Tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về dự thảo quy định mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật bảo vệ môi trường
Lĩnh vực môi trường 20/06/2021
Ngày 16/6/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI tổ chức hội thảo trực tuyến tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật bảo vệ môi trường 2020
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Bộ TNMT và ông Đậu Anh Tuấn Trưởng Ban Pháp chế- VCCI đồng chủ trì hội thảo; tham dự Hội thảo trực tuyến có đại diện 300 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước; trong đó có sự tham gia đầy đủ của các ngành hàng chịu tác động trực tiếp của Nghị định gồm: ngành hàng điện-điện tử; pin-ắc-quy; dầu nhớt; săm lốp; phương tiện giao thông; bao bì; thuốc bảo vệ thực vật; kẹo cao su; tã bỉm; thuốc lá; nhựa dùng một lần.
Hội thảo cũng đã nghe các bài tham luận của đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia gồm: Ông Kim In Hwan, Cố vấn chính sách Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ông Fausto Tazzi, Phó Chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Tổng Giám đốc Công ty La Vie – Nestle Waters Vietnam; Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng; Ông Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC), Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam; Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban Kỹ thuật, Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA); Ông Richard F. Mann, Luật sư tư vấn Hiệp hội Kẹo cao su Quốc tế; Ông Edwin Seah, Giám đốc Chính sách công, Đối ngoại và Bền vững, Hiệp hội ngành thực phẩm châu Á; Ông Nguyễn Văn Việt Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam.
Sau bài phát biểu khai mạc của ông Đậu Anh Tuấn và ông Phan Tuấn Hùng. Hội thảo đã được nghe ông Phan Tuấn Hùng điểm lại quá trình xây dựng dự thảo Quy định và các nội dung của dự thảo Nghị định. Dự thảo quy định đã được khởi động xây dựng từ rất sớm, từ đầu năm 2019 với quá trình trình nghiên cứu, tham vấn, hội thảo có sự tham gia, đồng hành của IUCN, WWF, Rethinking Plastic, Bộ Môi trường Hàn Quốc, Greenhub, PRO Việt Nam, VCCI, VAMA, VAMM, Unilever, Đại sứ Australia; Đại sứ Hoang gia Na Uy.
Dự thảo quy định đã được gửi lấy ý kiến doanh nghiệp vào đầu tháng 5 năm 2021, tại Hội thảo này, ông Phan Tuấn Hùng đã trình bày các nội dung đã tiếp thu, các nội dung tiếp tục nghiên cứu để tiếp thu và các nội dung cần được giải trình cho rõ, cụ thể như sau:
Các góp ý đã tiếp thu: Quy định chi tiết định mức chi phí tái chế, công thức đóng góp tài chính (bỏ phí đăng ký); Hoàn thiện lại công thức tính tỷ lệ tái chế; Rà soát lại danh mục đối tượng, quy cách tái chế (phụ lục); Biên lai thu tiền hoặc hợp đồng ký kết là căn cứ thông quan sản phẩm, bao bì nhập khẩu; Bổ sung quy trình, trình tự cho hình thức nộp tiền vào Quỹ BVMTđể hỗ trợ tái chế; Điều kiện của nhà sản xuất, nhập khẩu tự tái chế và đơn vị tái chế; Bổ sung trách nhiệm công khai việc sử dụng kinh phí đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu; Bổ sung thời hạn cụ thể trong việc tiếp nhận, thẩm định và thông báo tài trợ kinh phí hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Bảo đảm số tiền đóng vào Quỹ BVMT (tái chế và xử lý) phải cao hơn việc tổ chức tái chế; Điều chỉnh lại mức truy thu và tiền chậm nộp khi vi phạm; Tài chính hoạt động của Văn phòng EPR Việt Nam và Quỹ BVMT Việt Nam; Minh bạch, công khai trong trường hợp Quỹ BVMT Việt Nam tiếp nhận, tái chế. Bổ sung thời hạn cụ thể trong việc tiếp nhận, thẩm định và thông báo tài trợ kinh phí hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Quy định sản phẩm, bao bì được tính theo kg hay đơn vị.
Các góp ý tiếp tục được nghiên cứu để tiếp thu, giải trình: Bên thứ ba (PRO) nên là tổ chức phi lợi nhuận hay không? Dự án/hoạt động được nhận tài trợ là các dự án/hoạt động phục vụ trực tiếp lợi ích cộng đồng, không vì lợi nhuận? Thẩm quyền kiểm tra của Văn phòng EPR Việt Nam? Trường hợp nhà sản xuất tái chế với quy cách tái chế cao hơn? Điều chỉnh các sản phẩm, bao bì được mua bán trực tuyến? Tỷ lệ tái chế và tỷ lệ thu hồi cần làm rõ? Nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn nhiều hình thức để thực hiện tái chế?
Các góp ý được giải trình: Bổ sung đối tượng là các nhà sản xuất, nhập khẩu nhỏ, siêu nhỏ (đăng ký); Chuyển trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì cho nhà sản xuất sản phẩm cuối cùng; Cho phép trao đổi phần chênh lệch tái chế giữa các nhà sản xuất; Quy định cụ thể về việc thu gom hay không? Bỏ quy định bảo lưu tỷ lệ tái chế vượt tỷ lệ bắt buộc (được mua bán)
Nội dung chủ yếu của dự thảo Nghị định là quy định về nhà sản xuất, xuất khẩu có trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải do việc thải bỏ các sản phẩm, bao bì được xác định tại 02 Phụ lục của Dự thảo Nghị định; quy định về việc xác định tỷ lệ tái chế bắt buộc và đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam nếu nhà sản xuất, nhà nhập khẩu không tự tổ chức thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý.
Nhà sản xuất, nhà nhập khẩu được lựa chọn một trong 2 hình thức sau để tái chế: (1) tổ chức tái chế hoặc (2) đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật bảo vệ môi trường). Đối với hình thức tổ chức tái chế, dự thảo Nghị định quy định chi tiết thành 3 hình thức gồm (i) tự tái chế; (ii) thuê đơn vị tái chế; (iii) ủy quyền cho bên thứ 3 để tổ chức tái chế; đồng thời cũng quy định điều kiện để lựa chọn và thực hiện theo các hình thức nêu trên. Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế đăng ký, báo cáo thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý trong đó có sự kiểm toán của đơn vị kiểm toán độc lập nhằm bảo đảm tính trung thực của kết quả tái chế. Để tổ chức vận hành hệ thống EPR, dự thảo Nghị định thiết kế Hội đồng EPR Quốc gia với các thành viên là các nhà quản lý, đại diện các nhóm ngành hàng và các chuyên gia môi trường; giúp việc cho Hội đồng có Văn phòng EPR Việt Nam, Văn phòng EPR Việt Nam là tổ chức của doanh nghiệp, do Bộ TNMT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo đề nghị của Hội đồng EPR Quốc gia. Mô hình thực hiện tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu như sau:
Hầu hết các doanh nghiệp đã sẵn sàng thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì sau sử dụng với các đóng góp rất cụ thể về tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế cũng như mức đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Các đại biểu tập trung thảo luận vào trình tự quản lý và tổ chức thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu; thảo luận về các sản phẩm, bao bì phải tái chế, xử lý; hầu hết đều đề xuất bổ sung các sản phẩm, bao bì có một số ý kiến đề nghị đưa mặt hàng kẹo cao su ra khỏi danh sách.
Xem lại Hội thảo trực tuyến tại: https://fb.watch/6934fFoeyp/
Theo đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự thảo Nghị định sẽ tiếp tục được lấy ý kiến nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, chuyên gia trong và ngoài nước trong thời gian tới. Toàn văn dự thảo Nghị định đang được công bố để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường tại đường linh sau:
- Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật bảo vệ môi trường trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ: Dự thảo văn bản (chinhphu.vn)
- Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật bảo vệ môi trường trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường Bộ Tài nguyên và Môi trường - Văn bản - Chi tiết văn bản dự thảo (monre.gov.vn)
Nguyễn Thi, Vụ Pháp chế- Bộ Tài nguyên và Môi trường
TIN LIÊN QUAN
- Hoàn thiện pháp luật để thực hiện các cam kết về môi trường theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
- Kinh nghiệm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn ở một số nước trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam
- Nâng cao năng lực quản lý ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam
- Trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường theo luật hình sự Việt Nam
- Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường - từ góc nhìn lý thuyết đến luật thực định của Việt Nam