Ông Sơn nêu quan điểm những đối tượng được hưởng lợi từ môi trường phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường và các đối tượng có tác động xấu đến môi trường thì phải bỏ nghĩa vụ đóng góp tài chính để xử lý.
“Tức là anh có chất thải, phá rừng… ảnh hưởng xấu đến môi trường thì phải đóng góp kinh phí để xử lý môi trường” – ông Sơn nói.
Về tiền kiểm, hậu kiểm riêng môi trường, ông Sơn đề nghị phải coi trọng cả hai khâu, không nên chỉ coi trọng hậu kiểm, xem nhẹ khâu tiền kiểm. Khi doanh nghiệp vào đầu tư, chúng ta phải lượng hoá đầu tư công nghệ gì, nếu cơ quan chức năng chưa thẩm định về môi trường, thì doanh nghiệp chưa được vào sản xuất. Vì khi người ta đầu tư công nghệ vào rồi, sau này không đạt bắt người ta phá bỏ toàn bộ thì rất ảnh hưởng đến kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và cả tâm lý của nhà đầu tư. Sau đó nếu doanh nghiệp vi phạm về môi trường thì tiến hành hậu kiểm hậu kiểm.
Doanh nghiệp nào thông qua tiền kiểm, đi vào sản xuất thì hạn chế, hoặc có thể không bao giờ vào thanh kiểm tra nữa, nhưng nếu có dấu hiệu gây ô nhiễm, vi phạm pháp luật môi trường thì vào kiểm kiểm tra đột xuất 5-7 lần để xử lý dứt điểm việc vi phạm.
Đồng tình với việc thanh, kiểm tra đột xuất đối với lĩnh vực môi trường mà không thông báo trước, tuy nhiên, ông Sơn lưu ý, phải có yếu tố điều kiện để thanh, kiểm tra đột xuất chứ không phải muốn vào lúc nào cũng được. Cụ thể phải dự báo được, nắm được thông tin nào đó, dư luận xã hội, hoặc qua theo dõi các chỉ số môi trường tại khu vực đó… mới được vào thanh kiểm tra.
"Phải quy định chặt chẽ điều này để tránh tình trạng gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Tức khi chúng ta vào thanh kiểm tra đột xuất là phải đủ căn cứ, và các tiêu chí phải được quy định rõ trong luật, để có người chịu trách nhiệm. Nếu vào nhũng nhiễu doanh nghiệp thì cũng bị xử lý”, ông Sơn nêu quan điểm.