Quyền con người và phát triển bền vững về môi trường

Lĩnh vực môi trường 07/04/2022

Bài viết nhận diện, đánh giá một số vấn đề về quyền con người và phát triển bền vững về môi trường tại Việt Nam hiện nay

Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên là yếu tố không thể tách rời của quá trình phát triển, là một trong những nguyên tắc bảo đảm phát triển bền vững. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp, du lịch; quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới... đều tác động đến môi trường và gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, điều kiện tự nhiên. Bền vững về môi trường là khi sử dụng các yếu tố tự nhiên đó, chất lượng môi trường sống của con người phải được bảo đảm. Đó là bảo đảm sự trong sạch về không khí, nước, đất, không gian địa lý, cảnh quan. Chất lượng của các yếu tố trên luôn cần được coi trọng và thường xuyên được đánh giá kiểm định theo những tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế. Đặc biệt trong quá trình khai thác cũng như trong sản xuất, kinh doanh các nguồn tài nguyên về môi trường phải giữ gìn bảo vệ tránh làm tài nguyên bị suy kiệt, tránh khai thác quá mức. Phải sử dụng và khai thác tài nguyên một cách hợp lý.[1]
Có thể nói rằng mọi vấn đề về môi trường đều bắt nguồn từ phát triển. Nhưng con người cũng như tất cả mọi sinh vật khác không thể ngừng tiến hoá và ngừng sự phát triển của mình.[2] Đó là quy luật của sự sống, của tạo hoá mà vạn vật đều phải tuân theo một cách tự giác hay không tự giác. Con đường để giải quyết mâu thuẫn giữa môi trường và phát triển là phải chấp nhận phát triển, nhưng giữ sao cho phát triển không tác động một cách tiêu cực tới môi trường. Phát triển đương nhiên sẽ biến đổi môi trường, nhưng làm sao cho môi trường vẫn làm đầy đủ các chức năng: đảm bảo không gian sống với chất lượng tốt cho con người, cung cấp cho con người các loại tài nguyên cần thiết, tái xử lý các phế thải của hoạt động của con người, giảm nhẹ tác động bất lợi của thiên tai, duy trì các giá trị lịch sử văn hoá, khoa học của loài người. Hay nói một cách khác đó là phát triển bền vững. 
Tại Việt Nam, quan điểm phát triển bền vững về môi trường đã được khẳng định trong đường lối, chính sách của Đảng (Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước) và các văn bản pháp luật của Nhà nước (Luật Bảo vệ môi trường qua các thời kỳ, gần đây là năm 2020; định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam - Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ; Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 được phê duyệt bởi Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 02/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ). Khái niệm phát triển bền vững đã được quy định tại khoản 4, Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Theo đó, phát triển bền vững được hiểu “là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”. Hiện nay khoản 2 Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định: “Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.”
Các nhà lập pháp và cộng đồng quốc tế xem quyền được sống trong môi trường trong lành, hay quyền môi trường, là một quyền con người cơ bản thuộc nhóm thế hệ quyền mới; vừa là quyền cá nhân vừa là quyền của tập thể.[3] Quyền môi trường bao gồm quyền được sống trong môi trường trong lành, không bị ô nhiễm, quyền được tiếp cận với thông tin về môi trường và quyền được có tiêu chuẩn sức khỏe ở mức cao nhất có thể về môi trường sống, quyền được sử dụng các biện pháp để khắc phục, bồi thường trong những trường hợp quyền này bị vi phạm.[4] Cũng theo chúng tôi, xu hướng mới trong mối liên kết giữa quyền con người và phát triển bền vững về môi trường được thể hiện thông qua quyền công bằng giữa các thế hệ và quyền được tham gia vào các quyết định về môi trường. Đây là những vấn đề mới bên cạnh các vấn đề truyền thống như quyền được sống trong môi trường trong lành, quyền tiếp cận thông tin về môi trường…
Thứ nhất, quyền công bằng giữa các thế hệ đặt ra vấn đề của những người đang sống hiện nay phải “cư xử” và khai thác thiên nhiên như thế nào để bảo đảm quyền công bằng với thế hệ tương lai. Đây là nguyên tắc cốt lõi của phát triển bền vững, yêu cầu rõ ràng rằng việc thoả mãn nhu cầu của thế hệ hiện nay không được làm phương hại đến các thế hệ tương lai thoả mãn nhu cầu của họ.[5]
Sự phát triển của loài người hiện nay đang phải đối mặt với hàng loạt các khủng hoảng: khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, khung hoảng môi trường và khủng hoảng dân số. Các khủng hoảng này đang làm cạn kiệt các dạng tài nguyên thiên nhiên, suy thoái các dạng tài nguyên xã hội và các chức năng môi trường. Như vậy, các thế hệ con cháu chúng ta trong tương lai sẽ phải đối mặt với một nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể bị cạn kiệt và một không gian môi trường sống có thể bị ô nhiễm. Để thực hiện công bằng giữa các thế hệ chúng ta cần: khai thác tài nguyên tái tạo ở mức thấp hơn khả năng tái tạo, khai thác và sử dụng hợp lý các dạng tài nguyên không tái tạo và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường sống của trái đất.
Việt Nam bắt đầu chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường từ thập kỷ 90.[6] Lần đầu tiên Hiến pháp năm 2013 ghi nhận “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường” (Điều 43).  Trong gần 30 năm (1993-2021), Việt Nam đã ban hành 04 luật về bảo vệ môi trường (1993, 2005, 2014 và 2020). Như vậy bình quân cứ hơn 6 năm, chúng ta lại có một luật bảo vệ môi trường và trong đó Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 có hiệu lực thi hành lâu hơn so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và 2014. Cùng với các luật bảo vệ môi trường còn có hệ thống các văn bản dưới luật đã hình thành nên hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường tương đối đầy đủ, đồng bộ. Điều này đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với công tác bảo vệ môi trường.
Tuy vậy, cho đến nay, vẫn còn có những hạn chế nhất định đối với quy định cũng thực tiễn thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Môi trường, hệ sinh thái ở nước ta không những chưa thực sự được cải thiện mà vẫn đang bị suy thoái và xuống cấp nghiêm trọng.[7] Điều đó được thể hiện thông qua tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến nghiêm trọng ở nhiều địa phương. Dù mức xử phạt trong lĩnh vực tài nguyên môi trường đã tăng đáng kể, số lượng các vụ vi phạm môi trường vẫn có xu hướng tăng. Ví dụ, trong năm 2013, riêng lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã phát hiện 13.386 vụ vi phạm, tăng 34% so với  năm 2012.[8] Gần đây, theo Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 (từ ngày 01/10/2019 đến 31/7/2020) của Bộ Công an, lực lượng chức năng đã phát hiện 19.682 vụ vi phạm pháp luật về môi trường.[9] Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên… diễn ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực. Một số doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm các quy định của pháp luật về môi trường nhằm giảm chi phí khiến các lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai, Nhuệ - Đáy, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải... bị ô nhiễm nghiêm trọng… Có thể thấy, công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên tại Việt Nam còn hạn chế, sử dụng chưa hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, một số loại tài nguyên bị lạm dụng, khai thác quá mức dẫn đến suy thoái, cạn kiệt. Ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng đã ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân, trở thành vấn đề bức xúc của xã hội.[10]
Nghiên cứu hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường cho thấy chưa chú trọng việc lồng ghép cách tiếp cận quyền con người trong bảo vệ môi trường. Nhiều quy định của pháp luật, chưa làm rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan tới bảo vệ môi trường; chưa làm rõ việc bảo vệ môi trường không chỉ thuộc trách nhiệm của Nhà nước mà còn là quyền và trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi cá nhân và công dân, cộng đồng dân cư.[11]
Như vậy, để bảo đảm quyền công bằng giữa các thế hệ trong vấn đề môi trường, chúng ta cần tiếp tục có các giải pháp đầy đủ, toàn diện hơn để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, pháp luật trong thực tế. Một điểm sáng gần đây đó là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra những hướng tiếp cận mới để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường theo hướng thúc đẩy ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Điều 54 và điều 55 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đưa ra quy định mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR). Cụ thể, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm thu gom, tái chế hoặc đóng góp tài chính vào quá trình xử lý rác thải đối với sản phẩm khi đến cuối vòng đời. Công cụ này được xem là chìa khóa quan trọng thúc để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giải quyết vấn nạn khủng hoảng rác thải, minh chứng thông qua sự áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới.[12] Công cụ này được xem là chìa khóa quan trọng thúc để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giải quyết vấn nạn khủng hoảng rác thải, minh chứng thông qua sự áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Thứ hai, quyền tham gia vào các quyết định về môi trường. Các quyết định về môi trường khá rộng (văn bản pháp luật; các quyết định hành chính; hương ước, quy ước; tham vấn, lấy ý kiến người dân trong quá trình lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường - ĐTM; giám sát thực thi chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường…). Cũng như các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội, quá trình ra quyết định về môi trường rất cần có sự tham gia của người dân, tổ chức để bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan cũng như chất lượng của quyết định đó.
Hiến pháp 2013 đã trao cho người dân những quyền hiến định lớn hơn và hiệu quả hơn trong việc tăng cường sự tham gia của công dân vào quá trình ra quyết định của cơ quan nhà nước (trong đó có quyết định về môi trường). Điều 28 Hiến pháp năm 2013 quy định công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.
Đối với việc tham gia của người dân vào hoạt động xây dựng, thi hành pháp luật (trong đó có pháp luật về bảo vệ môi trường) nhìn chung chưa thực sự hiệu quả, chất lượng, chưa thu hút được sự tham gia của người dân. Có thể khái quát một số nguyên nhân chính của tình trạng này như sau: (1) Các văn bản pháp luật quy định về sự tham gia của người dân vào xây dựng, thi hành pháp luật còn mang tính nguyên tắc và định hướng chung chung; (2) Trong các quy định của pháp luật cũng như thực tiễn chưa có cái nhìn xuyên suốt và mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng và thi hành pháp luật; (3) Chưa quy định cụ thể chế tài và trách nhiệm giải trình đối với cơ quan, tổ chức và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức liên quan đến xây dựng, thi hành pháp luật; (4) Chưa xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả xây dựng, thi hành pháp luật gắn với chức trách, nhiệm vụ xây dựng, thi hành pháp luật có hiệu quả; (5) Nhận thức của người dân cũng như của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chưa thực sự tin tưởng vào sự đóng góp ý kiến của người dân vào quá trình xây dựng, thi hành pháp luật.[13]
Trong một số trường hợp khác, ví dụ như hoạt động lập Báo cáo ĐTM, sự tham gia của người dân vào quá trình tham vấn, lấy ý kiến cũng còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Về mặt pháp luật, mặc dù các quy định hiện hành đã được thể hiện trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật có liên quan[14] nhưng vẫn còn hạn chế (về đối tượng chịu tác động của dự án, về phạm vi các đối tượng được tham vấn, về quy trình tham vấn…).[15] Trong thực tiễn, người dân đôi khi chưa được tiếp cận đầy đủ với những thông tin về nội dung Báo cáo ĐTM, chưa tham gia trực tiếp, hiệu quả vào quá trình tham vấn Báo cáo, không chỉ đối với những dự án phát triển kinh tế - xã hội nói chung, mà đặc biệt đối với dự án tác động trực tiếp đến môi trường, tính mạng, tài sản, sinh kế và sự phát triển của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, dự án xây dựng các nhà máy thủy điện như Thủy Điện Sông Tranh (Bắc Trà My, Quảng Nam) là ví dụ điển hình về sự tham gia còn nhiều hạn chế của người dân vào quá trình tiếp cận với thông tin ĐTM cũng như tham gia vào ĐTM.[16] Cũng theo một số ý kiến cho rằng pháp luật quy định người dân có quyền được biết thông tin về dự án và được tham gia quá trình thực hiện ĐTM, tuy nhiên thực tế cho thấy số lượng người dân biết đến dự án trước khi xây dựng không nhiều, thậm chí chỉ các đơn vị quản lý mới có thông tin.[17] Theo đó, lâu nay rất khó để tiếp cận Báo cáo ĐTM. Trong đó, có lý do các cơ quan quản lý, chủ dự án né công khai Báo cáo ĐTM vì e ngại bị “soi” và thực tế đã từng có nhiều Báo cáo ĐTM bị “bóc phốt”.[18]
Năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường mới.[19] Khoản 5 Điều 33 của luật này đã quy định: “Kết quả tham vấn là thông tin quan trọng để chủ dự án đầu tư nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đầu tư đối với môi trường và hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Kết quả tham vấn phải được tiếp thu, thể hiện đầy đủ, trung thực các ý kiến, kiến nghị của đối tượng được tham vấn, đối tượng quan tâm đến dự án đầu tư (nếu có). Trường hợp ý kiến, kiến nghị không được tiếp thu, chủ dự án đầu tư phải giải trình đầy đủ, rõ ràng. Chủ dự án đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung và kết quả tham vấn trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.” Như vậy, luật này đã khắc phục một hạn chế trước đây, đó là thiếu quy định trách nhiệm của chủ dự án đối với các ý kiến của các đối tượng được tham vấn.
Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 không quy định trách nhiệm của cơ quan thẩm định Báo cáo ĐTM phải công khai báo cáo này. Tại khoản 2 Điều 38 của luật này, cơ quan thẩm định Báo cáo ĐTM chỉ có trách nhiệm “Công khai trên cổng thông tin điện tử quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.” Luật này cũng chỉ quy định chủ dự án có trách nhiệm công khai Báo cáo ĐTM đã được phê duyệt kết quả thẩm định, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp (khoản 5, Điều 37). Trước đó, nhiều chuyên gia, tổ chức đã có kiến nghị về vấn đề này vì cho rằng, đây là “bước thụt lùi” so với luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (khoản 1 Điều 131).[20] Hơn nữa, Báo cáo ĐTM không chỉ cần công khai sau khi phê duyệt mà còn cần được công khai trong giai đoạn lập, lấy ý kiến tham vấn của người dân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Chỉ khi thực hiện được điều đó thì việc tham vấn mới có ý nghĩa. Với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, khi doanh nghiệp không chịu ràng buộc bởi Luật Tiếp cận thông tin năm 2016[21] thì sẽ thiếu chế tài để bắt buộc chủ dự án phải công khai Báo cáo ĐTM. Hiện nay, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ) chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không công khai Báo cáo ĐTM. Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 phải quy định rõ hơn trách nhiệm thực hiện công khai và thời điểm công khai Báo cáo ĐTM. Bên cạnh đó, như đã nêu, cần có chế tài rõ ràng, đầy đủ đối với hành vi vi phạm quy định về công khai Báo cáo ĐTM.
Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường thì sự tham gia của người dân, các cá nhân và tổ chức vào quá trình hoạch định, thực thi và giám sát chính sách, pháp luật liên quan đến môi trường cũng ngày càng được mở rộng. Về tổng thể, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát tốt, phần lớn do việc xử lý các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe cùng với đó là việc giám sát thực thi pháp luật thiếu hiệu quả. Giám sát thực thi pháp luật chưa hiệu quả cũng góp phần dẫn đến những hạn chế trong việc phòng tránh và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Điều này đã phần nào thể hiện qua số lượng các vụ việc vi phạm vẫn đang có xu hướng tăng (đã nêu ở trên). Thực tế cho thấy đến nay sự tham gia của người dân vào quản lý và giám sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung, thực thi pháp luật bảo vệ môi trường nói riêng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Một số ví dụ có thể kể đến như sau:
- Trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT của công ty Cổ phần Nicotex Thành Thái đóng tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa trong việc chôn lấp hơn 1000 tấn chất thải nguy hại từ thuốc bảo vệ thực vật tại trụ sở công ty, làm môi trường đất bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng tới đời sống và sức khỏe người dân địa phương. Kể từ khi phát hiện (hành vi chôn lấp trái phép này từ năm 1999), người dân địa phương đã có ý kiến bằng lời cũng như văn bản gửi chính quyền các cấp nhưng chính quyền đều không có trả lời, cũng như không xử lý. Cho đến năm 2013, khi một người dân địa phương dũng cảm đứng đơn tố cáo cùng với sự hậu thuẫn rất mạnh của báo chí thì Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh hóa mới vào cuộc và xử lý vụ việc.[22]
Cũng tại Thanh Hóa, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt khu du lịch Hải Tiến và các vùng phụ cận tại xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã và đang gây nhiều ảnh hưởng đến khu dân cư sinh sống cạnh nhà máy. Theo phản ánh của các hộ dân, không chỉ nhà ở mà ruộng vườn, hoa màu vẫn nằm sát cạnh nhà máy xử lý rác thải. Vào mùa mưa, nước rác không được thu gom cứ vậy chảy tràn ra khu dân cư, ngập ruộng đồng. Riêng khí thải đốt rác không chỉ gây mùi khó chịu mà còn kèm theo cả rỉ bụi phát tán ra môi trường. Theo hiện trạng thì hiện nay còn 12 hộ dân đang chịu ảnh hưởng từ khói bụi và khí thải của nhà máy xử lý rác thải vẫn chưa được di dời; vấn đề ô nhiễm môi trường tại nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn xã vẫn chưa được giải quyết triệt để.[23]
- Tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư khá phổ biến ở các tỉnh/thành phố. Ví dụ tại TP. Hồ Chí Minh, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, tại các quận 12, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, huyện Bình Chánh… số lượng các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ theo hộ gia đình, vừa ở vừa kết hợp sản xuất chiếm số lượng rất lớn. Nhiều cơ sở sản xuất hằng ngày gây ô nhiễm về không khí, nguồn nước, gây tiếng ồn quá mức dù người dân xung quanh đã nhiều lần kiến nghị địa phương có giải pháp xử lý nhưng vẫn chưa hiệu quả.[24] Hay tại một số địa phương khác, cử tri bức xúc về ô nhiễm môi trường (không khí, khu công nghiệp…) và phản ánh đến các cơ quan nhà nước nhưng chưa được giải quyết kịp thời, triệt để.[25]
Những ví dụ trên đây cho thấy vai trò tham gia của người dân là rất quan trọng nhưng chưa thực sự được coi trọng đúng mức trong thực tế. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này (về hệ thống pháp luật, điều kiện bảo đảm…). Trong đó, mặc dù về tổng thể hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường của nước ta tương đối hoàn chỉnh nhưng khung pháp luật về sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật bảo vệ môi trường còn không ít bất cập. Điều đó được thể hiện qua một số điểm dưới đây.
- Nội dung, phương thức người dân tham gia giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường được quy định rải rác trong Luật Bảo vệ môi trường (2014 và năm 2020). Trong đó, Luật Bảo vệ môi trường chưa quy định quyền tham gia trực tiếp vào hoạt động bảo vệ môi trường (trong đó có hoạt động giám sát thực thi pháp luật) mà chỉ quy định quyền tham gia gián tiếp thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hay đại diện cộng đồng dân cư. Điều này làm giảm hiệu lực, hiệu quả tham gia giám sát của người dân khi không rõ kênh, hình thức, quy trình tham gia giám sát. Nhìn chung, cơ chế bảo đảm quyền tham gia giám sát trực tiếp của người dân đối với việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường (bao gồm các yếu tố chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức thực hiện và chế tài xử lý đối với các chủ thể vi phạm nghĩa vụ đảm bảo việc thực thi của quyền này) chưa thực sự rõ ràng.
Ngay cả đối với nội dung, phương thức giám sát gián tiếp, hầu như Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, 2020 chưa có quy định cụ thể. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 có một chương riêng quy định về chức năng phản biện và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng cũng không nhìn thấy rõ cách thức người dân tham gia gián tiếp thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chính vì vậy, vai trò tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường thông qua các chủ thể này chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.
- Các quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường của các cơ quan nhà nước còn khá chung chung, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng còn những hạn chế nhất định (ví dụ nội dung lý do, mục đích yêu cầu cung cấp thông tin trong Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin[26] dễ đến sự tùy nghi, lạm dụng trong thực tiễn…).
- Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về Bảo vệ môi trường nhưng vấn đề quan trọng là trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chỉ mới đề cập đến trách nhiệm giải trình của chủ dự án khi tham vấn Báo cáo đánh giá tác động môi trường.[27] Trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý trong các văn bản pháp luật khác[28] vẫn còn khá chung chung, chưa đầy đủ (hầu như thiếu yếu tố chịu trách nhiệm), chưa thực sự tạo cơ chế bảo đảm cho người dân thực thi quyền giám sát thực thi pháp luật bảo vệ môi trường.
- Một điểm quan trọng là hiện nay còn thiếu cơ chế hỗ trợ người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Điều này thực sự cần thiết bởi nhiều vấn đề liên quan đến môi trường (giám định, xác định thiệt hại…) cần nhiều kiến thức chuyên môn cũng như kinh phí. Do đó, nhiều khi người dân không thể theo đuổi các vụ khiếu nại, tố cáo hay khởi kiện liên quan đến bảo vệ môi trường…
Như vậy, có thể thấy, mặc dù đã có sự quan tâm và thành tựu nhất định nhưng hệ thống chính sách, pháp luật và thi hành chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm một số xu hướng mới về phát triển bền vững liên quan đến môi trường còn có một số vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện. Hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật bảo vệ môi trường là để bảo vệ môi trường cho thế hệ hôm nay cũng như mai sau, bảo đảm sự công bằng giữa các thế hệ. Sự tham gia của người dân, tổ chức vào các quyết định môi trường là để bảo đảm sự phát triển bền vững về môi trường. Trong bối cảnh sự tham gia của người dân vào việc thực thi quyền môi trường còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở cơ sở, cần tăng cường thực hành dân chủ ở cơ sở và thực hành quyền dân chủ trực tiếp; tăng cường các cơ chế giám sát việc thực thi quyền môi trường, bao gồm việc nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội.[29] Cùng với sự tham gia giám sát, phản biện của người dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cần tăng cường sự tham gia giám sát, phản biện trực tiếp của người dân vào quá trình lập Báo cáo ĐTM, nhất là ở cơ sở, địa phương. Cần xây dựng các cơ chế phối, kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội và mọi tầng lớp nhân dân trong việc giám sát và bảo vệ môi trường, thực hiện quyền môi trường.
Có thể thấy, phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội. Trong 35 năm đổi mới, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững gắn với bảo đảm, bảo vệ quyền con người và đạt được nhiều thành tựu quan trọng như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được nâng lên; thúc đẩy an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; bảo tồn, gìn giữ các giá trị, bản sắc truyền thống, văn hóa trong bối cảnh mới và đã quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững đối với môi trường, quyền môi trường. Con người là trung tâm của phát triển bền vững là định hướng đúng đắn, được Đảng, Nhà nước ta nỗ lực phấn đấu hướng đến trong thời gian qua. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để thúc đẩy phát triển bền vững trong mối quan hệ với vấn đề quyền con người, phát huy cao nhất yếu tố con người trong mỗi chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và môi trường./.

TS. Trương Hồng Quang
Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

Nguồn: khpl.moj.gov.vn


[1] Hoàng Bảo: Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường chính là bảo vệ tương lai của chúng ta tại Việt Nam, https://moitruongvaxahoi.vn/phat-trien-ben-vung-va-bao-ve-moi-truong-chinh-la-bao-ve-tuong-lai-cua-chung-ta-tai-viet-nam-2050525475.html, ngày 26-7-2020.

[2] Phát triển bền vững, https://healthvietnam.vn/thu-vien/tai-lieu-tieng-viet/y-hoc-du-phong/phat-trien-ben-vung, truy cập ngày 20-5-2021.

[3] Alan Boyle: Human Rights and the Environment: A Reassessment, 18 Fordham Environmental Law Review, 2010, p. 471-511.

[4] Hoàng Văn Nghĩa: Quyền môi trường và sự tham gia của người dân trong thực hiện quyền môi trường, https://www.thiennhien.net/2015/06/02/quyen-moi-truong-va-su-tham-gia-cua-nguoi-dan-trong-thuc-hien-quyen-moi-truong/, ngày 02-6-2015.

[5]. Phát triển bền vững, https://healthvietnam.vn/thu-vien/tai-lieu-tieng-viet/y-hoc-du-phong/phat-trien-ben-vung, truy cập ngày 20-5-2021.

[6] Trung tâm Con người và Thiên nhiên: Thực thi chính sách pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam nhìn từ khía cạnh tư pháp, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2015, tr. 3.

[7] Môi trường với quyền con người và vận dụng quyền con người trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam, https://luatminhkhue.vn/moi-truong-voi-quyen-con-nguoi-va-van-dung-quyen-con-nguoi-trong-bao-ve-moi-truong-o-viet-nam.aspx, ngày 09-01-2021.

[8]. Trung tâm Con người và Thiên nhiên: Thực thi chính sách pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam nhìn từ khía cạnh tư pháp, sđd, tr. 3.

[9]. Số liệu được Bộ Công an báo cáo tại Phiên họp thứ 48 của Ủy ban thường vụ Quốc hội Khóa XIV. Nguồn: Tuyết Chinh: 19.682 vụ vi phạm pháp luật về môi trường được phát hiện, https://baotainguyenmoitruong.vn/19-682-vu-vi-pham-phap-luat-ve-moi-truong-duoc-phat-hien-310603.html, ngày 14-9-2020.

[10]Đỗ Thị Kim Tiên: Phát triển bền vững về kinh tế ở Việt Nam - vấn đề và giải pháp, https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/05/21/phat-trien-ben-vung-ve-kinh-te-o-viet-nam-van-de-va-giai-phap/, ngày 21-5-2020.

[11]. Môi trường với quyền con người và vận dụng quyền con người trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam, tlđd.

[12]. Phạm Sơn: Kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, https://theleader.vn/kinh-te-tuan-hoan-trong-luat-bao-ve-moi-truong-2020-1623922109033.htm, ngày 17-6-2021.

[13]Nguyễn Thị Hà: Sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/12/03/su-tham-gia-cua-nguoi-dan-vao-qua-trinh-xay-dung-va-thuc-thi-phap-luat/, ngày 03-12-2020.

[14]. Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trườngNghị định số 54/2021/NĐ-CP ngày 21/5/2021 của Chính phủ quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường

[15]. Xem thêm Trần Thị Sáu: Tham vấn cộng đồng dân cư trong quá trình đánh giá tác động môi trường và những vấn đề đặt ra, tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 6 - 2018, tr. 41-48; Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp: Báo cáo tổng hợp kết quả Nhiệm vụ môi trường “Đánh giá chất lượng xây dựng và ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện nay”, Chủ nhiệm: Nguyễn Văn Cương, Hà Nội, 2020

[16].  Hoàng Văn Nghĩa: Quyền môi trường và sự tham gia của người dân trong thực hiện quyền môi trường, sđd.

[17]Bông Mai: Dự thảo Luật bảo vệ môi trường có... xa dân?, https://tuoitre.vn/du-thao-luat-bao-ve-moi-truong-co-xa-dan-20200217182823799.htm, ngày 17-02-2020.

[18]Xuân Long: ‘Rất khó tiếp cận các báo cáo đánh giá tác động môi trường', https://tuoitre.vn/rat-kho-tiep-can-cac-bao-cao-danh-gia-tac-dong-moi-truong-20201118193456218.htm, ngày 18/11/2020.

[19]. Bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2022, trừ khoản 3 Điều 29 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2021.

[20]. Lê Hiệp: Thông qua luật Bảo vệ môi trường, vẫn không luật hóa công khai báo cáo ĐTM, https://thanhnien.vn/thoi-su/thong-qua-luat-bao-ve-moi-truong-van-khong-luat-hoa-cong-khai-bao-cao-dtm-1305891.html, ngày 17/11/2020.

[21]. Luật này quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân (Điều 1).

[22] Đặng Hùng Võ: Vai trò tham gia của người dân vào giám sát môi trường, https://www.thiennhien.net/2017/01/15/vai-tro-tham-gia-cua-nguoi-dan-vao-giam-sat-moi-truong/, ngày 15-01-2017.

[23]Bảo Ngân: Nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm môi trường, https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi-phongsu/nha-may-xu-ly-rac-gay-o-nhiem-moi-truong-638993/, ngày 19-3-2021.

[24]Thành Nam, Quang Sơn: Báo động ô nhiễm trong khu dân cư, https://nhandan.com.vn/baothoinay-dothi/bao-dong-o-nhiem-trong-khu-dan-cu-632605/, ngày 22-01-2021.

[25]. Ô nhiễm môi trường: Dân kêu không thở được, kiểm tra nói không thấy, https://nbtv.vn/news/205/5008/o-nhiem-moi-truong-dan-keu-khong-tho-duoc-kiem-tra-noi-khong-thay, ngày 19-6-2020; Ninh Bình: Hàng loạt bãi than ngoài đê sông Đáy gây ô nhiễm, https://laodong.vn/ban-doc/ninh-binh-hang-loat-bai-than-ngoai-de-song-day-gay-o-nhiem-814879.ldo, ngày 25-6-2020; TP. Ninh Bình: Cần sớm di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi trung tâm, https://baotainguyenmoitruong.vn/tp-ninh-binh-can-som-di-doi-cac-co-so-gay-o-nhiem-ra-khoi-trung-tam-322274.html, ngày 31-3-2021…

[26]. Quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 24 của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Quy định này là không hợp lý bởi nếu thông tin thuộc danh mục được tiếp cận thì lý do, mục đích yêu cầu cung cấp thông tin là không cần thiết.

[27]. Quy định tại khoản 5, Điều 33 của Luật BVMT năm 2020.

[28]. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và văn bản pháp luật có liên quan.

[29]. Hoàng Văn Nghĩa: Quyền môi trường và sự tham gia của người dân trong thực hiện quyền môi trường, tlđd.