Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn ĐBQH Vĩnh Long), vấn đề BVMT đang ngày càng quan trọng và trở thành vấn đề luôn được các cử tri, các tầng lớp nhân dân quan tâm và chất vấn.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) tán thành nội dung thanh, kiểm tra đột xuất
Với những mục tiêu và những điều khoản mới trong Dự án Luật BVMT (sửa đổi) được bảo đảm chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời góp phần phòng vệ, ngăn chặn, sàng lọc các dự án có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm. Đại biểu Phạm Văn Hòa tin tưởng rằng, sau khi Luật có hiệu lực thi hành chắc chắn sẽ nhận được đông đảo nhân dân ủng hộ. Song song với đó là công tác triển khai, tổ chức những quy định của Luật phải được minh bạch, khách quan.
Đại biểu Phạm Văn Hoà cũng tán thành những nội dung thanh tra, kiểm tra đột xuất được nêu trong dự thảo Luật, bởi “Việc thông báo trước không bao giờ thanh tra, phát hiện được những cái xấu trong môi trường. Việc thanh, kiểm tra đột xuất mới đạt hiệu quả và người dân hài lòng hơn.” – ông Hòa nhấn mạnh.
Góp ý với những điều, khoản trong dự án Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa lưu ý cần giải quyết được vấn đề đang vướng mắc hiện nay về việc chồng chéo và trốn tránh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mỗi khi có vấn đề về môi trường, ô nhiễm.
Cần thiết nâng thời hiệu có hiệu lực xử phạt hành chính
Nhấn mạnh một trong số nội dung quan trọng được Đại biểu Quốc hội quan tâm là việc sửa đổi hiệu lực xử phạt hành chính, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thực tế hiện nay việc xử phạt hành chính rất ít. Trong khi, thậm chí phải mất 10 năm, 20 năm mới xác định được ô nhiễm môi trường, nên việc nâng thời hiệu có hiệu lực xử phạt với hành vi gây ô nhiễm môi trường là cần thiết.
“Muốn làm thì phải thay đổi, thay đổi để đáp ứng kỳ vọng của đại biểu và cử tri”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Đồng tình với việc nâng thời hiệu có hiệu lực xử phạt hành chính như trong dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, hiện nay, chúng ta quy định xử phạt vi phạm hành chính hiệu lực chỉ 1,2 năm. Thế nhưng, đối với môi trường chỉ 1,2 năm không thể làm được.
“Hiệu lực như trong dự thảo Luật 5 năm vẫn là thấp vì có nhiều vấn đề môi trường có ảnh hưởng sâu rộng, phải lâu dài mới hiển hiện ra”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.
Chú trọng thay đổi nhận thức và giáo dục ý thức người dân về môi trường
Đánh giá cao việc sửa đổi một cách chi tiết của dự án Luật Bảo vệ môi trường, tuy nhiên, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng cần có cách tiếp cận toàn diện hơn.
Theo đại biểu Dương Trung Quốc, thực chất môi trường là thiên nhiên, ứng xử con người với thiên nhiên chính là văn hóa. Chúng ta có giải pháp công nghệ, hạ tầng tốt bao nhiêu nhưng không tạo ra thói quen, nếp sinh hoạt của con người thì không thể bền vững.
“Dịch covid-19 là lời cảnh báo ban đầu về y tế và môi trường. Tôi cho rằng giáo dục ý thức con người phải là một trong những yếu tố được coi trọng và tiếp cận trong sửa đổi Luật lần này”, ông Dương Trung Quốc nêu ý kiến.
Đại biểu Mai Hồng Hải (đoàn TP. Hải Phòng) nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức về môi trường
Đồng tình với quan điểm đó, đại biểu Mai Hồng Hải (đoàn TP.Hải Phòng) cho rằng, vấn đề quan trọng nhất về bảo vệ môi trường cái quan trọng là nhận thức. Nếu nhận thức không tới, không hết mà chỉ coi đó là rào cản, gánh nặng thì hành vi, hành động sẽ là sự trốn tránh.
“Do vậy, phải làm sao để người dân, doanh nghiệp nhận thức được đó là trách nhiệm của toàn dân và cả hệ thống chính trị. “Tự mình có trách nhiệm với chính mình”, có nhiều vấn đề không nhận thức được thì không bao giờ thay đổi được”, ông Hải nói.
Nêu thực tế có nhiều doanh nghiệp khi lập dự án đầu tư thì sợ ĐTM vì từ nhận đã coi đó là rào cản phải bước qua, trong khi thực chất đó là công cụ quản lý nhà nước về môi trường. “Đó là điều cần thay đổi trong nhận thức của các doanh nghiệp”, ông Hải nhấn mạnh và đề nghị, cần chú trọng triển khai, tổ chức, phổ biến, truyền thông trong nhân dân.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nêu ý kiến tại Hội thảo
Thảo luận tại Hội thảo, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) một lần nữa khẳng định vấn đề cảnh quan, thiên nhiên, môi trường không đơn giản chỉ là vấn đề ô nhiễm, có những cái không gây ô nhiễm nhưng vẫn tàn phá môi trường, thu hẹp môi trường.
"Đất nước càng phát triển, môi trường càng quý giá đối với con người, Luật BVMT sửa đổi phải chuẩn bị tâm thế là hành lang pháp lý cho đến 10,20 năm sau", Luật sư Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.