Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Quản lý chất thải rắn đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn”
Chất thải rắn đô thị và sự cần thiết áp dụng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Trong thời gian qua, sự gia tăng dân số cùng với phát triển kinh tế - xã hội đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng, đồng thời làm gia tăng lượng phát sinh chất thải rắn, với thành phần ngày càng phức tạp đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý chất thải rắn ở Việt Nam. Chất thải rắn sinh hoạt đô thị năm 2015 đã tăng gấp 1,6 lần so với năm 2010, dự đoán năm 2020 sẽ tăng gấp 2,37 lần và năm 2025 là 3,2 lần của năm 2010. Bình quân chất thải rắn/đầu người tăng (0,95kg/người/ngày năm 2009 lên l,6kg/người/ngày năm 2025). Hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải rắn là vấn đề lớn đối với các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương.
Ông Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lươc, Chính sách Tài nguyên và Môi trường; Ông Trần Bình Trọng, Vụ trưởng Vụ KHCN Bộ TNMT; Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân; Ông Kim In Hwan, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc; Ông Sunil Herat, Trường Đại học Griffith, Australia đồng chủ trì Hội thảo
Nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý chất thải rắn, Chính phủ đã ban hành các Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định về Chiến lược, quy hoạch quốc gia về quản lý tổng hợp, Quy hoạch khu xử lý chất thải rắn; đặc biệt Chỉ thị số 23/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp.
Với vai trò là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường môi trường, đặc biệt là quản lý chất thải rắn; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng được hành lang pháp lý, công cụ trong quản lý chất thải rắn, dần dần từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn đô thị, đưa các công nghệ tiên tiến trên thế giới về xử lý chất thải rắn vào Việt Nam, góp phần không nhỏ trong việc nỗ lực giảm thiểu chất thải rắn tại các đô thị trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, việc ban hành các chính sách, thể chế trong công tác quản lý chất thải rắn đã từng bước đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, để công tác quản lý chất thải rắn đô thị đạt hiệu quả cao, cần có sự học hỏi kinh nghiệm quốc tế, bắt nhịp với các phương thức, công cụ quản lý tiên tiến trên thế giới, cũng như tìm hiểu, ứng dụng các công nghệ hàng đầu trong việc xử lý chất thải rắn đô thị. Để làm được điều này, cần có sự quan tâm đúng mức, có cách tiếp cận mới: “coi rác thải là nguồn tài nguyên, quản lý chất thải rắn phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn”.
Nếu như kinh tế sản xuất thông thường bắt đầu từ khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng là thải bỏ, kinh tế tuần hoàn hướng tới khôi phục và tái tạo để sản xuất các sản phẩm khác, qua đó tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí khai thác tài nguyên mới và chi phí xử lý chất thải. Vì vậy, việc phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng tái sử dụng các phế liệu và rác thải, được đánh giá là giải pháp có thể giúp các nước phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Hiện nay, việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn đô thị tại một số quốc gia trên thế giới đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.
Thứ trưởng mong muốn: “Hội thảo này là nơi trao đổi thông tin giữa các nhà nghiên cứu đầu ngành về quản lý chất thải rắn và kinh tế tuần hoàn của các nước với Việt Nam về việc làm thế nào để xây dựng mô hình quản lý chất thải rắn đô thị hiệu quả, cũng như đánh giá nhìn nhận đầy đủ về cơ hội trong việc khai thác, phát huy tối đa hiệu quả khi áp dụng kinh tế tuần hoàn vào trong việc xử lý, thu gom, tái chế chất thải rắn đô thị hiện nay”.
Kinh nghiệm quản lý hiệu quả chất thải rắn và phát triển kinh tế tuần hoàn của các nước trên thế giới
Theo nghiên cứu của ông Sunil Herat - Phó Giáo sư về quản lý chất thải của Trường Kỹ thuật và Môi trường Xây dựng thuộc Đại học Griffith (Brisbane, Australia), quản lý chất thải là một thách thức lớn trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Quản lý chất thải kém có thể có tác động lớn đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Ông Sunil Herat, Trường Đại học Griffith, Australia tham luận tại Hội thảo
Hiện nay, việc tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và chất thải là ưu tiên hàng đầu của các nước đang phát triển. Cách tiếp cận 3R (3R - tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu) là một công cụ chính sách quan trọng để đạt được kết quả này. Một số quốc gia đã áp dụng chiến lược 3R quốc gia và các luật, quy định, các chương trình có liên quan.
Nền kinh tế tuần hoàn là một giải pháp thay thế cho nền kinh tế tuyến tính truyền thống (sản xuất, sử dụng, thải bỏ) trong đó tài nguyên được sử dụng một cách tối đa, từ đó thu được giá trị tối đa từ chúng trong quá trình sử dụng, sau đó phục hồi và tái tạo các sản phẩm và vật liệu tại cuối vòng đời của chúng. Nền kinh tế tuần hoàn giúp cải thiện hiệu suất (Sản xuất sạch hơn), cải tiến thiết kế (Thiết kế cho sự bền vững), cải thiện chuỗi cung ứng, …
Để hỗ trợ cho nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta có thể tăng thời gian sử dụng của sản phẩm thông qua việc thuê dịch vụ của nhà sản xuất thay vì mua sắm; giảm việc sử dụng các vật liệu độc hại hoặc khó tái chế; tạo thị trường cho vật liệu tái chế; khuyến khích người tiêu dùng giảm thiểu chất thải và phân loại rác; giảm thiểu chi phí tái chế và tái sử dụng với các hệ thống tách và thu gom; tạo điều kiện cho các cụm công nghiệp trao đổi các sản phẩm phụ để ngăn chặn chúng trở thành chất thải (công nghiệp cộng sinh ), …
Ông Kim In Hwan, chuyên gia về chính sách, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc tham luận tại Hội thảo
Chia sẻ những kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Tiến sỹ Kim In Hwan, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc cho biết, với việc áp dụng những chính sách tích cực trong quản lý chất thải nên rác thải chôn lấp ở Hàn Quốc giảm nhanh từ 96% năm 1982 xuống còn 13% vào năm 2013, đồng thời tỷ lệ tái chế tăng mạnh.
Chiến lược giảm thiểu chất thải của Hàn Quốc bao gồm hệ thống thu phí dựa trên khối lượng, hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần, vật liệu đóng gói, không cung cấp miễn phí các đồ dùng một lần trong khách sạn, nhà hàng, cửa hàng mua sắm; giới hạn không gian trống sau khi đóng gói và số lớp đóng gói trong hộp; các gia đình phải mua các túi chỉ để đựng rác theo phân loại, tập kết ở nơi thu gom nên hạn chế được lượng rác thải. Đẩy mạnh việc tái chế với mục tiêu đến năm 2025, các rác thải có thể tái chế giảm xuống còn 0%. Tiến sỹ Kim In Hwan cho rằng, để triển khai thành công Chiến lược giảm rác thải thì cần sự phối hợp và triển khai bằng các công cụ chính sách cũng như đẩy mạnh truyền thông để có sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng.
Bà Hoàng Thị Diệu Linh, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) tham luận tại Hội thảo
Theo đại diện của UNIDO, tái chế chất thải, chất thải công nghiệp là một phần của cách tiếp cận của UNIDO theo kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, hỗ trợ ngành công nghiệp tái chế để có thể tái chế chất thải, chất thải công nghiệp thành nguồn tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín; áp dụng RECP để đảm bảo các hoạt động tái chế “xanh” và an toàn; cung cấp hỗ trợ cho các hoạt động tái sử dụng, sửa chữa, tái sản xuất và tái chế; tăng cường các điều kiện khung để đảm bảo việc hỗ trợ ngành công nghiệp tái chế và nền kinh tế tuần hoàn.
Ông Jörg Rüger - Đại sứ quán Cộng hòa liên bang Đức tham luận tại Hội thảo
Ông Jörg Rüger - Đại sứ quán Cộng hòa liên bang Đức, nêu một số quan điểm và khuyến nghị từ Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và Hạt nhân Cộng hòa liên bang Đức, trong đó lưu ý đến việc xây dựng, triển khai các nhà máy xử lý rác thải cần quan tâm đến yếu tố công nghệ để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương của Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường tham luận tại Hội thảo
Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Nam, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh đến việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong thời gian tới. Cần thể chế hóa, luật hóa kinh tế tuần hoàn, hướng tới thực hiện kinh tế tuần hoàn trong mọi hoạt động; xây dựng lộ trình kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chi tiêu công xanh, cùng với đó là việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực của nền kinh tế. Cần coi người dân và doanh nghiệp là trung tâm của nền kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy các thị trường tái chế, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho xã hội và cộng đồng.
Phát triển Kinh tế tuần hoàn để giải quyết triệt để các vấn đề về môi trường
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, việc tiếp cận quản lý chất thải rắn đô thị trong phát triển kinh tế tuần hoàn là một cách tiếp cận phù hợp với bối cảnh chung của thế giới và đạt được đa lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường, thông qua những bài học kinh nghiệm quốc tế, những thành công từ các dự án của các quốc gia trên thế giới và trong nước như Hội thảo đã đưa ra. Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia, tiếp cận với các phương thức, công cụ quản lý tiên tiến và ứng dụng các công nghệ hàng đầu trong việc xử lý chất thải rắn đô thị theo hướng: “coi rác thải là nguồn tài nguyên, quản lý chất thải rắn phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn” theo đúng tinh thần của các quốc gia trên thế giới hiện nay nhận định, “Kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường”.
Thứ trưởng đề nghị cần làm mới và đẩy mạnh phong trào sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, đẩy mạnh tái chế; xây dựng lộ trình để chấm dứt việc xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp; khẩn trương xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá công nghệ trong xử lý chất thải rắn. Cùng với đó là việc xem xét ban hành Danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn khuyến khích triển khai, áp dụng tại Việt Nam. Đặc biệt,“Cần ban hành các chính sách để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đảm bảo giảm thiểu nguồn rác thải, tận dụng tối đa được nguồn tài nguyên rác thải trong các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, giải quyết triệt để các vấn đề về môi trường”. Thứ trưởng nhấn mạnh.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm