Về sự cần thiết ban hành Nghị định
Tài nguyên nước là nguồn tài nguyên vô cùng thiết yếu cho đời sống của con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này đang đứng trước những thách thức của việc gia tăng nhu cầu sử dụng dẫn đến khai thác quá mức gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước. Vì vậy, quan điểm nước là tài sản, là nguồn lực quan trọng của mỗi quốc gia và phải được khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững đang trở nên phổ biến trên thế giới.
Tài nguyên nước là tài sản công được quy định trong Hiến pháp và Luật Tài nguyên nước, do đó việc quản lý, sử dụng phải bảo đảm các quy định về tài sản công. Tại Điều 65 Luật Tài nguyên nước quy định các trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và giao Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp khai thác tài nguyên nước phải nộp tiền, phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Để triển khai hiệu quả các quy định về việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, vừa bảo đảm khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ được nguồn nước, vừa bảo đảm được an sinh xã hội và bổ sung nguồn lực cho một số hoạt động bảo vệ nguồn nước, ngày 17/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Sau ba năm thực hiện Nghị định số 82/2017/NĐ-CP, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tiếp tục được tăng cường hiệu lực, hiệu quả; đã nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tính đến ngày 30/9/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt được 681 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền gần 10.200 tỷ đồng; theo số liệu báo cáo của các tỉnh, thành phố tính đến ngày 30/6/2020, các tỉnh đã phê duyệt được tổng số tiền trên 400 tỷ đồng. Tính riêng trong năm 2019, theo số liệu của Tổng cục Thuế, số tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thu được trên cả nước là hơn 1.653 tỷ đồng, trong đó giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp thu được 1.497 tỷ đồng, giấy phép do địa phương cấp thu được 156 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi Nghị định số 82/2017/NĐ-CP được ban hành đã phát sinh những vướng mắc đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:
Vướng mắc do thay đổi quy định của pháp luật
Từ khi Nghị định số 82/2017/NĐ-CP có hiệu lực đến nay đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, do đó, một số quy định của Nghị định hiện không còn phù hợp như:
Các quy định về quy hoạch tài nguyên nước tại khoản 2 Điều 4 và Phụ lục II của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP không phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch: Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 và Phụ lục II của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP, chất lượng nguồn nước căn cứ vào quy hoạch tài nguyên nước. Tuy nhiên, hiện nay nội dung về quy hoạch tài nguyên nước đã được thay đổi theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch. Vì vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với pháp luật hiện hành.
Các quy định về hệ số nguồn nước khai thác có liên quan đến vùng hạn chế khai thác nước dưới đất hiện không còn phù hợp với quy định tại Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, như tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận trong trường hợp đã công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo Nghị định số 167/2018/NĐ-CP, nếu có công trình khai thác nằm trong vùng hạn chế khai thác nước thì hệ số K2 quy định tại Phụ lục II của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP sẽ có 2 giá trị. Vì vậy, cần phải có sửa đổi cụ thể để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Các quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, địa điểm nộp hồ sơ khai thuế (trong đó có tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước); thời hạn nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước của cơ quan thuế; mẫu thông báo nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước quy định tại Điều 14 và Phụ lục IV của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP hiện đã được Chính phủ hướng dẫn tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế. Nội dung các hướng dẫn này khác với quy định tại Điều 14 và Phụ lục IV của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP, vì vậy cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn triển khai.
Vướng mắc từ thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP
Qua thực tiễn 03 năm triển khai thi hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP với hơn 140 văn bản của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã cho thấy một số quy định của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP có những vướng mắc và đề nghị tháo gỡ như: căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước dưới đất trên cơ sở tầng chứa nước khai thác là chưa phù hợp vì nhiều công trình khai thác ở 2 tầng chứa nước khác nhau; chưa làm rõ thời điểm áp dụng giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và lúng túng trong việc áp dụng giá tính tiền khi đối chiếu sang các quy định về giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên nên chưa có sự thống nhất trên cả nước; nhiều công trình cấp nước tập trung còn lúng túng trong việc xác định tỷ lệ cấp nước cho các mục đích sử dụng; điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước còn có điểm chưa phù hợp, nhiều công trình bị hư hỏng không khai thác được cần điều chỉnh giảm tiền cấp quyền nhưng khi điều chỉnh thì tiền cấp quyền lại tăng lên; chưa có quy định về thời điểm áp dụng giá tính tiền đối với trường hợp truy thu tiền; chưa có trình tự, thủ tục thực hiện truy thu, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước... (các vướng mắc cụ thể được nêu chi tiết trong Báo cáo tình hình thực hiện Nghị định số 82/2017/NĐ-CP được gửi kèm theo).
Một số nội dung về kê khai, tính, phê duyệt và thu nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chưa được hướng dẫn
Trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vấn đề về kê khai, tính, phê duyệt và thu nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhưng chưa được quy định cụ thể trong Nghị định số 82/2017/NĐ-CP như: việc phân chia tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giữa các địa phương khi công trình khai thác nước nằm trên địa bàn hai tỉnh trở lên; quy định về sử dụng nước cho mục đích gia nhiệt vẫn được xác định mức thu cao như đối với trường hợp sử dụng nước cho mục đích sản xuất (thực tế gia nhiệt là loại hình khai thác, sử dụng nước không tiêu hao, giống làm mát máy, tạo hơi tức là sử dụng nước sau quá trình sản xuất để làm tăng nhiệt độ của sản phẩm và do đó sẽ giảm nhiệt độ của nước trước khi xả trả lại nguồn nước), vì vậy, địa phương đã đề nghị bổ sung mục đích sử dụng nước cho gia nhiệt để bảo đảm tính công bằng giữa các loại hình sử dụng nước và mức thu bằng áp dụng cho nước làm mát máy. Ngoài ra, mẫu quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chưa có mã số thuế nên khó khăn cho cơ quan thuế trong việc xác định doanh nghiệp nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Với những lý do nêu trên, việc xây dựng để ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP của Chính phủ là cần thiết.
Về quan điểm và nguyên tắc xây dựng Nghị định
Bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ và thống nhất với các quy định khác của pháp luật về tài nguyên nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Bổ sung, sửa đổi, làm rõ những quy định để khắc phục những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những vấn đề vướng mắc phát sinh về mặt pháp lý trong thực tiễn áp dụng các quy định của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP.
Đảm bảo không phát sinh thêm đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, không phát sinh nghĩa vụ mới làm ảnh hưởng tới tổ chức, cá nhân trong việc thu, nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Quy định rõ về giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước phù hợp với khung giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên và đảm bảo áp dụng thống nhất trong cả nước.
Bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho các ngành, các cấp, các cơ quan và lực lượng thực thi pháp luật; nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả của các tổ chức cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Nội dung cơ bản của Nghị định
Dự thảo lần 4 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP gồm có 4 điều: Điều 1 quy định các nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho các khoản, điều của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP cũng như các khoản được bổ sung (sửa đổi, bổ sung 20 khoản, bổ sung 5 khoản thuộc 7 Điều của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP); Điều 2 quy định về Điều khoản thi hành; Điều 3 quy định về điều khoản chuyển tiếp và Điều 4 quy định về tổ chức thực hiện; sửa đổi các Phụ lục I, II, III và V, bãi bỏ Phụ lục IV, bổ sung thêm Phụ lục Va và Phụ lục Vb.
Khoản 1, sửa đổi, bổ sung Điều 3: Bổ sung mục đích sử dụng nước cho “gia nhiệt” để phù hợp với loại hình sử dụng nước không tiêu hao giống như làm mát máy. Đồng thời, tại khoản này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị không bổ sung thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước biển vì khoản 3 Điều 65 Luật Tài nguyên nước đã giao Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp khai thác tài nguyên nước phải nộp tiền. Ngay từ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP và Nghị định số 82/2017/NĐ-CP đã không quy định thu tiền cấp quyền đối với khai thác, sử dụng nước biển. Hơn nữa, pháp luật về tài nguyên nước đã có những quy định ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nước biển (Điều 41 Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 54/2015/NĐ-CP ngày 08/6/2015 của Chính phủ quy định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả). Ngoài ra, bối cảnh hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, để không làm tăng gánh nặng cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị không bổ sung thu tiền đối với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước biển mà giữ nguyên như pháp luật hiện hành.
Khoản 2 sửa đổi, bổ sung Điều 4: Khoản 1 bổ sung từ “gia nhiệt” cho phù hợp với quy định tại Điều 3; Khoản 2 sửa đổi cho phù hợp với Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch do tên của các quy hoạch về tài nguyên nước đã được thay đổi so với quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012; Khoản 4 sửa đổi để phù hợp với việc xác định hệ số điều chỉnh ứng với các loại hình công trình khai thác nước dưới đất; Khoản 5, 6 sửa đổi để phù hợp với các nội dung khác của dự thảo Nghị định.
Khoản 3, sửa đổi, bổ sung khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 7: Làm rõ thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; cách xác định tỷ lệ cấp nước cho các công trình có nhiều mục đích sử dụng nước; bổ sung quy định về các dự án thực hiện theo các cam kết của Chính phủ.
Khoản 4 sửa đổi, bổ sung Điều 8: Bổ sung quy định để làm rõ việc áp dụng giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo giá tính thuế tài nguyên nước ứng với từng mục đích sử dụng để đảm bảo tính thống nhất.
Khoản 5, sửa đổi, bổ sung Điều 11, trong đó tại khoản 2 Điều 11 có tách thành thủ tục hành chính độc lập. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng tách thủ tục phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thủ tục cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các công trình chưa vận hành chính thức thành hai thủ tục độc lập, việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước trong việc kê khai, thẩm định, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhưng làm tăng thủ tục hành chính độc lập (Từ khi Nghị định số 82/2017/NĐ-CP có hiệu lực đến nay, trên tổng số khoảng trên 500 công trình đã cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và được phê duyệt tiền cấp quyền thì có 30 công trình thủy điện, chủ giấy phép đã đề nghị điều chỉnh do thời gian vận hành không đúng ngày đã dự kiến trong quyết định phê duyệt tiền cấp quyền, trong đó có 23 công trình đã phải điều chỉnh 2 lần hoặc có khả năng điều chỉnh từ 2 lần trở lên như thủy điện Suối Chăn 1, Đa Nhim mở rộng, Nhiệt điện Thái Bình 2...). Ngoài ra, còn khoảng 50-60 công trình có khả năng sẽ đề nghị điều chỉnh tiền cấp quyền trong thời gian tới do thời gian vận hành khác với thời gian dự kiến đã phê duyệt trong quyết định phê duyệt tiền cấp quyền. Bên cạnh đó, có nhiều công trình đã được cấp phép và chuẩn bị cấp phép, thời gian dự kiến đi vào vận hành khoảng năm 2023-2024, thì việc liên tục phải điều chỉnh tiền cấp quyền do thời gian vận hành là thường xuyên xảy ra.
Mặc dù phát sinh thủ tục hành chính nhưng thủ tục này đơn giản, phát sinh chi phí không đáng kể (tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nộp trực tuyến). Đồng thời, quy định như trên còn giảm được chi phí nhân lực của Nhà nước để phục vụ việc điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước quá nhiều lần cho một doanh nghiệp. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất được tách thủ tục phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thủ tục cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các công trình chưa vận hành chính thức thành 2 thủ tục độc lập.
Khoản 6, sửa đổi, bổ sung Điều 12: Bổ sung làm rõ việc điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước để khắc phục tình trạng công trình bị hư hỏng không khai thác được nhưng khi điều chỉnh tiền lại phải nộp tiền nhiều hơn; bổ sung trách nhiệm của cơ quan thẩm định hồ sơ để xác định rõ số ngày công trình phải dừng hoạt động làm căn cứ điều chỉnh tiền cấp quyền; bổ sung trình tự, thủ tục truy thu, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Khoản 7, sửa đổi, bổ sung Điều 14: Sửa đổi, bổ sung phương thức nộp tiền cho phù hợp với pháp luật về quản lý thuế; bổ sung quy định về phân chia tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo đề nghị của các địa phương và Bộ Tài chính.
Đối với các Phụ lục
Phụ lục I (Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước) bổ sung nội dung làm rõ cả bao gồm cả sản xuất, cung cấp nước sạch trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất để thống nhất áp dụng trong phạm vi cả nước, bổ sung gia nhiệt vào số thứ tự thứ 3 và thứ 4 trong Phụ lục.
Phụ lục II (Bảng các hệ số điều chỉnh), trong đó điều chỉnh Hệ số K1, K3 cho phù hợp với thực tế.
Phụ lục III (Mẫu kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước), trong đó chỉnh sửa phương thức nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Bãi bỏ Phụ lục IV (Mẫu Thông báo nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước) vì đã được dẫn chiếu theo quy định của pháp luật về thuế để tránh trùng lặp với Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế.
Phụ lục V (Mẫu quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước), bổ sung mã số thuế và bổ sung cho phù hợp với mẫu quyết định của UBND cấp tỉnh.
Bổ sung Phụ lục Va và Phụ lục Vb (Mẫu quyết định truy thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và Mẫu quyết định hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước) theo ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Dự thảo Nghị định không quy định các nội dung liên quan đến bình đẳng giới và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia làm thành viên.