Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đa dạng sinh học ở Việt Nam đã và đang bị suy giảm nhanh ở cả ba cấp độ hệ sinh thái, loài và nguồn gen. Từ nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia ký kết và thực hiện các cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, đặc biệt chú trọng đến công tác bảo tồn các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm. Quốc hội cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa các cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Mặc dù đã đạt được những thành tựu nổi bật, đa dạng sinh học ở Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với các mối đe doạ về mất, chia cắt môi trường sống, săn bắn, bẫy, bắt và buôn bán trái pháp luật các loài động vật hoang dã, ô nhiễm môi trường, xâm lấn của các loài ngoại lai xâm hại và biến đổi khí hậu. Các mối đe dọa này tác động nghiêm trọng tới sự tồn tại của các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm, trong đó có các loài rùa tại Việt Nam.
Một cá thể rùa được bày bán trên đường phố
Các loài rùa bị buôn bán trái phép với số lượng lớn từ những năm 1980 của thế kỷ trước và chịu tác động nặng nề của Cuộc khủng hoảng rùa châu Á vào những năm 1990. Theo một số báo cáo về tình trạng buôn bán rùa ở Việt Nam, ước lượng khoảng 200.000 cá thể (tương đương với khoảng 165 - 270 tấn) rùa cạn và rùa nước ngọt bị buôn bán trái phép từ Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 1993 (Duc and Broad, 1995). Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, bảo tồn và thực thi pháp luật đối với các loài rùa cạn và rùa nước ngọt vẫn chưa được quan tâm, chú trọng đầu tư đúng mức. Chính vì vậy, hiện nay các loài rùa của Việt Nam vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng do nạn săn bắt, buôn bán trái phép; mất, suy giảm và chia cắt môi trường sống; ô nhiễm môi trường; nhân nuôi thương mại thiếu kiểm soát... Để ngăn chặn sự suy giảm, phục hồi và phát triển ben vững các quân thệ rùa ngoài tự nhiên, cần phải xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về bảo tồn các loài rùa nguy cấp tại Việt Nam.
Thực hiện Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và Nghị định số 160/2013/NĐ- CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng dự thảo “Chương trình quốc gia về bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Chương trình này được xây dựng nhằm thực hiện các mục tiêu bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm và bảo tồn đa dạng sinh học của Chính phủ; cụ thể hoá các hành động bảo tồn các loài rùa, đặc biệt đối với các loài rùa nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, góp phần nâng cao nhận thức cho các cơ quan, tố chức, cá nhân và cộng đồng về sự cần thiết phải bảo tồn các loài rùa của Việt Nam.
Mục tiêu của chương trình nhằm: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được hoàn thiện tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn các loài rùa nguy cấp; Tăng cường các hoạt động điều tra, đánh giá, nghiên cứu về các loài rùa nguy cấp, đặc biệt đối với các loài rùa nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Xây dựng mô hình, thiết lập, quản lý hiệu quả các khu vực bảo vệ; công tác cứu hộ; nhân nuôi bảo tồn các loài rùa nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được thực hiện hiệu quả; Tăng cường hiệu quả công tác quản lý và thực thi pháp luật về bảo tồn các loài rùa nguy cấp; Nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn các loài rùa nguy cấp.
Chương trình cũng đề ra các nhiệm vụ như: Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn các loài rùa nguy cấp, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn các loài rùa nguy cấp, đặc biệt là các loài rùa thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các trang trại. Quản lý, kiểm soát hiệu quả tình trạng khai thác, đánh bắt, buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ trái phép và mua bán trực tuyến trên các mạng xã hội các loài rùa được bảo vệ; Tăng cường các hoạt động điều tra, đánh giá, nghiên cứu về các loài rùa nguy cấp; cập nhật phân loại học và đề xuất tình trạng bảo tồn của các loài rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam đối với Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ IUCN; Xây dựng mô hình, thiết lập, quản lý hiệu quả các khu vực bảo vệ; duy trì, phục hồi quần thể; hỗ trợ công tác cứu hộ; nhân nuôi bảo tồn các loài rùa nguy cấp; Tăng cường hiệu quả công tác quản lý và thực thi pháp luật về bảo tồn các loài rùa nguy cấp;Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn, ngăn ngừa các hoạt động săn bắt, buôn bán trái phép các loài rùa nguy cấp.
Để tăng cường việc quản lý, bảo tồn các loài rùa biển nguy cấp, quý, hiếm và là một phần không thể thay thế của các hệ sinh thái biển, Chính phủ Việt Nam đã tham gia cam kết quốc tế về bảo tồn rùa biển
Chương trình đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ giúp Thủ tướng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình.
Chương trình cũng đề nghị các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế hoạt động liên quan đến bảo tồn các loài rùa, các doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng và cá nhân tham gia giám sát và đánh giá các hoạt động bảo tồn các loài rùa nguy cấp; tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo tồn các loài nguy cấp và được tạo điều kiện tham gia và chủ động đề xuất, thực hiện các chương trình, dự án về bảo tồn rùa./.