Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp
Ngày 11/7, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp Ban biên tập, Tổ soạn thảo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (thay thế Quyết định số 78/2014/QĐ-TTg ngày 26/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ).
Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ và được tổ chức hoạt động theo Quyết định số 78/2014/QĐ-TTg ngày 26/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian qua, hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (Quỹ BVMT Việt Nam) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hỗ trợ cho nhiều chương trình, hoạt động bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc. Tính đến hết ngày 31/12/2018, Quỹ đã cho vay 293 dự án; tài trợ cho 68 dự án và hoạt động bảo vệ môi trường; hỗ trợ giá điện gió nối lưới cho 05 dự án; hỗ trợ hoạt động và dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM); trợ giá sản phẩm CDM; thu lệ phí bán/chuyển chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (CERs); vận động tài trợ và chi hỗ trợ từ nguồn vận động tài trợ. Ngoài ra, Quỹ còn tích cực tham gia nhiều hoạt động bảo vệ môi trường với các tổ chức trong và ngoài nước; tiếp nhận nguồn vốn cho vay lại từ Ngân hàng thế giới (WB) để cho vay đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Nam Định và Hà Nam,…
Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam Nguyễn Đức Thuận báo cáo tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam Nguyễn Đức Thuận cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, Quỹ BVMT Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn do hạn chế về vốn hoạt động và bất cập trong cơ chế chính sách. Hiện tại, hoạt động hỗ trợ tài chính của Quỹ mới chỉ tập trung chủ yếu vào nghiệp vụ cho vay với lãi suất ưu đãi; nghiệp vụ tài trợ cho các hoạt động khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường do thiên tai, dịch bệnh, sự cố tràn dầu và hỗ trợ một số hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, giải thưởng môi trường.
Cùng với đó, theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long và thích ứng với biến đổi khí hậu có chủ trương thành lập Quỹ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long với chức năng và nhiệm vụ: bảo đảm an ninh tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm huy động tối đa các nguồn lực, đặc biệt là vốn ngoài ngân sách
Với chức năng, nhiệm vụ và bộ máy, nhân lực hiện có, Dự thảo Quyết định đề xuất bổ sung chức năng, nhiệm vụ thực hiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi; tài trợ, đồng tài trợ đối với các chương trình, dự án, nhiệm vụ bảo đảm an ninh tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long và bổ sung chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ 10% tổng vốn đầu tư thiết bị triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường.
Mặt khác, hiện nay, nguồn vốn điều lệ và các nguồn vốn có thể cho vay khác của Quỹ chưa đáp ứng đủ nhu cầu hỗ trợ vốn đầu tư dự án bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực ưu tiên nhất, thậm chí ngay ở các khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý; chưa tính đến việc xây dựng các chương trình, dự án hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên diện rộng. Theo tính toán, nguồn vốn cho vay hiện có chỉ vừa đủ để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giải ngân vốn vay năm 2019 và sẽ có nguy cơ thiếu vốn trong các năm tiếp theo. Vì vậy, để bảo đảm đủ vốn hoạt động thực hiện nhiệm vụ cho vay và tài trợ từ nay đến năm 2021, ngoài việc tự bổ sung vốn hoạt động từ quỹ đầu tư phát triển, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cần được ngân sách nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn tài trợ, hỗ trợ lãi suất. Do vậy, việc sửa đổi các quy định về nguồn vốn của Quỹ là cần thiết và cấp bách để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn quốc.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Thuận cũng nêu ra các nội dung còn có ý kiến khác nhau để Ban soạn thảo, Tổ biên tập cho ý kiến, trong đó các nội dung chính về mô hình hoạt động của Quỹ nên theo mô hình hiện nay hay mô hình vận dụng cơ chế tài chính của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ? Có nên tích hợp Quỹ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long hay không? Các lĩnh vực hoạt động, hoạt động cho vay và việc tăng vốn điều lệ của Quỹ.
Toàn cảnh cuộc họp
Sau khi nghe ý kiến góp ý, thảo luận của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, Việt Nam hiện đang phát triển nhanh về kinh tế, du lịch, giao thông, sự phát triển mạnh của công nghiệp hóa, đô thị hóa làm gia tăng sức ép lên môi trường. Với quan điểm phát triển bền vững, Chính phủ đã đặt kinh tế - xã hội - môi trường là 3 nhiệm vụ trọng tâm để tập trung nguồn lực. Trong thời gian qua, Quỹ BVMT Việt Nam đã làm tốt vai trò của mình trong việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cấp, các nguồn tài trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn quốc.
Để đáp ứng tình hình mới, việc sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong tổ chức và hoạt động của Quỹ BVMT Việt Nam là cần thiết. Đối với mô hình hoạt động của Quỹ, do tính đặc thù của Quỹ BVMT Việt Nam có các hoạt động hỗ trợ bảo vệ môi trường các vùng bão lũ, thiên tai do vậy, Quỹ BVMT Việt Nam cần tích cực phối hợp với Vụ Pháp chế nghiên cứu kỹ để tham mưu cho Bộ trình Chính phủ lựa chọn mô hình quản lý hiệu quả và tốt nhất cho xã hội, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Việc tích hợp Quỹ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào Quỹ BVMT Việt Nam là đảm bảo thống nhất một đầu mối, tiết giảm bộ máy, huy động được nguồn vốn từ trong nước và của các tổ chức quốc tế; với tổ chức bộ máy, kinh nghiệm và nguồn lực hiện có của Quỹ sẽ đảm bảo thực thi Nghị quyết số 120/NQ-CP hiệu quả và đúng tiến độ.
Cùng với đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu Quỹ BVMT Việt Nam cần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, đẩy mạnh cải cách trong hoạt động và quy trình xử lý công việc đáp ứng yêu cầu mới, đảm bảo hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn quốc và bảo đảm an ninh tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.