Bộ TN&MT họp sửa đổi Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT
Hiện nay, Bộ đang tổng hợp, rà soát những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải nguy hại làm căn cứ sửa đổi Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 về quản lý chất thải nguy hại, trong đó sẽ nghiên cứu việc hướng dẫn các Sở Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch, thu gom thu gom, vận chuyển, lưu giữ, trung chuyển chất thải nguy hại đối với các chủ nguồn thải chất thải nguy hại có số lượng chất thải nguy hại phát sinh thấp hơn 600 kg/năm hoặc chủ nguồn thải chất thải nguy hại ở vùng sâu, vùng xa, khu vực chưa đủ điều kiện cho chủ xử lý chất thải nguy hại trực tiếp thu gom, vận chuyển, xử lý.
Việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT là nhiệm vụ cần thiết, dựa trên căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường…
Theo đó, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT có nhiều điểm mới quy định chặt chẽ hơn về công tác quản lý chất thải nguy hại. Đơn cử như việc liên kết giữa 2 tổ chức, cá nhân, trong đó, một bên chỉ thực hiện việc vận chuyển chất thải nguy hại và chuyển giao trách nhiệm cho bên quản lý còn lại được quy định thêm về việc liên kết đảm bảo nguyên tắc là việc thu gom, vận chuyển và chuyển giao chất thải nguy hại cho bên tiếp nhận là hoạt động phụ trợ ở quy mô, phạm vi không vượt quá hoạt động chính là thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại về cơ sở xử lý chất thải nguy hại của chính bên chuyển giao để xử lý. Bên chuyển giao chỉ được thực hiện liên kết để phục vụ các chủ nguồn thải có mã CTNH được thu gom, vận chuyển về cơ sở của chính mình để xử lý.
Về công tác vận chuyển CTNH, dự thảo quy định không được vận chuyển hoặc xử lý quá năng lực tự vận chuyển CTNH hoặc số lượng CTNH được phép xử lý ghi trên giấy phép. Về trình tự, thủ tục cấp Giấy phép xử lý CTNH, sau khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ hợp lệ, sau 10 ngày, đơn vị thường trực sẽ thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở xử lý CTNH và có văn bản chấp thuận Kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải. Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng đủ các điều kiện, yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định để vận hành thử nghiệm, đoàn kiểm tra có ý kiến cụ thể trong biên bản kiểm tra hoặc đơn vị thường trực thông báo bằng văn bản (trường hợp cần thiết) cho tổ chức, cá nhân để đáp ứng, thực hiện hoặc giải trình để đơn vị thường trực có văn bản chấp thuận Kế hoạch vận hành thử nghiệm hoặc thành lập đoàn kiểm tra lại…
Về việc quy định các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại có trụ sở ngoài tỉnh nhưng tiến hành thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh, định kỳ hàng năm lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường, theo quy định hiện hành, chủ nguồn thải phải có trách nhiệm đến cùng trong việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại phát sinh. Do đó, chủ nguồn thải phải có trách nhiệm báo cáo định kỳ về tình hình phát sinh, thu gom và xử lý chất thải nguy hại. Đối với các trường hợp ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý, việc chuyển giao phải được quản lý chặt chẽ bằng chứng từ chất thải nguy hại và phải được chuyển về chủ nguồn thải để theo dõi. Trong trường hợp phát hiện chất thải nguy hại có thất thoát, chủ nguồn thải phải báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường của địa phương nơi cơ sở hoạt động để kiểm tra, xử lý kịp thời.