Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong pháp luật xử phạt vi phạm hành chính

Lĩnh vực môi trường 06/01/2022

Tóm tắt: Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Trong số các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020, buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường là một biện pháp đặc biệt. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích những quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp khắc phục hậu quả này, chỉ ra một số bất cập và đề xuất hướng hoàn thiện. Từ khóa: Vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Abstract: The administrative sanctions include an application of sanction forms, remedial measures to individuals, organization committing acts of administrative violations. Forcible application of measures to overcome the environmental pollution is one of the remedial measures outlined in the Law on Handling of Administrative Violations of 2012 amended in 2020. Within the scope of this article, the author provides an analysis of the applicable legal provisions on this remedial measure, gives out a number of shortcomings and proposes recommendations for further improvements. Keywords: Administrative violations; sanctioning of an administrative violation; remedial measures; Law on Handling of Administrative Violations.

 

Ảnh minh họa: Nguồn internet

 

1. Khái quát về biện pháp khắc phục hậu quả buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên[1]. Do môi trường có mối quan hệ mật thiết với kinh tế, văn hóa, xã hội của một quốc gia và xa hơn nữa là của cả nhân loại nên phải bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT)[2]. Điều đó có nghĩa là sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới hiện nay không phải là khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên để tạo ra năng suất, sản lượng bằng mọi giá mà phải bảo đảm sự cân đối với việc duy trì và BVMT[3]. Theo đó, BVMT là hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành.
Trong những thập kỷ gần đây, môi trường thế giới đang có những thay đổi theo chiều hướng xấu đi như sự suy giảm tầng ozon; sự diệt vong của nhiều loài động vật quý hiếm; cháy rừng, lũ lụt, chất thải nguy hại... Do đó, BVMT trở thành một vấn đề trọng yếu của toàn cầu và đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm đặc biệt. Để BVMT, nhiều hiệp định, điều ước quốc tế đã được ban hành và thực thi[4]. Tuy nhiên, bên cạnh pháp luật quốc tế thì pháp luật quốc gia cũng trở thành công cụ hữu hiệu để BVMT.
Trong phạm vi quốc gia, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT phụ thuộc vào nhiều hoạt động khác nhau như thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này[5]. Thanh tra, kiểm tra giúp các chủ thể quản lý nắm được tình hình thực hiện pháp luật BVMT của đối tượng quản lý, qua đó có thể đề ra các biện pháp tác động thích hợp. Trong khi đó, xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) nhằm răn đe, trừng trị chủ thể thực hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường, xa hơn nữa là góp phần phòng ngừa vi phạm trong tương lai.
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020 (Luật XLVPHC), xử phạt VPHC là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả (BPKPHQ) đối với cá nhân, tổ chức VPHC. BPKPHQ “buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường” lần đầu tiên được quy định trong Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 1995. Trước đó, Pháp lệnh Xử phạt VPHC năm 1989 không quy định về biện pháp này.
Khi Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 1995 được ban hành, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sống, lây lan dịch bệnh do VPHC gây ra” chính thức được ghi nhận là một BPKPHQ. Đến Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) thì biện pháp này vẫn được giữ nguyên. Hiện nay, Điều 31 Luật XLVPHC quy định: “cá nhân, tổ chức VPHC phải thực hiện biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Nếu cá nhân, tổ chức VPHC không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện”.
Như vậy, có thể thấy, “buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường là BPKPHQ áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân VPHC liên quan đến việc gây ô nhiễm môi trường[6]. Căn cứ vào Luật XLVPHC, nhiều nghị định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực quy định về việc áp dụng BPKPHQ này đối với những vi phạm có phát sinh hậu quả gây ô nhiễm môi trường. Ví dụ, những vi phạm như nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư”[7], “để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng”[8]hay tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh”[9]sẽ bị áp dụng biện pháp “buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
2. Bất cập trong quy định của pháp luật về biện pháp khắc phục hậu quảbuộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường
Thứ nhất, Luật XLVPHC và các nghị định xử phạt VPHC sử dụng không thống nhất tên gọi của BPKPHQ này.
Khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC quy định về cácBPKPHQ trong xử phạt VPHC. Qua quy định này, có thể chiaBPKPHQ thành hai nhóm: i. các BPKPHQ do Quốc hội quy định (bao gồm 09 biện pháp quy định từ điểm a đến điểm i); ii. các BPKPHQ do Chính phủ quy định (nhóm biện pháp quy định tại điểm k). Theo đó, buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường là BPKPHQ do Quốc hội quy định (điểm c khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC). Tuy nhiên, Luật XLVPHC sử dụng các tên gọi khác nhau khi quy định về biện pháp này. Cụ thể, điểm c khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC quy định, buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh”. Trong khi đó, Điều 31 Luật XLVPHC quy định, buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh”. Một điều rất đáng quan tâm là trong số 09 BPKPHQ quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC, được cụ thể hóa ở các điều 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37 Luật này, duy nhất chỉ có biện pháp “buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh” sử dụng tên gọi không thống nhất.
Từ sự không thống nhất của Luật XLVPHC, các nghị định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực cũng quy định rất khác nhau về tên gọi của biện pháp này. Cụ thể, theo quy định của Điều 31 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 55/2021/NĐ-CP)xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT (Nghị định số 155), hành vi thu gom nhưng không chuyển các sản phẩm thải bỏ từ người tiêu dùng đến điểm thu hồi theo quy định gây ô nhiễm môi trường” sẽ bị áp dụng biện pháp “buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường”[10]; theo quy định của Điều 34 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (Nghị định số 36), hành vi thực hiện không đầy đủ các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường đã được xác định trong đề án thăm dò khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thăm dò” sẽ bị áp dụng biện pháp “buộc thực hiện đầy đủ biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường”; theo quy định của Điều 30 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP xử phạt VPHC về chăn nuôi (Nghị định số 14), hành vi vi phạm quy định về xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi” sẽ bị áp dụng biện pháp “buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường”. Về mặt nội dung, các BPKPHQ nêu trên chính là “buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường” được quy định trong Luật XLVPHC. Tuy nhiên, việc các văn bản pháp luật sử dụng tên gọi của BPKPHQ không thống nhất sẽ gây khó khăn cho hoạt động áp dụng pháp luật.
Thứ hai, quy định về BPKPHQ“buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường” không được phân hóa cụ thể và có sự nhầm lẫn với biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”.
VPHC có thểlàm thay đổi hiện trạng ban đầu của đối tượng bị vi phạm theo hướng tiêu cực. Do đó, khi xử phạt VPHC đối với các vi phạm này, pháp luật quy định áp dụng BPKPHQ buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Biện pháp này được áp dụng nhằm khắc phục hậu quả của đối tượng bị xâm hại và đưa trở về hiện trạng ban đầu như trước khi có VPHC[11]. Trong khi đó, BPKPHQ buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường được áp dụng nhằm mục đích khắc phục hậu quả ô nhiễm do vi phạm về môi trường gây ra.
Về ý nghĩa, “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” lẫn buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường” đều hướng tới mục đích khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do VPHC gây ra. Tuy nhiên, sự khác nhau giữa hai biện pháp này ở việc xác định VPHC có gây ô nhiễm môi trường hay không. Điều đó có nghĩa là, nếu VPHC làm thay đổi hiện trạng ban đầu nhưng không liên quan đến ô nhiễm môi trường thì áp dụng biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”.Ví dụ, hành vi “chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông” làm thay đổi hiện trạng ban đầu nhưng không gây ô nhiễm môi trường, việc áp dụng BPKPHQ “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” là hợp lý[12]; ngược lại, những VPHC gây ô nhiễm môi trường thì phải áp dụng biện pháp buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường mới có khả năng khắc phục hậu quả xấu do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra.
Theo quy định của Điều 5 Nghị định số 132/2015/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa (Nghị định số 132), hành vi đổ rác xuống đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, đồng thời bị áp dụng BPKPHQ “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, hành vi đổ rác xuống đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa là hành vi gây ô nhiễm môi trường chứ không phải là hành vi thay đổi hiện trạng môi trường; do đó, cần phải áp dụng biện pháp buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường”.
Bên cạnh đó, Nghị định số 155 lại quy định hai biện pháp: buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm do VPHC gây ra” (điểm a khoản 3 Điều 4) và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường (điểm c khoản 3 Điều 4). Tuy nhiên, việc quy định biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm do VPHC gây ra bên cạnh buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường thì liệu có cần thiết?
Đơn cử, hành vi “làm tràn đổ chất thải nguy hại ra môi trường đất, nước ngm, nước mặt gây ô nhim môi trường” bị áp dụng BPKPHQ “buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu do VPHC gây ra”[13]. Hành vi trên gây ô nhiễm môi trường và cần thiết phải áp dụng BPKPHQ. Mục đích của việc áp dụng BPKPHQ đối với vi phạm này là nhằm khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm. Vì vậy, lẽ ra Nghị định số 155 phải quy định áp dụng biện pháp buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường” mới chính xác.Do đó, việc Nghị định số 155 bổ sung thêm biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm do VPHC gây ra là không cần thiết và cũng không rõ nội hàm pháp lý.
Thứ ba, quy định áp dụng đồng thời biện pháp“buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường” với các BPKPHQ khác là không cần thiết.
Điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP (Nghị định số 167) quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi “đổ rác, chất thải trên vỉa hè, lòng đường”. Hành vi này gây ô nhiễm môi trường nên người vi phạm còn bị áp dụng BPKPHQ “buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường”. Trong khi đó, khoản 4 Điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (Nghị định số 100) quy định, hành vi “đổ rác ra đường bộ không đúng nơi quy định” bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng BPKPHQ “buộc phải thu dọn rác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do VPHC gây ra”. Mức tiền phạt đối với hai hành vi này là thống nhất với nhau. Điều này hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc xây dựng hình thức xử phạt và mức xử phạt đối với cùng một hành vi vi phạm trong các lĩnh vực đặc thù[14]. Tuy nhiên, BPKPHQ đối với những vi phạm này lại hoàn toàn khác nhau. Nếu như Nghị định số 167 quy định áp dụng biện pháp “buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường” thì Nghị định số 100 lại quy định là “buộc phải thu dọn rác  khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do VPHC gây ra”. Câu hỏi đặt ra là, biện pháp “buộc phải thu dọn rác  khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do VPHC gây ra” là hai biện pháp hay một biện pháp?
Nếu cho rằng “buộc phải thu dọn rác” là cách thức cụ thể để thực hiện biện pháp “buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường” thì rõ ràng “khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do VPHC gây ra” có “bóng dáng” của biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”. Như vậy, việc áp dụng đồng thời hai biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” và “buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường” đối với hành vi “đổ rác ra đường bộ không đúng nơi quy định” của Nghị định số 100 là hoàn toàn không cần thiết.
Tương tự, theo quy định của khoản 7 Điều 26 Nghị định số 162 /2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 23/2017/NĐ-CP), hành vi nhận chìm, đổ, thải chất thải nguy hại không đúng quy định về BVMT sẽ bị áp dụng đồng thời hai BPKPHQ là “buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm gây ra và “buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo chúng tôi, hành vi vi phạm trên gây ô nhiễm môi trường nên việc áp dụng biện pháp “buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường” là cần thiết vì đã đưa môi trường trở về trạng thái không còn ô nhiễm - tức là trạng thái ban đầu trước khi bị gây ô nhiễm. Do đó, việc Nghị định bổ sung thêm biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm gây ra là không cần thiết.
Thứ tư, nhiều VPHC gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng không bị áp dụng BPKPHQ buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Về nguyên tắc, VPHC gây ô nhiễm môi trường thì phải áp dụng BPKPHQ buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường”.Đơn cử, những hành vi như tiểu tiện, đại tiện, đổ rác không đúng nơi quy định… đều là những hành vi gây ô nhiễm môi trường. Do đó, pháp luật cần thiết quy định BPKPHQ nêu trên. Tuy nhiên, hiện nay, tồn tại nhiều VPHC gây ô nhiễm môi trường nhưng pháp luật lại không quy định áp dụng BPKPHQ buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường”.
Cụ thể, Điều 7 Nghị định số 167 quy định áp dụng BPKPHQ buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với các vi phạm hành chính về giữ gìn vệ sinh chung như: “đổ nước hoặc để nước chảy ra khu tập thể, lòng đường, vỉa hè, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông nơi công cộng hoặc ở những nơi khác làm mất vệ sinh chung”, “nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư”“để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác ở chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh”. Tuy nhiên, hành vi “không thực hiện các quy định về quét dọn rác, khai thông cống rãnh trong và xung quanh nhà ở, cơ quan, doanh nghiệp, doanh trại gây mất vệ sinh chung” được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định này thì lại không bị áp BPKPHQ buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Chúng tôi cho rằng, hành vi “không thực hiện các quy định về quét dọn rác, khai thông cống rãnh trong và xung quanh nhà ở, cơ quan, doanh nghiệp, doanh trại gây mất vệ sinh chung” là VPHC có cấu thành vật chất. Điều đó có nghĩa, trong mặt khách quan của vi phạm thì hậu quả “gây mất vệ sinh chung” - tức gây ô nhiễm môi trường là dấu hiệu bắt buộc[15]. Tuy quy định về hậu quả xảy ra nhưng Nghị định số 167 lại không quy định áp dụng BPKPHQ “buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường là chưa hợp lý.
Theo quy định của khoản 2 Điều 15 Nghị định số 162/2018/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực hàng không dân dụng (Nghị định số 162), hành vi “không áp dụng biện pháp ngăn ngừa việc phát thải bụi, rơi vãi chất thải rắn, chất thải lỏng trong quá trình thu gom, vận chuyển chất thải bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, chủ thể vi phạm không bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung lẫn BPKPHQ. Vi phạm trên có thể dẫn đến hậu quả là phát thải bụi hoặc rơi vãi chất thải rắn, chất thải lỏng - tức gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, Nghị định số 162 lại không quy định áp dụng BPKPHQ “buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường” đối với vi phạm này.
Khoản 4 Điều 11 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định hành vi “sử dụng nước thải, nước bẩn, nước có chứa dầu mỡ, hóa chất độc hại, phụ gia chứa hóa chất gây ô nhiễm làm dung dịch khoan hoặc pha trộn dung dịch khoan và đưa vào lỗ khoan giếng” chỉ bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền từ20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Vi phạm này không bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung lẫn BPKPHQ. Rõ ràng, hành vi trên đã gây ô nhiễm môi trường mà cụ thể ở đây là ô nhiễm nguồn nước giếng. Tuy nhiên, hành vi này lại không bị áp dụng biện pháp “buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường”.
Theo quy định của điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định số 155, hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng” sẽ bị phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng. Ngoài việc áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền, vi phạm này không bị áp dụng BPKPHQ. Tương tự, điểm d khoản 1 Điều 20 Nghị định số 155 quy định, hành vi “vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, lòng đường phố” sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Tuy nhiên, người vi phạm sẽ không bị áp dụng BPKPHQ. Rõ ràng, những hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định, “vứt, thải rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định” là những vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Do đó, bên cạnh việc xử phạt, cần phải áp dụng BPKPHQ “buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Đáng tiếc, do pháp luật không quy định nên khi xử phạt người có thẩm quyền không thể áp dụng biện pháp này. Điều này làm cho việc xử phạt chỉ mang tính răn đe nhưng không có khả năng khắc phục hậu quả do vi phạm gây ra.
Thứ năm, biện pháp “buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường” chưa có hướng dẫn cụ thể nên gây khó khăn cho quá trình triển khai thi hành.
Hiện nay, Luật XLVPHC và các nghị định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực mới chỉ quy định khái quát về buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng chưa có quy định cụ thể về cách thức, thủ tục và thời hạn thực hiện biện pháp này. Trên thực tế, các chủ thể có thẩm quyền cũng không thể chắc chắn rằng những biện pháp cụ thể mà người vi phạm thực hiện có khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường hay không[16]. Bên cạnh đó, sự không rõ ràng, cụ thể về thủ tục, thời hạn thực hiện cũng trở thành “rào cản” trong việc áp dụng BPKPHQ này.
3. Kiến nghị hoàn thiện
Trong bối cảnh hiện nay, khi môi trường ngày càng bị tàn phá và VPHC về môi trường ngày càng gia tăng thì BPKPHQ này càng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Để bảo đảm tính hiệu quả và thống nhất trong việc áp dụng BPKPHQ trên thực tế, chúng tôi kiến nghị.
Một là, sửa đổi Điều 31 Luật XLVPHC theo hướng quy định thống nhất vớiđiểm c khoản 1 Điều 28 về tên gọi của BPKPHQ này là “buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường”.
Hai là, rà soát văn bản pháp luật về xử phạt VPHC để hiệu chỉnh tên gọi của BPKPHQ này trong các nghị định quy định xử phạt VPHC. Về mặt ngữ nghĩa, “buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường” là một biện pháp mang tính cưỡng chế hành chính nên bắt buộc phải thi hành. Do đó, không cần phải thêm thuật ngữ “phải” vào trong tên gọi của biện pháp này. Ngoài ra, đã là biện pháp khắc phục những hậu quả do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra thì biện pháp này cần phải được thực hiện một cách đầy đủ, đồng bộ, chính xác. Vì vậy, không nên thêm những thuật ngữ đầy đủ“các” vào tên gọi của biện pháp này.
Ba là, rà soát các văn bản pháp luật về xử phạt VPHC để tách biệt rõ ràng giữa biện pháp buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường” với biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”. Việc quy định áp dụng BPKPHQ cần căn cứ vào dấu hiệu nằm trong mặt khách quan của VPHC. Theo đó, những VPHC nào dẫn đến hậu quả làm ô nhiễm môi trường thì nhất thiết phải áp dụng BPKPHQ buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường”.
Bốn là, rà soát văn bản pháp luật về xử phạt VPHC để hiệu chỉnh tên gọi của BPKPHQ “buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm gây ra về đúng nguyên mẫu là “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” và chỉ áp dụng đối với các VPHC không liên quan đến việc gây ô nhiễm môi trường.
Năm là, rà soát văn bản pháp luật về xử phạt VPHC để bổ sung việc áp dụng biện pháp “buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường” đối với các VPHC gây ô nhiễm môi trường. Đây là lẽ công bằng và phù hợp với nguyên tắc mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật” quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm cho các quyết định xử phạt VPHC có áp dụng biện pháp “buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường được thực thi một cách chuẩn xác, cần bổ sung quy định về thủ tục áp dụng BPKPHQ này./.

TS. CAO VŨ MINH

Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

 


* Bài viết có sử dụng kết quả từ Đề tài Nghiên cứu khoa học “Xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên ở Việt Nam - Thực trạng và hướng hoàn thiện” do TS. Cao Vũ Minh làm chủ nhiệm.
[1] Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
[2] Nguyễn Văn Quang, “Phát triển nền kinh tế xanh, bảo vệ môi trường bền vững”, Tạp chí Tài nguyên và môi trường, số 12, năm 2012, tr. 31.
[3] Nguyễn Trần Điện, “Thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 7, năm 2012, tr.56.
[4] Lê Hồng Hạnh, “Vấn đề bảo vệ môi trường trong hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 5, năm 2018, tr.58.
[5] Điều 161 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
[6] Nguyễn Cảnh Hợp (chủ biên), Bình luận khoa học Luật Xử lý VPHC năm 2012, Nxb. Hồng Đức, năm 2017, tr. 278.
[7] Điểm e khoản 1, 3 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
[8] Điểm d khoản 1, 3 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
[9] Khoản 1, 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 21/2020/NĐ-CP).
[10] Khoản 3, 4, 5, 6 Điều 31 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 55/2021/NĐ-CP).
[11] Trương Tư Phước, “Hoàn thiện quy định của pháp luật về BPKPHQ buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 7, năm 2019, tr.18.
[12] Khoản 10, 12 Điều 11 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
[13] Điểm a khoản 8 và khoản 12 Điều 21 Nghị định số 155.
[14] Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) quy định: “trường hợp hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực này nhưng do tính chất vi phạm đặc thù của hành vi đó, thì có thể quy định và xử phạt trong nghị định xử phạt VPHC thuộc lĩnh vực khác. Trong trường hợp này, hình thức, mức xử phạt quy định phải thống nhất với quy định tại Nghị định xử phạt VPHC của lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng”.
[15] Trương Thị Tú Mỹ, “Kiến nghị hoàn thiện quy định về xử phạt VPHC đối với các vi phạm về giữ gìn vệ sinh công cộng”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 18, năm 2019, tr.55.
[16] Phạm Minh Khương, “Hoàn thiện quy định về xử phạt VPHC đối với các hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 19, năm 2020, tr. 32.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 19 (443), tháng 9/2021.)