống phân phối sản phẩm dữ liệu viễn thám;

Lĩnh vực an ninh, quốc phòng:

Các công nghệ viễn thám trong nhận dạng mục tiêu, quan trắc địa hình, giám sát thời gian thực về môi trường phục vụ quốc phòng, an ninh và công nghệ lưỡng dụng đồng thời cho quốc phòng, an ninh và dân dụng theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.