Quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) quốc gia sẽ là căn cứ thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư của từng vùng phù hợp yêu cầu bảo vệ môi trường, định hướng ưu tiên lĩnh vực, công nghệ đầu tư phù hợp với quy hoạch môi trường.
Báo cáo tham luận tại hội nghị, TS. Hoàng Hồng Hạnh (Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Đến nay, đã có 2/3 các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế áp dụng “Quy hoạch môi trường quốc gia” hoặc “Chiến lược môi trường quốc gia”. Mỗi quốc gia lại có cách tiếp cận khác nhau nhằm kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng kinh tế - xã hội, ngăn ngừa ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường.
Toàn cảnh hội thảo
Các công cụ được sử dụng như quy hoạch không gian, phân vùng chức năng sinh thái, … được coi như những công cụ đắc lực cho việc định hướng phát triển lãnh thổ. Công tác quy hoạch hiện nay cũng đã khắc phục được nhược điểm của quy hoạch truyền thống là bỏ qua khả năng chịu tải của môi trường, giúp việc thực hiện quy hoạch không gian được khoa học, hợp lý hơn.
Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về cơ sở lý luận và phương pháp luận về quy hoạch môi trường/ quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) khẳng định vai trò của phân vùng môi trường. Ở quy mô tỉnh, nước ta đã có khoảng 20 địa phương nghiên cứu, xây dựng quy hoạch môi trường/ quy hoạch bảo vệ môi trường. Ở quy mô vùng, chúng ta đã có quy hoạch môi trường lưu vực hệ thống sông Cầu, Nhuệ - Đáy, Đồng Nai đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, quy hoạch môi trường đồng bằng sông Hồng. Các quy hoạch này hầu hết đã áp dụng cách tiếp cận tổng hợp, hệ thống và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các loại hình quy hoạch phát triển hiện nay cũng chưa có sự gắn kết giữa định hướng phát triển kinh tế - xã hội với các yêu cầu về quản lý, bảo vệ môi trường tự nhiên, sinh thái, môi trường sống và các giá trị bảo tồn văn hóa lịch sử; thiếu các cơ chế, công cụ quản lý, bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đối với từng vùng, từng lĩnh vực, hoạt động cụ thể; thiếu sự phân vùng, định hướng bảo vệ môi trường. Có rất nhiều quy hoạch phát triển trên cùng một vùng lãnh thổ có sự mâu thuẫn, chồng chéo về phạm vi, định hướng và giải pháp thực hiện dẫn đến thiếu khả thi khi triển khai thực tế và thường phải điều chỉnh phương án quy hoạch do không đáp ứng các tiêu chí phát triển được đề xuất khi lập quy hoạch. Dẫn đến sự phá vỡ cân bằng giữa bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị lịch sử văn hóa …
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh: Các quy hoạch ở nước ta hiện nay chưa thống nhất về nội dung, quy trình, cách tổ chức thực hiện… chủ yếu dựa trên cách tiếp cận địa lý, chưa thể hiện được các yếu tố môi trường trong quy hoạch; chủ yếu tập trung vào giải quyết các vấn đề xử lý chất thải, ô nhiễm môi trường nhưng chưa bao quát hết các vấn đề BVMT lãnh thổ, chưa dựa trên sức chịu tải của môi trường; các vấn đề môi trường vẫn bị đặt sau các mục tiêu tăng trưởng. Việc lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia sẽ làm giảm sự mâu thuẫn và chồng chéo giữa các quy hoạch phát triển đã, đang và sẽ thực hiện trong cùng một vùng quy hoạch.
TS. Nguyễn Như Dũng (Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường) cho rằng, trong quy hoạch BVMT quốc gia, cần thiết kế khung giám sát chất lượng môi trường không khí một cách phù hợp, là công cụ hữu ích phục vụ đánh giá hiệu quả, điều chỉnh phù hợp đối với công tác quy hoạch BVMT…
Kết thúc hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài khẳng định, Quy hoạch môi trường quốc gia sẽ là công cụ quan trọng định hình công tác BVMT và điều tiết phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thân thiện với môi trường. Nó bao gồm quy hoạch tổng thể quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch mang tính chất kỹ thuật chuyên ngành. Mục đích, yêu cầu của quy hoạch BVMT được đặt ra là thống nhất quy hoạch theo không gian của công việc liên quan đến BVMT; định hướng công tác BVMT, có điều tiết, giải quyết các xung đột giữa BVMT và phát triển… Thời gian tới, Tổng cục mong muốn các đại biểu tiếp tục nghiên cứu dự thảo nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia và gửi các ý kiến góp ý về cho Tổng cục Môi trường.