Bộ TN&MT họp sửa đổi Nghị định số 155/NĐ-CP
Tại điểm a khoản 8 Điều 13; điểm a Khoản 12 Điều 13 quy định hình thức xử phạt bổ sung “Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở hoặc khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung”. Nội dung này hiện nay được hiểu hai cách khác nhau: Có thể hiểu theo nghĩa là đình chỉ hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường; cũng có thể hiểu là đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì nếu không có hoạt động sản xuất, kinh doanh thì sẽ không có xả thải gây ô nhiễm. Kiến nghị: Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/NĐ-CP, bổ sung vào Điều 3, giải thích từ ngữ cụm từ “Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường” .
Tại khoản 1 Điều 15 quy định “Phạt cảnh cáo đối với hành vi thải mùi hôi thối vào môi trường”. Tuy nhiên, thời gian qua, việc trang trại, hộ chăn nuôi không xử lý chất thải đúng quy định, làm phát tán mùi hôi thối ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, có phản ánh của nhân dân; bên cạnh đó loại hình sơ chế, chế biến thủy hải sản cũng thải mùi hôi thối, gây bức xúc ở những khu dân cư, nhưng việc kiểm tra chỉ dừng lại ở việc “cảnh cáo”, nhắc nhở, chưa đủ sức răn đe người vi phạm. Kiến nghị: Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/NĐ-CP, tăng mức phạt đối với hành vi “thải mùi hôi thối vào môi trường” (quy định tại khoản 1 Điều 15), hành vi “làm phát tán hóa chất, dung môi hữu cơ trong khu sản xuất hoặc khu dân cư gây mùi đặc trưng của hóa chất, dung môi hữu cơ đó” (quy định tại khoản 1 Điều 16 theo hướng vi phạm lần đầu phạt “cảnh cáo”, tái phạm thì phạt tiền đảm bảo tính răn đe.
Tại khoản 1 Điều 63 quy định:“Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn, quy định chi tiết một số điều và tổ chức thi hành Nghị định này”, nhưng đến nay chưa có Thông tư hướng dẫn nên khó khăn trong thực hiện. Kiến nghị sau khi Nghị định số 155/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết việc tổ chức thực hiện.
Tại điểm a khoản 3 Điều 53 quy định: Bộ Công an chịu trách nhiệm và chỉ đạo lực lượng công an nhân dân “Tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật theo quy định pháp luật và theo định hướng của Bộ Tài nguyên và Môi trường; không kiểm tra các đối tượng thuộc kế hoạch kiểm tra, thanh tra hàng năm quy định tại điểm a Khoản 2 và điểm a Khoản 4 Điều này, trừ trường hợp phát hiện dấu hiệu tội phạm;”. Như vậy, ngay từ đầu năm nếu một doanh nghiệp thuộc đối tượng kiểm tra, thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường thì lực lượng Cảnh sát môi trường không được tổ chức kiểm tra trong năm đó; có trường hợp đến gần cuối năm mà Bộ Tài nguyên và Môỉ trường vẫn chưa tổ chức kiểm tra đối tượng thuộc danh sách trên; trong khi đó thực tế hoạt động của doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường, có phản ánh của người dân nhưng lực lượng Cảnh sát môi trường không thể kiểm tra được. Việc lên danh sách kiểm tra, thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã phát sinh bất cập như doanh nghiệp có thể lợi dụng việc mình là đối tượng được kiểm tra, thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường (khi tiến hành kiểm tra, thanh tra sẽ có thông báo trước), mà không vận hành hệ thống xử lý nước thải, xả thải trực tiếp ra môi trường, không lo ngại việc phát hiện kiểm tra, xử lý của lực lượng Cảnh sát môi trường. Đề nghị, sửa đổi Điểm a Khoản 3 Điều 53 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP như sau: Bộ Công an chịu trách nhiệm và chỉ đạo lực lượng công an nhân dân “Tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật theo quy định pháp luật và theo định hướng của Bộ Tài nguyên và Môi trường; không kiểm tra các đối tượng thuộc kế hoạch kiểm tra, thanh tra hàng năm quy định tại Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 4 Điều này, trừ trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm, có đơn thư phản ánh của nhân dân hoặc chính quyền địa phương”. (Quá trình kiểm tra, phải có sự tham gia của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, sau 5 ngày kể từ khi tổ chức kiểm tra phải báo cáo kết quả sơ bộ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường biết để theo dõi).
Tại điểm d Khoản 3 Điều 53 quy định: Bộ Công an chịu trách nhiệm “Chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân phối hợp với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường các cấp khi tiến hành kiểm tra đột xuất cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật do lực lượng Công an nhân dân phát hiện. Đoàn kiểm tra do lực lượng Công an nhân dân tổ chức phải có sự tham gia của cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường;”. Tuy nhiên, Nghị định chưa quy định đơn vị nào là “cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường”; bên cạnh đó, các trường hợp kiểm tra của lực lượng Cảnh sát môi trường đều là đột xuất, bắt quả tang khi phát hiện đối tượng đang thực hiện hành vi vi phạm, do đó không thể biết trước được cụ thể là thời gian nào để chủ động mời “cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường” tham gia kiểm tra. Kiến nghị: Sửa đổi, bổ sung Điểm d khoản 3 Điều 53, theo hướng: Bộ Công an chịu trách nhiệm “Chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân phối hợp với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường các cấp khi tiến hành kiểm tra đột xuất cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật do lực lượng Công an nhân dân phát hiện. Sau khi phát hiện, kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về môi trường, phải thông báo kết quả cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường biết”. Đồng thời, quy định rõ cơ quan chuyên môn là cơ quan nào (Cử tri tỉnh Bến Tre)
Ý kiến phản ánh của cử tri liên quan đến một số vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tổng hợp, đánh giá khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định để đề xuất sửa đổi, bổ sung. Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tổng hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.