Mức tính phí
Theo quy định tại khoản 2 Điều 148 Luật Bảo vệ môi trường, mức phí bảo vệ môi trường được quy định trên cơ sở: (1) khối lượng chất thải ra môi trường, quy mô ảnh hưởng tác động xấu đối với môi trường; (2) mức độ độc hại của chất thải, mức độ gây hại đối với môi trường và (3) sức chịu tải của môi trường tiếp nhận chất thải.
Trên cơ sở kinh nghiệm thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất cách thức xác định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải gồm phí cố định và phí biến đổi theo công thức tính như sau: F = f + C
Trong đó: F là số phí phải nộp, gồm phí cố định f và phí biến đổi C
Phí cố định f: Áp dụng bắt buộc cho mọi đối tượng thu phí, nhằm tạo nguồn thu cho cho công tác quản lý, bù đắp một phần cho công tác thẩm định phí, tổ chức thu phí tại địa phương (không bao gồm chi phí nhân công).
Mức phí này được xác định là giá trị trung bình chung để đầu tư, vận hành công trình xử lý khí thải nhằm xử lý các thông số cơ bản có trong khí thải công nghiệp tương ứng với nguồn thải lưu lượng khoảng 5.000 m3/giờ(**) đạt quy chuẩn kỹ thuật cho phép (thực tế tại Hàn Quốc đã ban hành mức phí cố định này nên có thể tham khảo để áp dụng phù hợp ở điều kiện của Việt Nam).
Phí biến đổi C: Áp dụng đối với các cơ sở phát sinh khí thải từ 5.000 m3/giờ(**) trở lên, loại phí này nhằm tạo động lực để cơ sở xử lý chất ô nhiễm, giảm thiểu phát sinh khí thải.
Được tính theo: tổng lượng lưu lượng khí phát thải, hàm lượng thông số ô nhiễm của từng chất và mức thu đối với mỗi thông số ô nhiễm, trong đó thông số ô nhiễm tính phí gồm: bụi tổng, SOx, NOx, CO.
(i) Trên cơ sở rà soát QCVN hiện hành về khí thải, 04 thông số ô nhiễm nêu trên là các thông số cơ bản, thường có trong các dòng thải và bắt buộc phải quan trắc theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
(ii) Mức thu phí đối với mỗi thông số ô nhiễm nêu trên cần được căn cứ vào chi phí đầu tư, vận hành công trình xử lý khí thải để xử lý các thông số này từ mức được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đạt ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí xung quanh.
(iii) Mức phí cao sẽ tạo động lực mạnh cho các cơ sở cắt giảm ô nhiễm nhưng hiệu quả về nguồn thu có thể sẽ không đạt được. Các cơ sở sẽ có xu hướng xử lý ô nhiễm để tránh phải trả phí cao. Việc áp dụng mức phí cao ngay từ đầu có thể cho phép có được những cải thiện môi trường nhanh hơn, tuy nhiên sẽ dẫn đến những ý kiến không đồng thuận do gián tiếp gia tăng chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm của doanh nghiệp.
(iv) Mức phí thấp có thể ít tạo áp lực về chi phí cho các cơ sở tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, nhưng có thể không có tác dụng nhiều đối với việc cải thiện chất lượng môi trường.
Áp dụng công thức tính phí trên với phân loại nhóm đối tượng theo lưu lượng phát sinh khí thải theo quy định pháp lý hiện hành:
Cơ sở có phát sinh khí thải với lưu lượng từ 5.000 m3/giờ trở lên[1] (đối tượng được quy định phải thực hiện quan trắc khí thải định kỳ 03 tháng/lần hoặc 06 tháng/lần theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 23 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP) có số phí phải nộp (F) là tổng số phí cố định (f) và phí biến đổi (C) theo cách tính như trên.
Cơ sở phát sinh khí thải với lưu lượng nhỏ hơn 5.000 m3/giờ16 (các đối tượng này được miễn quan trắc khí thải định kỳ) có số phí phải nộp (F) là số phí cố định (f) (không thuộc đối tượng áp dụng phí biến đổi).
Như vậy, dựa trên cơ sở các quy định pháp lý về quản lý, giám sát môi trường hiện hành (bao gồm các số liệu quan trắc khí thải của cơ sở), việc áp dụng mức tính phí nêu trên bảo đảm tính công bằng giữa các cơ sở phát sinh khí thải, đồng thời bảo đảm tính khả thi khi thực hiện, thuận tiện cho doanh nghiệp kê khai, tính toán số phí phải nộp cũng như cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định phí dựa trên dữ liệu quan trắc khí thải tự động, liên tục hoặc kết quả quan trắc khí thải định kỳ của cơ sở. Phương thức này cũng tương đồng với cách tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đã thực hiện trong thời gian qua.
Chính sách giảm phí
Nhằm khuyến khích các cơ sở cải tiến công nghệ thân thiện môi trường, thay đổi hành vi theo hướng có lợi cho môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần có chính sách giảm phí bảo vệ môi trường đối với các đối tượng nộp phí. Nội dung này có thể học tập kinh nghiệm của Trung Quốc là: Khi nồng độ các chất ô nhiễm dưới mức quy chuẩn cho phép là 30% (chỉ nộp mức phí tương ứng là 75% số phí phải nộp); Khi nồng độ các chất ô nhiễm dưới mức quy chuẩn cho phép là 50% (chỉ nộp mức phí tương ứng là 50% số phí phải nộp); Đối với cơ sở xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí xung quanh và các thông số còn lại đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải thì được giảm phí 100%.
Kê khai quản lý và sử dụng phí
Việc kê khai, thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải được thực hiện theo quý (tương tự như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải). Quy định về phương thức kê khai phí tại Mục 2 nêu trên để cơ quan thu không phải lấy mẫu quan trắc khí thải tại doanh nghiệp (tránh trường hợp kinh phí quan trắc lớn hơn số phí thu được, do kinh phí quan trắc bụi, khí thải lớn hơn so với nước thải);
Theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị quản lý, theo dõi số liệu quan trắc khí thải định kỳ, quan trắc tự động, liên tục cũng như các hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở trên địa bàn. Do vậy, việc thẩm định và ra thông báo thu phí sẽ do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhằm đảm bảo giám sát người nộp phí kê khai, tính toán đúng số phí phải nộp.
Sử dụng phí: Theo quy định của Luật Phí và lệ phí, nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước để thực hiện các hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường do ô nhiễm không khí, trong đó, cần được tập trung cho hoạt động, giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường không khí.
Đối với phần phí để lại cho địa phương, cần xem xét mức để lại phù hợp, đảm bảo phục vụ công tác quản lý đối tượng chịu phí, thẩm định tờ khai phí, quản lý phí và đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác giám sát, cảnh báo môi trường không khí.