Ảnh minh họa |
Trong thời gian qua, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP được ban hành đã tạo sự chuyển biến tích cực đối với người dân và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã có ý thức khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm; đã quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường và vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải đạt QCVN; thu gom, quản lý, xử lý chất thải… Ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp được nâng lên, môi trường tại các khu công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh từng bước được cải thiện. Đối với người dân, việc quy định thẩm quyền lập biên bản và xử phạt các vi phạm về xả thải tại các khu vực đô thị, khu dân cư, khu vui chơi, giải trí… cũng đã góp phần nâng cao ý thức và nhận thức của người dân về thu gom, phân loại, xử lý rác, giữ gìn vệ sinh môi trường ở các khu đô thị, khu dân cư và nơi công cộng.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị định số 155/2016/NĐ-CP còn một số tồn tại, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế hiện nay, cụ thể như: Chưa quy định rõ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, theo đó, nhiều trường hợp bị lúng túng khi áp dụng xử phạt như: xử phạt đối tượng là chi nhánh, là cơ quan quản lý nhà nước nhưng được giao nhiệm vụ đầu tư dịch vụ công; chưa quy định hành vi không thực hiện giám sát môi trường định kỳ theo quy định; vướng mắc trong quá trình cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành biện pháp xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả. Các biện pháp cưỡng chế theo quy định hiện hành áp dụng không hiệu quả trên thực tế…
Vì các lý do nêu trên, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là cần thiết và là yêu cầu thực tiễn khách quan.
Dự thảo Nghị định sửa đổi dự kiến bổ sung quy định cụ thể tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Việc bổ sung này nhằm khắc phục vướng mắc trong việc xác định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định này bao gồm: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật hợp tác xã; nhà đầu tư nước ngoài; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam…
Về biện pháp khắc phục hậu quả: Dự thảo bổ sung 02 biện pháp là buộc di dời dự án, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và buộc lập đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; bổ sung quy định việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ chứng minh hậu quả hoặc số lợi bất hợp pháp thu được do hành vi vi phạm hành chính gây ra.
Dự thảo cũng nêu rõ, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình bảo vệ môi trường đã cam kết trong kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận; xây lắp không đúng quy định đối với công trình xử lý chất thải đã cam kết trong kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận; không có biện pháp thu gom triệt để nước thải, khí thải phát sinh trong quá trình hoạt động để xử lý theo quy định.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định; không đăng ký lại kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định.