Lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

Lĩnh vực môi trường 21/06/2021

Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020 với các quan điểm, cách tiếp cận mới, đột phá trong quản lý môi trường. Luật Bảo vệ môi trường 2020 có 16 chương, 171 điều quy định toàn diện, đầy đủ các quy định, yêu cầu về bảo vệ môi trường. Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 giao Chính phủ quy định chi tiết 65 nội dung cụ thể. Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (65 nội dung) và dự kiến Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 cùng thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định và chủ động, tích cực phối hợp các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, chuyên gia xây dựng, tham vấn và hoàn thiện dự thảo Nghị định. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản chính thức gửi lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương và tổ chức cá nhân; đồng thời đăng tải dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị định trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân.

Theo văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi lấy ý kiến rộng rãi tổ chức, cá nhân, dự thảo Nghị định gồm 11 nội dung sau đây: (1) Bảo vệ các thành phần môi trường; (2) Phân vùng môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; (3) Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; (4) Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn và một số lĩnh vực; (5) Quản lý chất thải; (6) Trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu(7) Quan trắc môi trường; (8) Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường; (9) Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại về môi trường; (10) Công cụ kinh tế và nguồn lực bảo vệ môi trường; (11) Quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra và dịch vụ công trực tuyến về bảo vệ môi trường.

Dự thảo Nghị định hiện nay đang tích hợp và thay thế, bãi bỏ 06 Nghị định của Chính phủ và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bao gồm: (1) Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; (2) Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường ;(3) Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu; (4) Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; (5) Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2015 quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường; (6) Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường; (7) Quyết định 16/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2015 quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về thủy lợi, tài nguyên nước, quản lý cát sỏi lòng sông…

Theo kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định trong tháng 8 năm 2021, trình Chính phủ trong tháng 9 năm 2021; dự kiến Nghị định sẽ được Chính phủ ban hành để có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Xem dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị định tại đây ( dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị địnhPhụ lục). Ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Nghị định xin vui lòng gửi về Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường (vuphapche.monre@gmail.com) – Trân trọng cảm ơn sự quan tâm và ý kiến góp ý của quý tổ chức, cá nhân!

Vụ Pháp chế