Tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và hài hòa với quốc tế

Lĩnh vực môi trường 06/06/2019

Vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay trở nên bức xúc và cấp bách hơn bao giờ hết. Ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí,…ô nhiễm môi trường các Khu, Cụm công nghiệp, ô nhiễm môi trường nông thôn… Nhận thức rõ những thách thức to lớn đó, Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã rất quan tâm chỉ đạo tới công tác bảo vệ môi trường, tổ chức triển khai đồng bộ hiệu quả nhiều công cụ quản lý, giải pháp chính sách để từng bước chuyển từ thế bị động sang chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, đi đôi với tăng cường khắc phục, cải tạo, nâng cao chất lượng môi trường.

Môi trường nước ta vẫn đang chịu nhiều áp lực lớn từ hệ quả của một giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội nóng, chú trọng phát triển theo chiều rộng, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Nhiều dự án được kêu gọi đầu tư có nguồn phát thải lớn thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn năng lượng nhưng thiếu quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường. Hàng năm, có hàng nghìn dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, phát sinh hơn hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, hàng trăm nghìn tấn chất thải nguy hại tác động mạnh mẽ lên các thành phần môi trường, tạo ra những áp lực to lớn trong đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Các vấn đề môi trường ngày càng phức tạp, tăng nhanh cùng với nhiều vấn đề môi trường tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý, giải quyết sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, sức khỏe người dân.

Nhận thức rõ những thách thức to lớn đó, Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã rất quan tâm chỉ đạo tới công tác bảo vệ môi trường, tổ chức triển khai đồng bộ hiệu quả nhiều công cụ quản lý, giải pháp chính sách để từng bước chuyển từ thế bị động sang chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, đi đôi với tăng cường khắc phục, cải tạo, nâng cao chất lượng môi trường. Cụ thể như: nâng cao chất lượng công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, qua đó yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung các biện pháp giảm thiểu tác động có hại đến môi trường, kiến nghị xem xét kỹ, thậm chí dừng triển khai đối với nhiều dự án lớn, có nguy cơ tiềm ẩn đến môi trường; thành lập các tổ giám sát đối với các cơ sở, dự án lớn, buộc lắp đặt các hạng mục công trình cải thiện bổ sung về bảo vệ môi trường. Tăng cường hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các khu vực tập trung nhiều nguồn thải như khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, khu vực đô thị; đã có trên 80% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung (số còn lại, các cơ sở phải tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường); 85,5% chất thải rắn đô thị, 90% chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đúng quy định; tỷ lệ chất thải được tái chế liên tục tăng. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đã đạt 12%, tăng khoảng 5% so với năm 2010. Đã khắc phục, cải tạo và phục hồi 60 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật; xử lý trên 300 bệnh viện, bãi rác, kho thuốc bảo vệ thực vật, 92% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; phát hiện và kiểm soát chặt chẽ trên 400 khu vực môi trường bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu.

Các giải pháp triển khai trong thời gian tới:

Tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và hài hòa với quốc tế. Rà soát, xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Tăng cường đầu tư xây dựng và thực hiện các chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường thông qua triển khai xây dựng Đề án về quan trắc, cảnh báo về môi trường vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường giai đoạn 2018 - 2025, định hướng 2030.

Xây dựng và triển khai hoạt động giám sát đối với các cơ sở, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nhất là trong thu hút đầu tư vào các khu vực nhạy cảm về môi trường. Triển khai kiểm soát với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Triển khai điều tra, đánh giá, phân loại, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải trên phạm vi cả nước.

Thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn, trong đó chú trọng việc giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, xây dựng và nhân rộng các mô hình xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng, sản xuất phân bón. Tăng cường nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa công nghệ và sản xuất thiết bị tái chế, xử lý chất thải rắn.

Tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vi phạm; tiếp tục duy trì hoạt động, phát huy hiệu quả của đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường.

Xây dựng cơ chế đột phá huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa bảo vệ môi trường, thực hiện đúng nguyên tắc “người được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho công tác bảo vệ môi trường; người gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phải bồi thường, chi trả chi phí xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường”; có chính sách sử dụng nguồn thu từ môi trường được đầu tư trở lại cho môi trường; cơ chế thuế, phí, giá về môi trường phù hợp, thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường.

Tăng cường năng lực quản lý môi trường từ trung ương đến địa phương. Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, kết nối giữa Trung ương và địa phương, đối thoại giữa cơ quan quản lý về môi trường với người dân và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh giám sát các tác động môi trường xuyên biên giới, nhất là các tác động do mở cửa thương mại kinh tế, tình trạng dịch chuyển công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu từ các nước trong khu vực, trên thế giới vào Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.