Hiện nay, tình trạng chất thải rắn phát sinh có xu hướng gia tăng, trong đó nổi cộm là vấn đề thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt hiện nay tăng lên cả ở đô thị và nông thôn, trong đó chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp, đốt, sản xuất phân compost hoặc kết hợp các hình thức trên, nhưng xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp vẫn là chủ yếu (chiếm 70% lượng chất thải được thu gom), điều này đã và đang gây áp lực lớn đến môi trường.
Tình trạng chất thải rắn phát sinh có xu hướng gia tăng
Trước tình hình ô nhiễm môi trường do chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt gây ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường trong đó có việc quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt như: Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015 về quản lý chất thải rắn và phế liệu; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải bãi chôn lấp chất thải rắn-QCVN 25:2009/BTNMT; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đối chất thải rắn sinh hoạt-QCVN 61-MT:2016/BTNMT… Đặc biệt, trong năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/05/2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chú trọng đến việc quản lý tổng hợp chất thải rắn là quản lý toàn bộ vòng đời chất thải từ khi phát sinh đến khi xử lý cuối cùng, bao gồm phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý cuối cùng nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước; chất thải rắn phát sinh phải được quản lý theo hướng coi tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn; khuyến khích xử lý chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp với thu hồi năng lượng, tiết kiệm đất đai và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của từng địa phương và đất nước. Đối với nước thải sinh hoạt, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra một số giải pháp và kiến nghị như: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chú trọng phân công trách nhiệm các Bộ, ngành và địa phương trong công tác quản lý nước thải, nước thải sinh hoạt; rà soát, điều chỉnh và bổ sung các quy hoạch chuyên ngành thoát nước và xử lý nước thải; hoàn thiện cơ chế trợ giá tiêu thụ nước sạch, giá dịch vụ xử lý nước thải phù hợp với từng giai đoạn, từng địa phương theo nguyên tắc điều chỉnh giảm dần sự hỗ trợ của nhà nước đối với xử lý nước thải sinh hoạt.
Xử lý chất thải ở nông thôn cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Về hoạt động nghiên cứu khoa học, liên tục trong nhiều năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ưu tiên bố trí 01 Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về “Nghiên cứu khoa học phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai” KC08; chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển các công nghệ xử lý rác, đánh giá xem xét giới thiệu các công nghệ phù hợp để tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận. Cụ thể: Bộ Xây dựng đã hỗ trợ nghiên cứu hoàn thiện dây chuyền xử lý tạo viên đốt, thẩm định công nhận 05 công nghệ phù hợp[1] để triển khai nhân rộng; Bộ Công Thương thực hiện hỗ trợ nghiên cứu chế tạo tổ hợp thiết bị phân loại tự động rác thải rắn đô thị công suất từ 10-12 tấn/giờ; Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng riêng 01 chương trình khoa học và hỗ trợ hoàn thiện công nghệ lò đốt rác thải sinh hoạt có thu hồi nhiệt (công nghệ ENVIC-đã được ứng dụng vào dự án nhà máy xử lý rác thải Xuân Sơn, Sơn Tây, Hà Nội); công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật ưa nhiệt để xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại các nhà máy xử lý rác (sản phẩm được ứng dụng hiệu quả tại nhà máy chế biến phân bón từ chất thải Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh[2], nhà máy xử lý và chế biến chất thải Việt Trì, Phú Thọ…).
Về hoạt động thẩm định công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn và thẩm định các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đánh giá, thẩm định 18 công nghệ xử lý chất thải rắn đang sử dụng tại Việt Nam để tạo điều kiện áp dụng trong thực tế; công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn được tăng cường, đến nay đã thẩm định và công bố 18 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan đến thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng trong xử lý rác, bảo vệ môi trường.
Về hoạt động sở hữu trí tuệ, trong vòng 10 năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhận được tổng số 409 đơn đề nghị cấp sở hữu trí tuệ liên quan đến xử lý chất thải, số đơn được cấp là 78, trong đó có sáng chế cho “quy trình công nghệ, hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt tiêu hủy có thu hồi nhiệt” của công ty ENSERCO; bằng sáng chế cho “chuyển hóa viên nhiên liệu từ pha rắn sang pha khí” của công ty Thủy lực máy; sở hữu trí tuệ về giải pháp, kiểu dáng cho lò đốt rác LOSIHO, TH15, BD-ANPHA…
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom; không đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rác sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các Bộ liên quan, địa phương và doanh nghiệp thực hiện đánh giá, lựa chọn công nghệ xử lý trong nước, thí điểm mô hình xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CTT-TTg ngày 31/8/2016 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; tiếp tục thống kê, thu thập các thông tin, tài liệu đã tiến hành đánh giá một số công nghệ xử lý chất thải rắn hiện đại đã được triển khai tại Việt Nam, trong đó có điện rác. Dự kiến sau khi các nhà máy điện rác được đưa vào vận hành chính thức và phát điện lên lưới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thực tế kiểm tra và đánh giá lại tổng thể công nghệ của một số dự án, xác định định mức phát điện, tính hiệu quả của các công nghệ, xem xét khả năng nội địa hóa và nhân rộng tại Việt Nam.