Đánh giá chế định tính giá trong chính sách tài chính về tài nguyên nước

Lĩnh vực tài nguyên nước 19/04/2023

Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả trình bày tổng quan về hiện trạng chế định tính giá trong chính sách tài chính về tài nguyên nước ở Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế cũng như chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề này và đưa ra kiến nghị sửa đổi Luật Tài nguyên nước hiện hành.

Từ khóa: Định giá, tính giá, chính sách tài chính, tài nguyên nước, Luật Tài nguyên nước.

Abstract: Within this article, the author presents an overview of the applicable provisions on pricing of water resources in the financial policy of Vietnam, international experiences as well as directions and policies of the Party and State on the issue of water resources and also proposes a number of amendments to the current Law on Water Resources.

Keywords: Pricing; price valuation; financial policy; water resources, Law on Water Resources.

 

Ảnh minh họa: Nguồn internet

“Tính giá” (hay định giá) là một trong những vấn đề rất quan trọng trong chính sách tài chính về tài nguyên nước (TNN). Tính đúng, tính đủ giá trị của TNN sẽ góp phần điều chỉnh các hành vi trong khai thác, sử dụng nước nhằm góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển bền vững TNN. Ngược lại, tính giá không đúng, không đủ sẽ dẫn đến tình trạng coi nước là “của Trời cho”, sử dụng không tiết kiệm, hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí nước và triệt tiêu động lực phát triển, xã hội hoá ngành nước.

Hiến pháp năm 2013 quy định TNN là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý (Điều 53) và Nhà nước có chính sách quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên (Điều 63).

Việc triển khai chính sách tài chính về TNN trên cơ sở quy định của Luật TTNN năm 2012 và các luật có liên quan (Luật Thuế tài nguyên, Luật Giá…) với các công cụ thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác TNN… đã từng bước góp phần quan trọng trong việc tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) và điều chỉnh hành vi khai thác, sử dụng nước của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, cách tính giá TNN theo quy định của pháp luật hiện nay vẫn chưa thực sự phản ánh đúng, đủ giá trị TNN; chưa thực sự thu hút để tăng cường được nguồn lực tài chính từ TNN theo đúng nội hàm “tài sản công”, dẫn đến những hạn chế trong tiến trình thể chế, triển khai kinh tế hoá TNN theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

1. Thực trạng chế định tính giá trong chính sách tài chính về tài nguyên nước ở Việt Nam

Chế định tính giá trong chính sách tài chính về TNN ở nước ta hiện nay chủ yếu được quy định trong Luật TTNN năm 2012, Luật Thuế tài nguyên năm 2009 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về Thuế năm 2014, Luật Giá năm 2012 và các văn bản (nghị định, thông tư) quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các văn bản luật nêu trên.

Trong Luật TNN năm 2012, có 02 điều quy định liên quan đến tài chính về TNN: Nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động TNN (Điều 64) và tiền cấp quyền khai thác TNN (Điều 65).

Điều 64 quy định các nguồn thu NSNN từ hoạt động TNN gồm: (i) Thuế TNN và các khoản thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế; (ii) Các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí; (iii) Tiền cấp quyền khai thác TNN và (iv) Tiền bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN theo quy định của pháp luật.

Điều 65 quy định các đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác TNN, gồm: i) Tổ chức, cá nhân khai thác nước để phát điện có mục đích thương mại; ii) Tổ chức, cá nhân khai thác nước để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp; iii) Tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất để trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản tập trung với quy mô lớn. Đồng thời, khoản 2 Điều 65 cũng quy định: “Tiền cấp quyền khai thác TNN được xác định căn cứ vào chất lượng của nguồn nước, loại nguồn nước, điều kiện khai thác, quy mô, thời gian khai thác, mục đích sử dụng nước”.

Luật Thuế tài nguyên năm 2009 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Thuế tài nguyên) quy định TNN, cụ thể là nước thiên nhiên gồm nước mặt và nước dưới đất, là đối tượng chịu thuế tài nguyên, trừ nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp. Luật Thuế tài nguyên cũng đã quy định rõ căn cứ tính thuế, giá tính thuế, thuế suất liên quan đến TNN. Đồng thời, theo quy định của Luật Thuế tài nguyên, Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố giá bán điện thương phẩm bình quân để tính thuế TNN đối với các cơ sở sản xuất thủy điện; UBND cấp tỉnh quy định và hàng năm ban hành giá tính thuế TNN đối với nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp, nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh (Các quy định cơ bản liên quan đến tính thuế TNN xem tại Hộp 1).

Luật Giá năm 2012 quy định Nhà nước định giá đối với tài nguyên quan trọng (điểm b khoản 1 Điều 19) và có trách nhiệm định khung giá và mức giá cụ thể đối với mặt nước, nước ngầm (điểm c khoản 3 Điều 19). Tuy nhiên, trên thực tế đến thời điểm hiện nay việc định giá đối với TNN theo quy định tại Luật Giá năm 2012 vẫn chưa được triển khai[1].

Như vậy, với quy định của pháp luật hiện hành, “giá trị tài sản” của TNN cơ bản được phản ánh qua thuế TNN và tiền cấp quyền khai thác TNN. Trong đó, thuế TNN được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế (cụ thể điều chỉnh bởi Luật Thuế tài nguyên và các văn bản quy định dưới Luật). Tiền cấp quyền khai thác TNN được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác TNN và Nghị định số 41/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP (Chi tiết căn cứ tính tiền, công thức tính tiền và giá tính tiền cấp quyền khai thác TNN xem tại Hộp 2).

Qua quá trình triển khai thực hiện, 02 công cụ kinh tế quan trọng là thuế TNN và tiền cấp quyền khai thác TNN đã đi vào cuộc sống, tạo nguồn thu cho NSNN và làm thay đổi nhận thức đối với hoạt động khai thác, sử dụng TNN theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tổng số tiền thuế TNN thu được từ năm 2013 đến tháng 7/2021 khoảng 48.000 tỷ đồng, trong đó riêng thủy điện đóng góp khoảng 43.600 tỷ đồng (chiếm 91%). Đối với tiền cấp quyền khai thác TNN, theo số liệu thống kê tính đến ngày 18/11/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt được 1.439 công trình tính tiền cấp quyền khai thác TNN với tổng số tiền trên 12.194 tỷ đồng và đã thu về cho NSNN 6.256 tỷ đồng;các tỉnh đã phê duyệt được tổng số tiền gần 600 tỷ đồng và đã thu được cho NSNN 298,5 tỷ đồng, trong đó các tỉnh có số thu cao là Lào Cai (50,9), Đồng Nai (26,1 tỷ), Tp. Hồ Chí Minh (30,2 tỷ)…

 Untitled1_15.png

Nguồn: Luật Thuế tài nguyên năm 2009, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về Thuế năm 2014, Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13 và Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật.

Hộp 2. Tính tiền cấp quyền khai thác TNN theo quy định của pháp luật hiện hành

Untitled1_16.png

 

Nguồn: Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác TNN và Nghị định số 41/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sungmột số điều của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP.

Trên cơ sở hành lang pháp lý về tài chính TNN, thuế, giá, tiền cấp quyền khai thác TNN… như đã nêu trên, các doanh nghiệp cũng đã hạch toán giá tổng giá thành sản xuất và kinh doanh cho sản phẩm bán ra, trong đó đã tính đến các loại thuế, phí và chi phí liên quan về TNN dưới dạng sau khi tính giá thành sản xuất kinh doanh sẽ cộng thêm các thành phần này vào thêm trước hoặc sau khi xuất hóa đơn tùy từng lĩnh vực. Đối với quy định về giá nước sạch, tại Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài Chính quy định khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt đã quy định nguyên tắc xác định giá nước sạch và về cơ bản đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nước sạch đã tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ trong quá trình sản xuất khai thác, phân phối, tiêu thụ. Các chi phí như thuế tài nguyên, phí dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác TNN…cơ bản đã được đưa vào tính giá nước sinh hoạt, nhưng nước đầu vào để sản xuất nước sạch vẫn không có giá để có thể kết cấu là nguyên liệu đầu vào.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định như đã nêu trên, quá trình triển khai chế định tính giá trong chính sách về TNN ở nước ta vẫn còn những tồn tại và hạn chế nổi bậtsau:

i)          Việc tính giá thuế TNN, tính giá tiền cấp quyền khai thác TNN theo quy định của pháp luật hiện hành chủ yếu chỉ dựa vào 02 yếu tố: i) mục đích sử dụng và ii) đặc điểm loại hình nguồn nước (nước mặt hoặc nước dưới đất). 02 yếu tố này trên thực tế chưa phản ánh hết được đặc điểm, giá trị của TNN, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thiếu nước, căng thẳng nguồn nước gia tăng, tình trạng khan hiếm, cạn kiệt TNN có xu thế diễn ra phổ biến tại nhiều lưu vực sông, nhiều tỉnh thành trong cả nước.

ii)        Việc quy định không chịu thuế TNN, không tính tiền cấp quyền khai thác TNN đối với hoạt động nông nghiệp (chỉ tính tiền cấp quyền đối với khai thác nước dưới đất để trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản tập trung với quy mô lớn); không tính tiền cấp quyền đối với hoạt động khai thác TNN để kinh doanh nước sinh hoạt vô hình trung đã dẫn đến tư tưởng coi nước là “của trời cho”, gây thất thoát, lãng phí nước, sử dụng TNN không tiết kiệm, hiệu quả, làm triệt tiêu nội lực, thiếu động lực phát triển và không xã hội hóa được dịch vụ cấp nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện nay, tiền thu từ dịch vụ cung cấp nước còn thấp, giá nước sinh hoạt, nước cho sản xuất nông nghiệp thấp hơn giá thành, Nhà nước và doanh nghiệp đang phải bù lỗ. Giá nướcsinh hoạt nông thôn hiện nay rất rẻ, dao động khoảng từ 5.000-6.000 đồng/m3, chỉ bằng ½ giá thành. Tỷ lệ thất thoát nước trong cấp nước sinh hoạt đô thị, nông thôn còn cao (20-25%); tỷ lệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn hoạt động không hiệu quả còn rất lớn (30%). Nông nghiệp là ngành sử dụng nước lớn nhất và hiệu quả sử dụng nước của ngành này sẽ quyết định nguồn cung nước cho các mục tiêu sử dụng khác trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng nước trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta hiện nay, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, còn rất thấp. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) năm 2018[2], hiệu suất sử dụng nước cho nông nghiệp của Việt Nam ở mức thấp, chỉ đạt 0,2 USD/m3. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (World Bank) năm 2019[3], nước sử dụng trong nông nghiệp chiếm 81% tổng lượng nước khai thác sử dụng của Việt Nam nhưng hiện chỉ tạo ra 17-18% GDP.

iii)           Việc tính giá thể hiện qua thuế TNN, tiền cấp quyền khai thác TNN chưa thực sự phản ánh đúng, đầy đủ giá trị TNN. TNN là tài sản công, nước là tư liệu quan trọng hàng đầu trong mọi hoạt động sản xuất.Tuy nhiên, việc hạch toán giá trị nước tại các doanh nghiệp hiện nay (tính thuế, tiền cấp quyền trong cấu thành giá sản phẩm) rõ ràng đang chỉ coi TNN như chi phí vận hành (cost) thay vì giá trị tài nguyên đích thực (value). Trong chế định tính giá hiện hành chưa thực sự có một công cụ nào để thể hiện được giá trị quan trọng của TNN; việc phân tích giá trị kinh tế trong sử dụng TNN đối với các ngành khai thác, sử dụng nước, trên quy mô cấp lưu vực, cấp quốc gia hầu như chưa được thực hiện dẫn đến vai trò, giá trị TNN đối với phát triển kinh tế - xã hội rất mờ nhạt. Điều này cũng dẫn đến tình trạng hiệu quả sử dụng nước ở Việt Nam rất thấp.Theo đánh giá của World Bank, hiệu quả sử dụng nước của Việt Nam còn thấp và lãng phí, đặc biệt là sử dụng nước cho nông nghiệp và tại các đô thị. Mặc dầu GDP đầu người tăng nhanh, đạt trên 2.500 USD năm 2018 (tăng 2,5 lần so với nằm 2002) nhưng giá trị sử dụng nước còn thấp, chỉ tạo ra 2,37 USD/m3 nước, bằng khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD, thấp hơn Philippines 2,58 USD.

2. Kinh nghiệm quốc tế về việc tính giá trong chính sách tài chính về tài nguyên nước

Quá trình nghiên cứu các quy định của pháp luật và kinh nghiệm quốc tế về việc tính giá trong chính sách tài chính về TNN, nguồn lực cho quản lý, bảo vệ, phát triển TNN và qua trao đổi với các chuyên gia quốc tế, đặc biệt là các nội dung trao đổi, phân tích chuyên sâu về kinh tế nước, giá trị của nước, tài chính nước trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật TNN (sửa đổi), tác giả đã rút ra một số nội dung, bài học kinh nghiệm chính, quan trọng như sau:

i)          TNN về bản chất là một loại hàng hóa thị trường mang những tính chất đặc biệt. Tính chất đặc biệt của hàng hóa nước được thể hiện ở việc coi nước là một hàng hóa công, tư, hay một dạng hàng hóa bán công/tư, việc phân loại này sẽ phụ thuộc vào nguồn nước, mục đích sử dụng cũng như bối cảnh cụ thể của từng quốc gia. Làm tốt vấn đề kinh tế nước sẽ quyết định thái độ sử dụng nước. Nếu coi nước là hàng hóa không có giá trị, “cho không” thì sẽ dẫn đến sử dụng kém hiệu quả, lãng phí TNN. Luật nên quy định rõ mọi tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính để bảo vệ TNN. Đồng thời, các khoản thu tài chính tối thiểu phải bằng chi phí bỏ ra để quản lý TNN. 

ii)             Cần làm rõ vai trò của TNN trong nền kinh tế, coi nước là một sản phẩm đầu vào. Các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể phải tính đến giá trị TNN đóng góp vào các hoạt động kinh tế - xã hội. Khi nguồn TNN bị hạn chế, cần chú trọng hơn đến hiệu suất sử dụng nước, tạo ra nhiều giá trị hơn trên mỗi đơn vị nước sử dụng cùng với đảm bảo giảm nhu cầu nước tổng thể.

iii)           Việc thiết kế, xây dựng các công cụ kinh tế, các khoản thu tài chính liên quan đến TNN cần phải xét đến các yếu tố về đặc điểm, giá trị của TNN; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực; đặc điểm các đối tượng điều chỉnh (ví dụ áp dụng nguyên tắc ưu tiên tính thuế, phí đối với các tổ chức, cá nhân hưởng lợi nhiều nhất từ việc khai thác, sử dụng nước; mức thu phù hợp để điều chỉnh hành vi, khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm)... Việc quản lý thu, chi tài chính liên quan đến TNN phải minh bạch, rõ ràng. Các khoản thu tài chính tối thiểu phải bằng chi phí bỏ ra để quản lý TNN và các khoản thu liên quan đến TNN được quay vòng đầu tư cho việc quản lý TNN. Về cách xây dựng tính giá, tại Pháp và nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu hiện áp dụng các đơn giá (giá tính thuế/phí TNN) khác nhau tại các vùng có mức độ/ nguy cơ khan hiếm nước khác nhau; yếu tố “khai thác, sử dụng nước tại vùng đầu nguồn các con sông chính” cũng được xem xét để bảo đảm duy trì và gia tăng trữ lượng nước cho các khu vực hạ du, các vùng khan hiếm nước; có các cơ chế tài chính phù hợp (miễn, giảm thuế, phí) để khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, áp dụng các biện pháp bổ sung, tăng trữ lượng nước tự nhiên…

iv)           Việt Nam được xem là nước xuất khẩu nhiều nước nhất thế giới (xét về khía cạnh đóng góp của TNN đối với các mặt hàng hoá được xuất khẩu). Để đạt được an ninh nguồn nước, Việt Nam cần phải có những hành động kịp thời để tính đúng, tính đủ giá trị của nước dựa trên nguyên tắc người sử dụng, người hưởng lợi từ nước phải trả phí. 

3. Quan điểm và định hướng hoàn thiện chế định tính giá

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Bộ Chính trị về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã nêu rõ quan điểm: “Tài nguyên là tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước. Tài nguyên phải được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh tài nguyên”.

Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế tiếp tục khẳng định quan điểm “Đẩy mạnh kinh tế hoá nguồn vật lực, trong đó tập trung vào nguồn lực tài nguyên thiên nhiên. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với việc khai thác, huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, cạn kiệt nguồn lực của đất nước và hủy hoại môi trường.” và xác định nhiệm vụ, giải pháp “Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực hiện có, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực của đất nước”.

Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã xác định nhiệm vụ cấp bách “Có cơ chế, chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng nước, ngăn chặn xu hướng suy giảm TNN”. 

Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ “chưa chú trọng đến quản trị nguồn nước, kinh tế TNN”, “nguồn lực đầu tư cho bảo đảm an ninh nguồn nước chủ yếu là NSNN, huy động nguồn lực xã hội còn hạn chế” là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến công tác bảo đảm an ninh nguồn nước còn hạn chế và xác định nhiệm vụ “Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước”.

Chính sách tài chính về TNN là một trong 04 chính sách then chốt trong sửa đổi Luật TNN. Quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, cụ thể: “Việc soạn thảo phải đặt yêu cầu cao về chất lượng, bám sát và kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; các quy định phải bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, có tính quy phạm cao, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì mới đề xuất quy định trong luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết nhưng là vấn đề mới, chưa có sự đồng thuận cao thì có thể đề xuất thực hiện thí điểm”.

Đối với chế định tính giá, chính sách xác định mục tiêu Tính đúng, tính đủ giá trị TNN nhằm: i) bảo đảm giá trị tài sản công; ii) nâng cao nhận thức, tăng cường việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; iii) giảm thất thoát, lãng phí nước và tránh thất thu NSNN”.

Trên cơ sở các tồn tại, hạn chế của chế định tính giá TNN hiện hành, các kinh nghiệm quốc tế và quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, với mục tiêu trên, tác giả cho rằng cần hoàn thiện chế định này trong Luật TNN theo hướng như sau:

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thuế, phí về TNN để phản án đúng, đủ giá trị của TNN làm nguyên tắc định hướng khi sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thuế, phí. Cụ thể, quy định giá tính thuế TNN được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế, giá và phải căn cứ các yếu tố: mục đích sử dụng, mức độ khan hiếm, mức độ căng thẳng của TNN, điều kiện khai thác và đặc điểm kinh tế, xã hội trong khu vực. Đồng thời, quy định dẫn chiếu “Việc ban hành, tổ chức thực hiện thuế, phí về TNN được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế, phí” để bảo đảm tính đồng bộ hệ thống pháp luật;

- Sửa đổi, bổ sung quy định về tiền cấp quyền khai thác TNN nhằm tính đúng, tính đủ giá trị TNN, cụ thể: sửa đổi, bổ sung đối tượng tính tiền cấp quyền khai thác sử dụng nước (tính tiền cấp quyền đối với các trường hợp khai thác sử dụng nước cho nông nghiệp, kinh doanh cấp nước sinh hoạt; không tính tiền cấp quyền với các trường hợp khai thác, sử dụng nước biển; khai thác, sử dụng nước với hình thức ngăn sông, suối, kênh, rạch không gắn với lưu lượng khai thác của công trình); quy định căn cứ xác định tiền cấp quyền khai thác TNN phải tính đến các yếu tố: số lượng, chất lượng của nguồn nước, loại nguồn nước, điều kiện khai thác, quy mô, thời gian khai thác; bổ sung quy định “Tiền cấp quyền khai thác TNN được ưu tiên sử dụng cho các hoạt động về bảo vệ, phát triển, tích trữ nước; cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước, giám sát hoạt động khai thác nước; phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về NSNN”;

- Bổ sung các công cụ kinh tế mới như chi trả các dịch vụ liên quan đến TNN để thể chế hoá chủ trương phát triển kinh tế nước, xem nước là hàng hoá, thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị trường, xã hội hoá trong lĩnh vực TNN có sự tham gia điều tiết, quản lý của Nhà nước (giao Chính phủ quy định chi tiết và lộ trình thực hiện);

- Bổ sung quy định về hạch toán TNN (tập hợp các tài khoản tích hợp hệ thống, đồng bộ các thông tin, dữ liệu về TNN với thông tin kinh tế của các ngành kinh tế, hoạt động dân sinh để xác định hiện trạng, biến động và dự báo về giá trị của TNN cho các hoạt động kinh tế - xã hội) làm công cụ phản ánh giá trị tài sản của TNN trong các hoạt động khai thác sử dụng nước, theo các lĩnh vực, ngành kinh tế, theo các vùng, lưu vực sông và trong từng thời kỳ phát triển kinh tế của đất nước. Kết quả hạch toán TNN là một trong những căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều hòa, phân bổ và thực hiện các giải pháp bảo vệ TNN trên các lưu vực sông;

- Bổ sung quy định về ưu đãi, hỗ trợ đối với các hoạt động có liên quan đến TNN để thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và xã hội hóa trong bảo vệ, phát triển, phục hồi nguồn nước./.

  


[1] Hiện Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) (bản lấy ý kiến ngày 12/9/2022) chỉ quy định tài nguyên quan trọng là một trong những tiêu chí xác định hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá và dự thảo Danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá liên quan đến tài nguyên nước chỉ còn sản phẩm, dịch vụ thuỷ lợi và nước sạch.

[2] Theo Báo cáo “Progress on Water-use Efficiency” (Global baseline for SDG indicator 6.4.1) của FAO (2018), hiệu suất sử dụng nước của các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ lần lượt là 0,2 USD/m3, 15,3 USD/m3 và 43,5 USD/m3.

[3] Báo cáo Viêt Nam: Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn (WB, 2019).

NGÔ MẠNH HÀ

Phó Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 01+02 (473+474), tháng 01/2023.)