Tổ chức Hội thảo “Quản lý nhà nước về chất thải rắn” và “Mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt”

Lĩnh vực môi trường 05/06/2019

Hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức để các đơn vị quản lý ở Trung ương, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội và các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp cùng tham gia thảo luận nhằm giúp các nhà quản lý có cái nhìn tổng quan về công tác quản lý chất thải rắn thời gian qua, các mô hình quản lý và công nghệ trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đồng thời đưa ra những định hướng sắp tới trong công tác quản lý chất thải rắn. Kết quả của các Hội thảo là cơ sở để tổng hợp, tổ chức Hội nghị toàn quốc về quản lý chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, trên cơ sở đó xây dựng dự thảo Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về quản lý chất thải rắn.

 

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu khai mạc Hội thảo "Quản lý nhà nước về chất thải rắn"

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh tới các bất cập, khó khăn và hạn chế trong công tác quản lý chất thải rắn (CTR)hiện nay. "Thời gian qua, sự gia tăng dân số cùng với phát triển kinh tế - xã hội đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng, đồng thời làm gia tăng lượng CTR phát sinh, với thành phần ngày càng phức tạp đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý CTR ở Việt Nam. Mặc dù, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt vẫn tăng hàng năm, nhưng do lượng CTR phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, cùng với ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom vẫn chưa đạt yêu cầu. Do đó, công tác quản lý CTR còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên nhiều địa phương".

Trước thực trạng nêu trên, tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 01 năm 2019, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về CTR; giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn.

"Hội thảo quản lý nhà nước về CTR là một trong chuỗi các hoạt động được Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhằm triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 09/NQ-CP nói trên. Song song với việc tổ chức các Hội thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về CTR, trong đó tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chiến lược, kế hoạch về CTR; tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng công tác quản lý CTR trên phạm vi cả nước; chuẩn bị nội dung để tổ chức Hội nghị toàn quốc về CTR; hoàn thiện Đề án truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về CTR. Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng các Đề án Tăng cường năng lực quản lý CTR tại Việt Nam, tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam" - Thứ trưởng cho biết thêm.

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo "Quản lý nhà nước về chất thải rắn"

Trước các bất cập trong công tác quản lý CTR hiện nay, Thứ trưởng cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương và cũng là vấn đề đã được các Đại biểu quốc hội và cử tri cả nước hết sức quan tâm, chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, đặc biệt là tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Do đó, việc đề xuất được mô hình quản lý thống nhất về CTR cũng như các giải pháp quản lý, công nghệ xử lý CTR nhằm kiểm soát, giải quyết có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường do CTR dự kiến được nhiều tổ chức, cá nhân và xã hội mong đợi.

Báo cáo “Kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất phương án thống nhất quản lý nhà nước về CTR”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh báo cáo tổng hợp một số vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ về quản lý CTR thời gian qua như: Việc thiếu các quy định về cơ chế phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc ban hành các quy định để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật về quản lý CTR, đặc biệt sau khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định hình thức Thông tư liên tịch; việc giao Bộ Xây dựng một số nội dung về CTR sinh hoạt sẽ dẫn đến những giao thoa, chồng chéo, thiếu thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về CTR. Cùng với đó Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ yếu chịu trách nhiệm ban hành đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải khi phát thải ra môi trường (chủ yếu là nước thải, khí thải) và chất thải nguy hại; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến việc quản lý chất thải (phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt, tái chế, tái sử dụng chất thải v.v.) đang được giao cho Bộ Xây dựng và các Bộ chuyên ngành nhưng không có cơ chế phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường dẫn đến việc không thống nhất trong quản lý CTR.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh báo cáo tại Hội thảo "Quản lý nhà nước về chất thải rắn"

Trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật này, Tổng cục Môi trường đang đề nghị xem xét, sửa đổi Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm chuyển chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về CTR thông thường tại đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; ...từ Sở Xây dựng sang Sở Tài nguyên và Môi trường để bảo đảm tính thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Tổng cục cũng đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về CTR của các Bộ, ngành, địa phương theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (quy định các biện pháp để thực hiện chính sách về môi trường thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ).

Cần có giải pháp đột phá trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Phát biểu tại Hội thảo “Mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh hiện nay tại các khu đô thị vào khoảng 38.000 tấn/ngày và tại khu vực nông thôn vào khoảng 32.000 tấn/ngày. Trong đó, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải tại khu vực đô thị đạt khoảng 85%; tại khu vực nông thôn còn thấp, trung bình đạt khoảng 40-55%. Công tác vận chuyển hiện còn gặp nhiều khó khăn, các bãi chôn lấp chất thải thường ở xa khu dân cư làm tăng chi phí vận chuyển. Trong khi đó, mức phí vệ sinh môi trường thu từ các hộ gia đình hiện nay mới chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển. Phương pháp xử lý CTRSH hiện nay chủ yếu là chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng 30% các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Ngoài ra, trên cả nước hiện có khoảng 30 cơ sở xử lý chất thải thành phân mùn hữu cơ (compost) và gần 300 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (chủ yếu là lò đốt rác cỡ nhỏ, quy mô cấp xã). Việc đầu tư và xây dựng các khu xử lý chất thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh mới chỉ thực hiện ở một số tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo "Mô hình xử lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt"

Bên cạnh nội dung về quản lý nhà nước về CTR, một vấn đề nổi lên trong công tác quản lý chất thải rắn hiện nay là lựa chọn mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) cho phù hợp, do vậy, tại Hội thảo này, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề về các kinh nghiệm trong nước và quốc tế; phân tích những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc đang gặp phải của các địa phương trong công tác quản lý CTRSH (bao gồm việc giảm thiểu phát sinh, phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý và việc lựa chọn mô hình quản lý và công nghệ xử lý phù hợp). Đồng thời làm rõ được các ưu điểm cũng như tồn tại, hạn chế của các mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay tại Việt Nam; các đề xuất, kiến nghị và giải pháp để tăng cường công tác quản lý CTRSH trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội thảo "Mô hình xử lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt"

Báo cáo công tác quản lý CTRSH tại Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường, Nguyễn Thượng Hiền cho biết, hiện nay công tác quy hoạch chất lượng chưa cao; dự báo chưa chính xác, quy hoạch thiếu yếu tố liên kết vùng; tổ chức triển khai còn chậm, thiếu nguồn lực để thực hiện quy hoạch cơ chế thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, xử lý CTRSH còn chưa minh bạch, chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư cho thu gom, xử lý chất thải rắn SH; đơn giá xử lý CTRSH nhiều địa phương còn thấp; chưa có định hướng triển khai công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp cho từng loại công nghệ xử lý; chưa có hướng dẫn kỹ thuật (hoặc tiêu chuẩn/quy chuẩn) về các phương tiện thu gom, vận chuyển.

Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền báo cáo tại Hội thảo "Mô hình xử lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt"

Về phân công trách nhiệm ở cấp trung ương chưa có đầu mối tổng thể chỉ đạo triển khai các hoạt động quản lý CTRSH. Ở cấp địa phương, nhiều cơ quan không đủ nhân lực để quản lý; nhiều thành phố phân cấp cho xã, huyện quản lý. Nhận thức của đa số người dân còn hạn chế, nhiều nơi chưa tích cực tham gia vào các hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, chưa đóng phí vệ sinh môi trường đầy đủ.

Về định hướng trong công tác quản lý về CTRSH trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường đề xuất: Đối với cấp Trung ương cần xây dựng, ban hành danh mục công nghệ xử lý CTRSH và tiêu chí lựa chọn công nghệ để hướng dẫn các địa phương lựa chọn cho phù hợp với điều kiện; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về các phương tiện thu gom, vận chuyển; hoàn thiện các quy định hướng dẫn về phương pháp định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng, hoàn thiện Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn ở Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và triển khai các mô hình về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.

Đối với các địa phương cần tập trung các nguồn lực để giải quyết các vấn đề bức xúc về chất thải tại địa phương; mở rộng phạm vi thu gom CTRSH nông thôn; thu hút đầu tư cơ sở xử lý CTRSH có công nghệ hiện đại, thu hồi năng lượng; nghiên cứu áp dụng các cơ chế đầu thầu cạnh tranh khi lựa chọn các chủ đầu tư để tạo cơ chế cạnh tranh, minh bạch; huy động được nguồn lực của toàn xã hội trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; rà soát, ban hành đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải cho phù hợp chi phí thực tế; triển khai, từng bước thực hiện bắt buộc phân loại tại nguồn trên các đô thị.

Ông Đinh Nam Vinh, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tham luận tại Hội thảo "Mô hình xử lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt"

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, ông Đinh Nam Vinh, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất: Việc quy hoạch quản lý chất thải rắn cần phải được triển khai đồng bộ, cần có quy hoạch các điểm tập trung, trạm trung chuyển chất thải rắn cho đô thị. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước cần khuyến khích sử dụng công nghệ xử lý chất thải rắn theo xu hướng tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng từ chất thải rắn nhằm giảm thiểu tối đa lượng đốt, xả thải. Cần ưu tiên các nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung, công nghệ hiện đại và công suất đủ lớn, đặc biệt các nhà máy áp dụng công nghệ điện rác tiên tiến. Ngoài ra, việc thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, có tuyến thu gom riêng từng loại chất thải rắn, vận chuyển theo lộ trình được quy hoạch hợp lý đóng một vai trò quan trọng cho các công đoạn xử lý tiếp theo. Đặc biệt, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thông qua chương trình giáo dục ở trường học và các phương tiện thông tin đại chúng để người dân phân loại rác ngay tại nguồn. Về giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cần có cơ chế ưu tiên cho các dự án áp dụng công nghệ điện rác tiên tiến..

Tiến sỹ Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TNMT phát biểu tại Hội thảo "Mô hình xử lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt"

Tiến sỹ Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, cần tiếp cận theo nguyên tắc coi chất thải là tài nguyên; phát triển nền kinh tế tuần hoàn; tăng cường giảm thiểu phát sinh, thúc đẩy tái chế, thu hồi năng lượng; giảm chôn lấp; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; tăng cường thực thi các quy định pháp luật;; cần tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá, dự báo về tình hình phát sinh, quản lý CTR cho các vùng/miền/địa phương từ đó lựa chọn các mô hình/công nghệ xử lý CTR phù hợp; phải hoàn thiện cơ chế tài chính trong quản lý CTR để huy động sự tham gia của tư nhân.. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tái chế phân vi sinh ứng dụng cho phát triển nông nghiệp hữu cơ; xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý CTR làm cơ sở để hoạch định chính sách và chiến lược, quy hoạch về quản lý CTR.

Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương trình bày Công nghệ ủ CTRSH thu khí Biogas sản xuất điện

Tại Hội thảo các đại biểu cũng được nghe các doanh nghiệp xử lý chất thải trình bày các công nghệ xử lý CTRSH bằng các phương pháp: Đốt rác phát điện; xử lý thành phân vi sinh, công nghệ xử lý bằng phương pháp đốt thông thường; xử lý bằng phương pháp chôn lấp; công nghệ xử lý để sản xuất biogas và phân bón hữu cơ... Các đại biểu cũng đã tập trung phân tích các mô hình quản lý cũng như các công nghệ hiện nay đang được áp dụng trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Bên cạnh đó các chuyên gia cũng đã chia sẻ hoạt động thẩm định công nghệ và một số nhiệm vụ nghiên cứu liên quan đến công nghệ xử lý chất thải rắn của Bộ Khoa học và Công nghệ và kinh nghiệm trong triển khai “Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020” của Bộ Xây dựng.