Quy định chung bao gồm những nội dung sau:
Phạm vi điều chỉnh: Quy chuẩn này quy định về các loại phế liệu sắt, thép kèm theo mã HS được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; các loại phế liệu sắt, thép không được phép nhập khẩu; tạp chất không được lẫn trong phế liệu sắt, thép nhập khẩu; tạp chất không mong muốn được phép còn lẫn trong phế liệu sắt, thép nhập khẩu; các yêu cầu kỹ thuật khác đối với phế liệu sắt, thép nhập khẩu từ nước ngoài.
Quy chuẩn này không điều chỉnh đối với phế liệu sắt, thép nhập khẩu từ các doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan trên lãnh thổ Việt Nam.
Về cơ bản, phạm vi điều chỉnh tại dự thảo QCVN không thay đổi so với QCVN 31:201/BTNMT, tuy nhiên, căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư số 26/2019/TT-BKHCN, dự thảo QCVN đã bổ sung phụ lục về danh mục phế liệu sắt, thép được phép nhập khẩu kèm theo mã HS ở cấp độ chi tiết (08 số).
Đối tượng áp dụng: Nội dung này không thay đổi so với quy định tại QCVN 31:2018/BTNMT, tuy nhiên, để rõ hơn về việc không áp dụng quy định tại QCVN này đối với các doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, dự thảo QCVN đã được soạn thảo như sau:
Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu sắt, thép và sử dụng phế liệu sắt, thép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu sắt, thép làm nguyên liệu sản xuất; các tổ chức đánh giá sự phù hợp có liên quan đến hoạt động nhập khẩu phế liệu sắt, thép từ nước ngoài.
Quy chuẩn này không áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu sắt, thép phát sinh từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan trên lãnh thổ Việt Nam
Về giải thích thuật ngữ: Nội dung tại mục này tập trung vào các thuật ngữ bao gồm: tạp chất, tạp chất nguy hại, mã HS, lô hàng phế liệu sắt, thép nhập khẩu, khối hàng phế liệu sắt, thép nhập khẩu và tổ chức giám định được chỉ định.
Về cơ bản, nội dung giải thích những thuật ngữ nêu trên sử dụng trong dự thảo QCVN không thay đổi so với QCVN 31:2018/BTNMT. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, QCVN này không quy định trách nhiệm kiểm tra nhà nước đối với phế liệu sắt, thép nhập khẩu là Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương và không bao gồm các quy định trình tự kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu khi đăng ký thực hiện thủ tục hải quan. Do đó, khái kiệm cơ quan kiểm nhà nước về chất lượng phế liệu sắt, thép nhập khẩu không được tiếp tục đưa vào dự thảo QCVN.
Quy định kỹ thuật
Trong dự thảo QCVN này, quy định kỹ thuật đối với phế liệu sắt, thép nhập khẩu bao gồm: Quy định về phân loại, làm sạch phế liệu; Quy định về loại phế liệu sắt, thép được phép nhập khẩu; Quy định về loại phế liệu sắt, thép không được phép nhập khẩu; Tạp chất không được lẫn trong phế liệu sắt, thép nhập khẩu; Tạp chất không mong muốn được phép còn lẫn trong phế liệu sắt, thép nhập khẩu. Cấu trúc của phần “Quy định kỹ thuật) và các quy định cơ bản về bảo vệ môi trường đối với phế liệu sắt, thép nhập khẩu không thay đổi so với QCVN 31:2018/BTNMT. Theo đó, các quy định kỹ thuật cơ bản bao gồm:
Quy định về phân loại và làm sạch phế liệu: quy cách phế liệu, cách thức phân loại. Tuy nhiên, Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg được ban hành thay thế Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg không bao gồm phế liệu sắt, thép có mã HS 7204 50 00 (loại phế liệu này thuộc Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg), đồng thời để đảm bảo tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chỉ được phép nhập khẩu chủng loại phế liệu đã được cấp phép, dự thảo QCVN đã quy định:
“Trong mỗi khối hàng phế liệu sắt, thép nhập khẩu được phép lẫn lượng phế liệu sắt, thép có mã HS khác (thuộc Danh mục phế liệu nhựa được phép nhập khẩu) so với mã HS khai báo trong hồ sơ nhập khẩu, cụ thể: a) Tỷ lệ khối lượng phế liệu sắt, thép có mã HS khác thuộc phạm vi của Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật - sau đây gọi tắt là Giấy xác nhận) so với mã HS khai báo trong hồ sơ nhập khẩu. Tỷ lệ khối lượng phế liệu sắt, thép có mã HS khác không vượt quá 20% tổng khối lượng của khối hàng phế liệu sắt, thép nhập khẩu. b) Tỷ lệ khối lượng phế liệu sắt, thép có mã HS khác (không thuộc phạm vi của Giấy xác nhận) không vượt quá 2% tổng khối lượng của khối hàng phế liệu sắt, thép nhập khẩu.”
Đây là nội dung thay đổi so với QCVN 31:2018/BTNMT, trong đó quy định cho phép được lẫn lượng phế liệu có mã HS khác so với mã HS khai báo trong hồ sơ hải quan nhưng phải đảm bảo thuộc Danh mục phế liệu nhựa được phép nhập khẩu và quy định chi tiết 02 trường hợp: Tỉ lệ khối lượng phế liệu sắt, thép có mã HS khác so với mã HS khai báo trong hồ sơ nhập khẩu và thuộc phạm vi Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất được phép lẫn trong lô hàng là 20%. Tỉ lệ khối lượng phế liệu sắt, thép có mã HS khác so với mã HS khai báo trong hồ sơ nhập khẩu và không thuộc phạm vi Giấy xác nhận được phép lẫn trong lô hàng là 2%.
Quy định về phế liệu sắt, thép được phép nhập khẩu và không được phép nhập khẩu: quy định về loại phế liệu sắt thép, hình dạng phế liệu, nguồn gốc phế liệu được phép nhập khẩu/ không được phép nhập khẩu; quy định về mức nồng độ hoạt độ phóng xạ và mức nhiễm xạ bề mặt của kim loại. Quy định này không thay đổi so với quy định tại QCVN 31:2018/BTNMT.
Quy định về tạp chất không được phép lẫn và tạp chất không mong muốn được phép lẫn trong lô hàng phế liệu sắt, thép nhập khẩu: tỉ lệ tạp chất không mong muốn được phép lẫn trong lô hàng phế liệu là 1%. Quy định này không thay đổi so với quy định tại QCVN 31:2018/BTNMT
Quy trình kiểm tra, giám định và phương pháp xác định
Các quy định cơ bản trong phần này bao gồm: Quy trình kiểm tra, giám định phế liệu nhập khẩu (quy trình kiểm tra, giám định hiện trường; quy trình kiểm tra, giám định thông qua lấy mẫu) và Phương pháp lấy mẫu và xác định các chỉ tiêu, thông số kỹ thuật quy định tại QCVN (Phương pháp lấy mẫu; Phương pháp xác định tỷ lệ tạp chất; Phương pháp xác định tỷ lệ phế liệu sắt, thép có mã HS khác với mã HS khai báo trong hồ sơ nhập khẩu; Phương pháp xác định thành phần tạp chất).
Đối với quy trình, kiểm tra giám định phế liệu nhập khẩu:
Để đảm bảo thực hiện quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, hoạt động kiểm tra, giám định tại hiện trường được thực hiện bằng mắt thường đối với lô hàng phế liệu sắt, thép nhập khẩu với tỷ lệ kiểm tra ngẫu nhiên theo mức độ quản lý rủi ro theo quy định của pháp luật nhưng đảm bảo kiểm tra tối thiểu 10% số lượng hoặc khối lượng lô hàng. Đây là quy định thay đổi so với QCVN 31:2018/BTNMT, hoạt động giám định hiện trường phải thực hiện đối với tất cả các công ten nơ hoặc khối hàng rời thuộc lô hàng phế liệu sắt, thép nhập khẩu. Ngoài ra, do quy định kỹ thuật đối với lô hang phế liệu nhập khẩu đã quy định chi tiết về tỷ lệ các loại phế liệu sắt, thép có mã HS khác so với mã HS được đăng ký nhập khẩu, do đó, trong quy trình giám định cần bổ sung thêm chỉ tiêu xác định tỷ lệ các loại phế liệu sắt, thép có mã HS khác (quy định tại Mục 2.1.4 Quy chuẩn).
Căn cứ quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, phương thức nộp hồ sơ hải quan đối với các lô hàng phế liệu nhập khẩu được thực hiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Do đó, dự thảo QCVN đã quy định kết quả giám định phế liệu nhập khẩu (chứng thư giám định) do tổ chức giám định được chỉ định cấp cho lô hàng phế liệu nhập khẩu của tổ chức, cá nhân sẽ được cập nhật trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để cơ quan hải quan xem xét thực hiện thủ tục thông quan hoặc xử lý vi phạm theo quy định.
Ngoài ra, một số nội dung khác trong nội dung quy định về quy trình, kiểm tra giám định phế liệu nhập khẩu tại hiện trường, quy trình kiểm tra, giám định thông qua lấy mẫu phân tích không thay đổi so với QCVN 31:2018/BTNMT.
Phương pháp lấy mẫu và xác định các chỉ tiêu, thông số kỹ thuật của lô hàng phế liệu sắt, thép nhập khẩu cơ bản được bảo lưu nội dung của QCVN 31:2018/BTNMT và chỉ bổ sung thêm từ “khoảng” đối với quy định về khối lượng mẫu phải lấy để xác định thành phần, tỉ lệ tạp chất. Quy định này nhằm linh hoạt hơn đối với khối lượng mẫu phải lấy, không quy định cứng nhắc đảm bảo đơn giản hóa việc thực hiện quá trình giám định tại hiện trường.
Quy định quản lý
Khoản 34 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đã quy định chi tiết về trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu. Do đó, trong phạm vi QCVN này, các quy định quản lý về chất lượng phế liệu sẽ được lược bỏ. Theo đó, Khoản 4.1 phần 4 QCVN 31:2018/BTNMT sẽ được lược bỏ tại dự thảo QCVN thay thế. Ngoài ra, một số quy định liên quan đến việc cung cấp chứng thư giám định và lưu giữ bằng chứng thực hiện vụ việc giám định cũng thay đổi đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể: văn bản về kết quả giám định lô hàng phế liệu sắt, thép nhập khẩu (chứng thư giám định) cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và gửi lên Cổng thông tin một cửa quốc gia làm căn cứ để Cơ quan Hải quan thực hiện thủ tục thông quan hoặc xem xét, xử phạt vi phạm (nếu có), đồng thời, tổ chức giám định được chỉ định chỉ cần cung cấp: ảnh chụp các vị trí kiểm tra và các vị trí lấy mẫu; phiếu trả kết quả phân tích, thử nghiệm của các mẫu đại diện được cung cấp bởi tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm kèm theo chứng thư giám định mà không cần lưu giữ trong đĩa CD/DVD.
Tổ chức thực hiện được bảo lưu các quy định so với QCVN 31:2018/BTNMT. Các quy định chi tiết đã được nêu tại dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phế liệu sắt, thép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất thay thế QCVN 31: 2018/BTNMT.