Trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường theo luật hình sự Việt Nam

Lĩnh vực môi trường 11/05/2022

Tóm tắt: Các vấn đề môi trường, trong đó có vấn đề xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường là mối quan tâm rất lớn không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các quốc gia khác trên thế giới, bao gồm các quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển. Ô nhiễm môi trường đã và đang gây ra những thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của con người đồng thời gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của đất nước. Pháp luật hình sự Việt Nam và các nước trên thế giới có những quy định liên quan đến việc xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường của pháp nhân, trong đó có trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân phạm tội.
Từ khóa: Ô nhiễm môi trường, pháp nhân, trách nhiệm hình sự, bảo hiểm môi trường.
Abstract: Environmental issues, including the ones handling of acts causing environmental pollution, are under great concern not only in Vietnam but also in other countries, including the developed countries and developing ones in the world. Environmental pollution has been causing damages to property, human health, and life, has also a great influence on the economy of the country. The criminal law of Vietnam and other countries in the world has provisions related to the handling of acts causing environmental pollution by legal entities, including criminal liability for criminal legal entities.
Keywords: Environmental pollution, legal entities, criminal liability, environmental insurance.
 
Ảnh minh họa: Nguồn internet 
1. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường
1.1. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Vấn đề trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân là vấn đề được đề cập trong pháp luật quốc gia nhưng cũng là vấn đề được đề cập trong pháp luật quốc tế. Các điều ước quốc tế trong khuôn khổ Liên hợp quốc về chống tội phạm đều ghi nhận trách nhiệm của pháp nhân (bao gồm trách nhiệm hành chính hoặc TNHS) với mục đích khuyến nghị các quốc gia xác định trách nhiệm của pháp nhân với những tội phạm nhất định.
Quan niệm truyền thống đều cho rằng, căn cứ vào nguyên tắc cá thể hóa TNHS và tính mục đích của hình phạt, chủ thể của TNHS là cá nhân (thể nhân), pháp nhân là tập thể của những con người cụ thể và hành vi vi phạm của pháp nhân được thực hiện bởi hành vi của những con người cụ thể nên pháp nhân không phải chịu TNHS mà TNHS chính là những cá nhân cụ thể đã thực hiện các hành vi vi phạm, một trong những mục đích của hình phạt là giáo dục, cải tạo và hình phạt sẽ không có tác dụng nếu nó được áp dụng với pháp nhân mà không được áp dụng với con người cụ thể. Cái giá thực sự khi áp dụng TNHS, xét đến cùng, chính các pháp nhân không phải chịu mà là những cá nhân cụ thể trong pháp nhân như: người góp cổ phần, cổ đông, người lao động. Như vậy, chế định TNHS của pháp nhân không thể chấp nhận được về phương diện pháp lý cũng như về đạo lý[1].
Trong khi đó, theo quan niệm hiện đại, chủ thể của TNHS không chỉ là cá nhân với các điều kiện về chủ thể như đã nêu trên mà còn có cả tổ chức (pháp nhân). Vấn đề THNS của pháp nhân đã được điều chỉnh về mặt lập pháp trong pháp luật hình sự ở nhiều nước không chỉ ở các nước theo truyền thống Common Law và châu Âu lục địa, mà còn được thừa nhận ở cả một số nước châu Á như Nhật Bản, Singapore, đặc biệt là ở Trung Quốc, một nước mà trong thời gian gần đây còn phản đối mạnh mẽ việc chấp nhận TNHS của pháp nhân. Pháp nhân không phải là một thể nhân mà là một tổ chức - tập hợp của nhiều người - được pháp luật trao cho tư cách của một người trong quan hệ pháp luật[2]. Chính vì vậy, trên thực tế, một hành vi nguy hiểm cho xã hội có thể do một tập thể gây ra do kết quả của việc đưa ra những quyết định sai trái. Trên thực tế, một tội phạm cũng có thể do cá nhân hoặc tổ chức gây ra[3]. Hay nói cách khác, pháp nhân không phải là một chủ thể giả tưởng mà là một “thực thể xã hội độc lập”, pháp nhân cũng sinh, cũng trưởng, cũng tử như cá nhân, cũng hoạt động như cá nhân[4]. Pháp nhân, với tính chất là một thực thể có ý chí, có mong muốn riêng của mình, được hưởng quyền tự chủ của chủ thể như cá nhân và có năng lực pháp lý, do đó, đương nhiên phải chịu TNHS.
1.2. Pháp luật hình sự về trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường
Tăng cường sử dụng pháp luật hình sự để chống lại các hành vi gây ô nhiễm môi trường (ONMT) là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là hành vi gây ô nhiễm của pháp nhân gây ra. Nghiên cứu luật hình sự các nước trên thế giới cho thấy, các biện pháp cưỡng chế hình sự áp dụng đối với các pháp nhân phạm tội ở các nước thuộc hệ thống khác nhau cũng có sự khác nhau. Cụ thể, các biện pháp cưỡng chế hình sự bao gồm: 1) Hình phạt gây ảnh hưởng đến uy tín của pháp nhân phạm tội; 2) Hình phạt về tài sản; 3) Hình phạt hạn chế các hoạt động của pháp nhân phạm tội; 4) Hình phạt đình chỉ hoạt động của pháp nhân phạm tội[5] và các biện pháp cưỡng chế hình sự khác. Bên cạnh đó, pháp luật điều chỉnh TNHS của pháp nhân có hành vi gây ONMT ở mỗi nước cũng có sự khác nhau. Một số nước quy định TNHS của pháp nhân có hành vi gây ONMT trong một văn bản riêng về lĩnh vực môi trường, ví dụ: Luật Chất lượng môi trường của Thái Lan năm 1992, Luật Không khí sạch của Philippines năm 1999, Luật Chất lượng môi trường của Canada, Bộ luật Môi trường của Thụy Điển; một số nước khác quy định trong Bộ luật hình sự, ví dụ như Bộ luật hình sự (BLHS) Đức, BLHS Trung Quốc, BLHS liên bang Nga…
Tại châu Âu, ngày 19/10/2008, Hội đồng châu Âu đã ban hành Chỉ thị số 2008/99/EC về bảo vệ môi trường thông qua luật hình sự[6]. Theo đó, Mục d Điều 2 Chỉ thị này quy định rõ pháp nhân phải chịu TNHS là mọi tổ chức có tư cách pháp nhân theo luật của nước đăng ký.
Theo quy định của pháp luật Canada, không những chủ thể trực tiếp gây ONMT, mà cả những chủ thể có liên quan cũng phải chịu trách nhiệm[7]. Cụ thể, những người thực hiện hành vi trợ giúp cho người khác vi phạm quy định của luật này, hoặc khuyên bảo, khuyến khích, xúi giục người khác thực hiện hành vi gây nguy hại cho môi trường thì cũng coi như vi phạm pháp luật và phải chịu hình phạt như chính chủ thể thực hiện hành vi đó. Điều này thể hiện rõ nguyên tắc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi sử dụng thành phần môi trường.
Điều 338 BLHS Trung Quốc quy định TNHS đối với pháp nhân về hành vi gây ô nhiễm môi trường với tội danh gây ô nhiễm đất, nước, khí quyển[8]. Theo đó, ngoài TNHS dưới hình thức phạt tiền, “những người quản lý trực tiếp và những nhân viên chịu trách nhiệm trực tiếp khác sẽ bị xử phạt” (Điều 346). BLHS Đức cũng quy định về tội gây ô nhiễm nguồn nước (Điều 324), tội gây ô nhiễm đất đai (Điều 324a) và tội gây ô nhiễm không khí (Điều 325)[9]. Đặc biệt, TNHS đối với pháp nhân hoặc cá nhân có hành vi phạm tội về môi trường được đặt ra ngay cả khi vô ý thực hiện hành vi hoặc phạm tội chưa đạt. Điều này sẽ làm tăng mức độ răn đe, cảnh báo cũng như đảm bảo tính hiệu quả của việc áp dụng pháp luật hình sự trong việc bảo vệ môi trường.
2. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hành vi gây ô nhiêm môi trường
Trước hết có thể thấy rằng, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) lần đầu tiên chính thức ghi nhận chủ thể chịu TNHS là pháp nhân. Đây là điểm đổi mới mang tính đột phá trong chính sách hình sự của Việt Nam, là sự cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Điều này nhằm phát huy hơn nữa vai trò của BLHS với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, làm thay đổi nhận thức truyền thống về vấn đề tội phạm và hình phạt[10]. Khoản 2 Điều 2 BLHS năm 2015 quy định: “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”.BLHS Việt Nam quy định pháp nhân chịu TNHS chỉ là pháp nhân thương mại, đồng thời pháp nhân chỉ chịu TNHS về một số tội phạm cụ thể được quy định tại Diều 76 BLHS năm 2015.
Trên cơ sở đặt ra TNHS của pháp nhân, BLHS Việt Nam cũng đã quy định các tội phạm mà pháp nhân phải chịu TNHS, trong đó có Tội gây ONMT quy định tại Điều 235 BLHS năm 2015 là một trong số các tội phạm về môi trường mà pháp nhân thương mại phải chịu TNHS khi có hành vi cấu thành tội phạm. So với các quy định trước đây, BLHS năm 2015 đã sửa đổi cấu thành các tội phạm về môi trường theo hướng cụ thể hóa hành vi và định lượng vi phạm cụ thể. Riêng đối với tội gây ONMT, BLHS năm 2015 đã quy dịnh cụ thể các dạng hành vi gây ONMT gồm: chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy xả thải, xả nước thải, chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn,… phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ…, định lượng các yếu tố gây nên hậu quả[11]. Quy định này đã tạo cơ sở pháp lý xử lý các hành vi gây ONMT, góp phần đấu tranh phòng, chống những hành vi gây ONMT, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Theo quy định của Điều 235 BLHS năm 2015, pháp nhân thương mại phạm tội gây ONMT phải chịu các hình phạt bao gồm: phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm; các hình phạt bổ sung bao gồm: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm. Ngoài ra, pháp nhân thực hiện hành vi gây ONMT mà cấu thành tội phạm thì ngoài việc phải chịu TNHS, pháp nhân đó còn phải thực hiện biện pháp bồi thường thiệt hại (BTTH) do hành vi gây ô nhiễm môi trường của mình gây ra.
 Hành vi phạm tội gây ONMT nói riêng và tội phạm môi trường nói chung đều có hậu quả là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm. Các chủ thể phạm tội đa số đều gây ra những thiệt hại nhất định cho các cá nhân, tổ chức, xã hội. Chính vì vậy, BTTH có nội dung buộc bên có hành vi gây thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tinh thần cho bên bị thiệt hại khi có hành vi gây ONMT. Trong các vụ án gây ONMT, thiệt hại do các chủ thể gây ra thông thường là thiệt hại về sức khỏe, về tài sản[12]. Về nguyên tắc, người bị thiệt hại phải có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại xảy ra và mức bồi thường sẽ bằng mức thiệt hại. Tuy nhiên, nguyên tắc này chỉ có thể áp dụng đối với trường hợp trách nhiệm BTTH về vật chất, còn trong trường hợp BTTH về tinh thần thì rõ ràng là những tổn thất không thể nhìn thấy, không thể tính toán và khó có thể chứng minh được.
Tính đến thời điểm hiện tại, kể từ khi chế định TNHS đối với pháp nhân thương mại phạm tội được áp dụng, chưa có pháp nhân thương mại nào bị xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự về hành vi gây ONMT, mặc dù các hành vi gây ONMT diễn ra thường xuyên trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước. Chúng tôi cho rằng, có những nguyên nhân sau đây dẫn đến thực trạng này: 
Thứ nhất, trong một số trường hợp, việc xác định thiệt hại do ô nhiễm môi trường là rất khó. Để xác định được thiệt hại, cơ quan có thẩm quyền phải thuê tổ chức giám định thiệt hại, mất chi phí, mất thời gian. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể xác định chính xác con số thiệt hại cụ thể. Thậm chí có những vụ việc mà thiệt hại không xuất hiện ngay mà để di chứng cho các thế hệ sau. Trong khi pháp luật hiện hành quy định, yêu cầu BTTH chỉ được chấp nhận khi có thiệt hại thực tế và người yêu cầu phải chứng minh được các thiệt hại này. Do vậy, những người bị tác động bởi hành vi gây ô nhiễm môi trường - chủ yếu là người dân sống ở vùng ngoại ô, nông thôn khó có đủ khả năng để thực hiện đầy đủ các yêu cầu trên để được giải quyết BTTH.
Thứ hai, thủ tục tố tụng về nghĩa vụ chứng minh thiệt hại còn chưa linh hoạt khiến cho việc xác định thiệt hại trên thực tế khó thực hiện, điều này tác động đến việc xác định TNHS do hành vi gây ô nhiễm môi trường của pháp nhân gây ra do dấu hiệu hậu quả thiệt hại là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý tội phạm gây ô nhiễm môi trường do pháp nhân gây ra
Để có thể xác định thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường của pháp nhân gây ra, đồng thời, để có thể truy cứu TNHS đối với pháp nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi cho rằng, cần thực hiện những giải pháp sau:
- Về thủ tục tố tụng hình sự, đối với việc chứng minh thiệt hại làm cơ sở để xác định mức BTTH, pháp luật nên quy định theo hướng chỉ cần chứng minh được hành vi phạm tội của pháp nhân là đủ điều kiện yêu cầu BTTH, không cần thiết phải chứng minh được thiệt hại. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện quy định của luật thi hành án hình sự, trong đó cần thiết quy định trình tự, thủ tục thi hành các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh ở điều 1 luật thi hành án hình sự. Thiết nghĩ, thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại là một vấn đề hoàn toàn mới, đặc biệt là thi hành các biện pháp cưỡng chế hình sự đối với pháp nhân phạm tội, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình áp dụng và thi hành. Do vậy, việc nghiên cứu, xem xét quy định trình tự thủ tục thi hành các biện pháp ấy là cần thiết để đảm bảo hiệu quả hoạt động thi hành án và đảm bảo được mục đích mà nhà làm luật đặt ra khi quy định chúng trong BLHS.
- Về việc áp dụng pháp luật, Nhà nước cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể hơn về việc áp dụng các biện pháp chế tài nếu pháp nhân bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, để các biện pháp cưỡng chế hình sự có tính răn đe đối với pháp nhân, thiết nghĩ rằng, nội dung các biện pháp này cũng nên hướng vào vấn đề lợi ích theo hướng là mức phạt phải luôn cao hơn mức hưởng lợi do vi phạm. Chúng tôi đồng ý với quan điểm cho rằng, cần chuyển các loại tiền truy thu từ việc hưởng lợi bất chính từ các hoạt động vi phạm và tiền phạt mà các pháp nhân vào ngân sách nhà nước để giải quyết hậu quả của việc xử lý hình sự đối với pháp nhân. Điều này giúp luật có tác dụng răn đe và ngăn chặn vi phạm tiếp tục xảy ra, nhất là đối với các cá nhân lợi dụng việc không xử lý hình sự đối với pháp nhân để thành lập các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhằm trục lợi từ việc khai thác và hủy hoại môi trường[13].
- Về việc xử lý pháp nhân, trên cơ sở nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền (Polluter pays principle) mà khoản 3 Điều 63 Hiến pháp năm 2013 đã quy định, cần kiên quyết và triệt để buộc pháp nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường phải là chủ thể trực tiếp đứng ra thực hiện việc BTTH và khắc phục các hậu quả phát sinh từ hành vi phạm tội của mình. BLHS năm 2015 đã quy định mới hai biện pháp tư pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, và buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra mà xét về mục đích là buộc các pháp nhân phải có trách nhiệm giải quyết những hậu quả thiệt hại chứ không chỉ dừng lại ở việc chỉ chịu hình phạt hoặc chỉ BTTH. Điều này sẽ tránh được tình trạng Nhà nước phải đứng ra để xử lý và giải quyết, khắc phục hậu gây ô nhiễm môi trường của các pháp nhân gây ra trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề này một cách triệt để hơn nữa, theo quan điểm của chúng tôi, nên chăng Nhà nước cần đứng ra, hoặc giao cho cơ quan nhà nước thiết luật một hệ thống liên quan đến “bảo hiểm môi trường”. Mục đích là để khi các doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh các ngành nghề liên quan mà có khả năng tiềm ẩn rủi ro gây ô nhiễm môi trường thì bắt buộc mua bảo hiểm môi trường. Điều này sẽ đảm bảo quyền lợi của người dân trong trường hợp pháp nhân có hành vi gây thiệt hại môi trường nhưng lại tìm cách chối bỏ trách nhiệm hoặc tuyên bố phá sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ của mình. Trong những trường hợp đó, đơn vị bảo hiểm sẽ phải đứng ra làm chủ thể thay thế để BTTH.
- Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và chính sách pháp luật về xác định trách nhiệm BTTH về môi trường nói riêng. Như đã phân tích và đề cập ở trên, việc xây dựng và đồng bộ hoá các quy định pháp luật về BTTH vô cùng quan trọng, bao gồm các quy phạm của luật hành chính, luật dân sự và cả luật hình sự. Theo quan điểm của nhóm tác giả, các nhà làm luật nên nghiên cứ và xem xét để xây dựng một văn bản luật riêng về “Bồi thường thiệt hại môi trường”. Văn bản này phải bao hàm, thống nhất và tạo được sự đồng bộ cũng như xây dựng được những chế tài để có thể áp dụng linh hoạt trong xử lý các hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường như vụ việc nhà máy Formosa 2016[14] đã gây ra.
- Ngoài ra, Nhà nước cần đảm bảo đầu tư đầy đủ cho hệ thống quan trắc môi trường, các cơ sở nghiên cứu khoa học có đủ điều kiện xét nghiệm, kiểm tra mẫu, đồng thời phải có biện pháp bắt buộc các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp lắp đặt và vận hành các hệ thống xử lý môi trường. Hiện nay, nhiều nơi vẫn chưa thực hiện một cách nghiêm túc yêu cầu này, thậm chí, kể cả có lắp đặt thì vẫn diễn ra tình trạng vận hành một cách đối phó nhằm cắt giảm chi phí tối đa./.
 

 


[1] Donnedieu de Vabres (1947), Traite de droit criminal et de legislation penale compare, Paris, Sirey, p.149.
[2] Athur Taylor von Mehren & James Russell Gordley (1977), The Civil Law system (An introduction to the comparative study of law), second Edition, little, brown & company, Boston & Toronto.
[3] Đào Trí Úc, Nhận thức đúng đắn hơn nữa các nguyên tắc về trách nhiệm cá nhân và lỗi trong việc xử lý trách nhiệm hình sự, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 9/1999, tr.75.
[4] Lê Trung Chính, Dân luật đại cương, Sài Gòn, 1950, tr.177.
[5] Xem Cao Thị Oanh, Nghiên cứu so sánh cơ sở l‎ý luận và thực tiễn của việc áp dụng trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, Báo cáo tổng thuật công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, Viện khoa học pháp lý, Hà Nội, 2011, tr. 41.
[7] Trần Thắng Lợi, Trách nhiệm pháp lý về môi trường ở một số nước, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số3, 3/2004.
[8] Đinh Bích Hà (2007), Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, bản dịch, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
[9] Trường Đại học Luật Hà Nội (2011), Bộ luật hình sự Cộng hòa liên bang Đức, bản dịch, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.
[10] Tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 22/3/2014 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2014, Chính phủ đã chỉ đạo“cần thiết phải quy định TNHS đối với các pháp nhân kinh tế trên cơ sở nghiên cứu, xác định rõ những vấn đề cụ thể có liên quan, bảo đảm phù hợp với thực tiễn nước ta và tính khả thi”. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
[11] Trước đây Điều 182 BLHS năm 1999 quy định theo hướng định tính hậu quả thiệt hại bằng cụm từ “ở mức độ nghiêm trọng” hay “gây hậu quả nghiêm trọng” mang tính chung chung, không quy định cụ thể dẫn tới khó áp dụng và nảy sinh những vướng mắc, bất cập.
[13] Bùi Xuân Phái, Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, Bản tin chính sách (tài nguyên, môi trường, phát triển bền vững), Trung tâm con người và thiên nhiên, số 19, quý II/2015, tr.11.

TS. HÀ LỆ THỦY

Trường Đại học Luật, Đại học Huế

TRẦN CÔNG THIẾT

Trường Đại học Luật, Đại học Huế.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 05 (453), tháng 03/2022.)