Một bãi thu gom rác thải nhựa để tái chế tại Lào Cai. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN
Sự cần thiết ban hành Chỉ thị
Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việt Nam hiện đang đứng thứ 17 trong 109 quốc gia về lượng phát thải nhựa phát sinh hằng năm. Chất thải nhựa đang hằng ngày tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sự phát triển bền vững quốc gia. Với mỗi túi nilon hoặc mảnh nhựa, cần khoảng thời gian trung bình từ 200 năm đến 300 năm để phân hủy, do đó, khi tồn tại ngoài môi trường chất thải nhựa làm trầm trọng hơn vấn đề ô nhiễm môi trường, là nguyên nhân gây ra cái chết đau đớn cho các loài động vật đặc biệt là các loài động vật biển, chim biển, gây nên những hệ quả khôn lường về sự tồn tại của các giống loài và sự cân bằng sinh thái…. Nhận thức được tác hại của chất thải nhựa gây ra, năm 2018 Liên Hợp quốc đã phát động phong trào giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon. Năm 2019, nguyên thủ các nước và lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã cam kết mạnh mẽ về chống chất thải nhựa tại Diễn đàn kinh tế thế giới. Việt Nam đã cam kết hành động giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương. Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc về xử lý rác thải nhựa và rác thải biển. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Canada, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề nhựa trên biển.
Ở nước ta hiện nay, các vấn đề do chất thải nhựa gây ra chủ yếu xuất phát từ chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, khối lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị là khoảng hơn 37.000 tấn/ngày, khu vực nông thôn là hơn 2 24.000 tấn/ngày. Trong khi đó, tỷ lệ thu gom ở đô thị đạt trung bình khoản 70%; ở nông thôn đạt trung bình khoản 55%. Theo thống kê tại các bãi rác ở một số đô thị lớn (Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Bắc Ninh) cho thấy tỷ lệ rác thải nhựa giao động từ 12% đến 16%, đứng thứ 2 sau rác thải hữu cơ. Rác thải nhựa được chôn lấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn sau rất nhiều lần được hệ thống thu gom không chính thức thực hiện. Các loại rác thải nhựa chủ yếu là túi nilon, vỏ chai nhựa bẩn, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, sản phẩm nhựa khó thu hồi, khó tái chế … số lượng bao bì nhựa và túi ni lông sử dụng ngày càng gia tăng đe doạ nghiêm trọng đến môi trường đất, nước, không khí và đại dương. Nếu không có các giải pháp đồng bộ, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng, khôn lường.
Trước thực trạng nêu trên, ngày 25 tháng 4 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã gửi Thư kêu gọi cả nước hành động chống rác thải nhựa. Ngày 09 tháng 6 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa. Theo đó, lời kêu gọi và phong trào chống rác thải nhựa do Thủ tướng Chính phủ khởi xướng, phát động đã được lan tỏa và tạo được các hiệu ứng tích cực trong phạm vi toàn quốc.
Nhằm giải quyết vấn đề hiệu quả vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa ở nước ta, đồng thời thể hiện trách nhiệm quốc tế trong cuộc chiến chống rác thải nhựa hiện nay và thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy cần có một Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo toàn diện về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa, đặc biệt là vấn đề hoàn thiện, bổ sung chính sách, pháp luật về vấn đề này.
Quá trình xây dựng Chỉ thị
Thực hiện lời kêu gọi và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chung tay chống rác thải nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động nghiên cứu và xây dựng dự thảo Chỉ thị. Ngày 25 tháng 10 năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi các bộ, ngành đề nghị góp ý dự thảo Chỉ thị; đồng thời tiến hành tham vấn ý kiến chuyên gia quốc tế và trong nước. Trên cơ sở các văn bản góp ý của bộ, ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Chỉ thị.
Nội dung cơ bản của Chỉ thị
Ngoài phần mở đầu và tổ chức thực hiện, dự thảo Chỉ thị có 11 khoản quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc tăng cường giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa, cụ thể như sau:
Về trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành chỉ thị hoặc kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý (hoàn thành trước ngày 30 tháng 03 năm 2020) trong đó chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thực hiện một số các hoạt động cụ thể như sau:
Gương mẫu, tích cực và đi đầu trong giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế, tiến tới không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy, túi ni-lông mỏng hoặc nhỏ; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa.... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường;
Tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác tại nguồn tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác tại các cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ; khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị;
Thực hiện các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức trong ngành, địa bàn quản lý về phân loại rác, giảm thiểu chất thải nhựa; phối hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan vận động nhà sản xuất không sản xuất và người dân hạn chế hoặc không sử dụng túi ni-lông, hộp nhựa, hộp xốp, ống hút nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường.
Về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; thúc đẩy tái chế chất thải, chất thải nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn; thực hiện tốt việc giảm thiểu, phân loại chất thải tại nguồn, thúc đẩy thu gom, tái chế, xử lý chất thải (bao gồm chất thải nhựa). Xây dựng tài liệu kỹ thuật hướng dẫn phân loại tác tại nguồn. Nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định cấm sản xuất, tiêu dùng đồ nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy siêu mỏng trong Luật Bảo vệ môi trường;
Rà soát và sửa đổi, bổ sung Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 05 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ theo hướng tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu, chủ sở hữu thương hiệu, nhà phân phối, bán lẻ hiện đại và truyền thống trong thu hồi, tái chế chất thải; bổ sung túi ni-lông khó phân hủy, bao bì đóng gói vào danh mục sản phẩm thải bỏ phải thu hồi, tái chế. Nghiên cứu, đề xuất mô hình hợp tác công tư trong xử lý chất thải rắn và chất thải nhựa;
Nghiên cứu, xây dựng hàng rào kỹ thuật về môi trường đối với các sản phẩm, hàng hóa chứa hạt vi nhựa, nano nhựa và túi ni-lông để phòng ngừa các tác động xấu đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái; tiến tới không sử dụng hạt vi nhựa trong sản xuất hóa mỹ phẩm, may mặc, phân bón.... Rà soát, tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật gắn nhãn sinh thái đối với túi ni-lông thân thiện môi trường và các sản phẩm nhựa có hàm lượng tái chế nhất định;
Thực hiện nghiêm các quy định về nhập khẩu phế liệu nhựa tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; chỉ được nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa (không bao gồm hạt nhựa tái chế thương phẩm), trừ các trường hợp dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và cơ sở sản xuất đang hoạt động được phép nhập khẩu nhựa phế liệu để sản xuất ra hạt nhựa tái chế thương phẩm đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024. Không cấp phép cho các cơ sở nhập khẩu phế liệu chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại phế liệu;
Rà soát, sửa đổi Quyết định 73/2014/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu theo hướng chỉ cho phép nhập khẩu phế liệu nhựa sạch, có giá trị tái chế cao, không nhập khẩu phế liệu nhựa sử dụng một lần; có lộ trình hạn chế, tiến tới cấm nhập khẩu phế liệu. Nghiên cứu và đề xuất tái xuất hoặc trả lại phế liệu nhựa nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường;
Tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 và đề xuất chính sách, quy định pháp luật để quản lý, hạn chế, tiến tới không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt;
Đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 491/QĐTTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung thực hiện mục tiêu sử dụng 100% túi ni-lông thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni-lông khó phân hủy; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi ni-lông khó phân huỷ kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt;
Tổ chức thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển, 80% khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa, xây dựng và vận hành Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương. Thiết lập và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về chất thải nhựa và chất thải nhựa đại dương. Tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa; chủ động tham gia thiết lập chính sách, cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để xử lý vấn đề chất thải nhựa và chất thải nhựa đại dương; thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải nhựa;
Xây dựng, thực hiện hiệu quả Kế hoạch tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa; hình thành ý thức, thói quen của người dân về giảm thiểu, phân loại chất thải nhựa; phát hiện, phổ biến và trao giải thưởng môi trường đối với các mô hình, giải pháp, sáng kiến về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa; xây dựng cổng thông tin điện tử để chia sẻ thông tin, kiến thức về chất thải nhựa; nghiên cứu và đưa tiêu chí giảm thiểu, phân loại, thu gom chất thải nhựa trong đánh giá, xếp hạng kết quả hoạt động bảo vệ môi trường của các địa phương;
Thực hiện xã hội hóa, nâng cao vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp trong hoạt động giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa; mở rộng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, phân phối, quảng bá, tiêu dùng các sản phẩm nhựa, túi ni-lông được gắn nhãn xanh; xây dựng, triển khai, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đăng ký, khai báo, quản lý việc sản xuất, sử dụng sản phẩm chứa chất thải nhựa, túi ni-lông; tăng cường truyền thông, triển khai nhân rộng, áp dụng hiệu quả các mô hình giảm thiểu, phân loại, thu gom chất thải nhựa, túi ni-lông tại các địa điểm, khu du lịch, đặc biệt các địa điểm, khu du lịch gắn liền với nguồn nước...; Chủ trì, phối hợp các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, triển khai các phong trào, mô hình chống chất thải nhựa, giảm thiểu, phân loại và thu gom chất thải nhựa; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa.
Về trách nhiệm của Bộ Tài chính:
Rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế đối với bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu, đề xuất đánh thuế bảo vệ môi trường theo số lượng túi ni-lông; tính đúng và đủ thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni-lông; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc (virgin plastics); chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi trốn thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với túi ni-lông;
Chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất chính sách tiêu dùng, mua sắm công xanh và ưu đãi, trợ giá, hỗ trợ đối với túi nilông thân thiện môi trường, các sản phẩm nhựa tái chế và các vật liệu thân thiện với môi trường thay thế nhựa; xây dựng tiêu chí ưu tiên hoặc định mức áp dụng mua sắm xanh trong thời gian nghiên cứu, đề xuất chính sách tiêu dùng, mua sắm công xanh. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ tài chính cho các hoạt động thu gom, tái chế, xử lý chất thải rắn, bao gồm chất thải nhựa;
Thống kê, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường số liệu về nhập khẩu nguyên liệu nhựa, phế liệu nhựa hàng năm.
Về trách nhiệm của Bộ Công thương chỉ đạo thực hiện mục tiêu “đến năm 2020 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng nhựa dùng một lần”; nghiên cứu, ban hành quy định về thiết kế sản phẩm nhựa nhằm mục đích tái chế, quy định yêu cầu tỷ lệ tái chế bắt buộc trong các sản phẩm nhựa, tăng độ bền và công khai thông tin về độ bền của các sản phẩm nhựa; xây dựng hướng dẫn về sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa bền vững, thay đổi hành vi tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường; xây dựng nền công nghiệp tái chế và thị trường tái chế nhựa; ban hành các tiêu chuẩn về chất lượng nhựa tái chế; thống kê, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về sản xuất, sử dụng nhựa trong nước; tổ chức đánh giá hiện trạng ngành nhựa và báo cáo Thủ tướng Chính phủ định hướng, giải pháp phát triển bền vững ngành nhựa (trước 30 tháng 03 năm 2020); định kỳ hàng năm rà soát, lập và công bố danh mục các sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu có chứa vi nhựa, nano nhựa và các sản phẩm nhựa có chứa phụ gia độc hại.
Về trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm thiểu, thu gom, tái chế chất thải nhựa trong ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; thực hiện các giải pháp hạn chế sử dụng phao xốp trong ngành thủy sản (để làm nổi các lồng bè nuôi cá); xây dựng, thực hiện các giải pháp thu hồi các ngư cụ như lưới, phao bị thất lạc, bỏ quên hoặc thải bỏ trên biển (ALDFG) và thu hồi các bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm thay thế túi ni-lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần từ nông sản.
Về trách nhiệm của Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện kế hoạch phân loại, giảm thiểu chất thải nhựa tại các bệnh viện, cơ sở y tế; chỉ đạo hướng dẫn người nhà bệnh nhân việc phân loại rác tại bệnh viện, cơ sở y tế; đưa nội dung giảm thiểu chất thải nhựa là một tiêu chí đánh giá cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp. Ban hành tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu vệ sinh đối với các sản phẩm nhựa tái chế làm bao bì đựng thực phẩm, các loại nước đóng chai...
Về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, thực hiện kế hoạch phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải nhựa trong các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo; xây dựng nội dung lồng ghép vào hoạt động giáo dục về phân loại chất thải tại nguồn cho học sinh, sinh viên; đưa nội dung phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải nhựa thành một tiêu chí đánh giá trường học xanh – sạch – đẹp – an toàn.
Về trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường nhằm thay thế nhựa trong sản xuất, kinh doanh như: vật liệu nhựa phân hủy ở trong nước biển vật liệu nhựa sinh học (bio plastic), ứng dụng công nghệ dùng xenlulo, thay thế vật liệu nhựa bằng giấy; thúc đẩy, hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến tái chế và xử lý chất thải nhựa; thẩm định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến tái chế và xử lý chất thải nhựa.
Về trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, bổ sung tiêu chuẩn giảm thiểu tối đa và tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-long khó phân hủy trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ lự trú du lịch và dịch vụ du lịch khác tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở thể dụng thể thao quần chúng, các trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao, đặc biệt tại các vùng ven biển và đưa ra các phương án thay thế trong quy định hướng dẫn ngành du lịch dịch vụ..
Về trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam chủ trì hoặc phối hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện chương trình truyền thông, tuyên truyền về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa.
Về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, phân loại chất thải, chất thải nhựa; phối hợp các tổ chức đoàn thể xây dựng phong trào, liên minh chống chất thải nhựa; vận động người dân, cộng đồng dân cư hạn chế hoặc không sử dụng túi ni-lông, hộp nhựa, hộp xốp, ống hút nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường;
Vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán cafe, khu du lịch và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, du lịch.v.v. trên địa bàn cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế, tiến tới không sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; không cung cấp miễn phí túi ni-lông cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi ni-lông khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường;
Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và triển khai thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, tăng cường năng lực, hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn. Bố trí hoặc chỉ đạo bố trí các thùng thu gom, phân loại rác và tập huấn, hướng dẫn phân loại rác tại các công sở, trường học, cơ sở y tế và các khu vực công cộng như sân bay, bến tàu, bến xe, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, công viên, quảng trường, khu du lịch, danh lam thắng cảnh.... Thực hiện thu phí dịch vụ thu gom rác đối với các tiểu thương tại các chợ dân sinh truyền thống;
Tổ chức và thực hiện các biện pháp kỹ thuật để thu gom chất thải nhựa trên các sông, rạch, kênh, mương... để hạn chế chất thải nhựa đổ ra đại dương; tiến hành và xã hội hóa các hoạt động thu gom, xử lý chất thải nhựa trên biển, sông, suối và các hồ, ao trong khu đô thị, khu dân cư;
Chỉ đạo tăng cường việc kiểm tra việc tuân thủ chính sách thuế bảo vệ môi trường, các quy định môi trường của các cơ sở cung túi ni-lông cho các chợ dân sinh và cửa hàng buôn bán nhỏ; tăng cường thanh tra, kiểm soát chặt chẽ các làng nghề, cơ sở tái chế nhựa không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường.