Xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai

Lĩnh vực đất đai 13/09/2019

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp cùng với các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức và cá nhân có liên quan để xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và dự kiến trình Chính phủ cho ý kiến vào tháng 02/2020. Dự thảo Luật đang được xây dựng trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương đảng, tổng hợp vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương cùng phản ánh của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình sử dụng đất để nhằm mục đích tháo gỡ triệt để các vướng mắc, bấp cập của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành của các địa phương cùng việc mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với các Luật khác có liên quan đồng thời cũng đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Phổ biến tuyên truyền pháp luật đất đai

Trong thời gian qua, sau khi Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2013 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2014, việc tổ chức phổ biến, tuyên truyền đã được các Bộ, ngành, địa phương thực hiện như sau:

Đối với các cơ quan cấp Trung ương, Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về đất đai; biên tập tài liêu phô biên vê những nội dung đổi mới của Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết thi hành để sử dụng thống nhất trên cả nước; tổ chức in gần 5.000 cuốn Luật Đất đai và Nghị định để cung cấp cho các Bộ, ngành và các địa phương. Tổ chức Hội nghị giới thiệu những nội dung đổi mới của Luật Đất đai, Hội nghị phổ biến, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ báo cáo viên về pháp luật đất đai; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền cho các đối tượng có liên quan; phổ biến Luật Đất đai trên các phương tiện thông tin đại chúng; giới thiệu và trao đổi nhu cầu hợp tác trong triển khai thi hành Luật với các cơ quan ngoại giao, các nhà tài trợ quốc tế.

Đối với các địa phương, ngay sau khi Luật Đất đai năm 2013 được ban hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh. Tại địa phương, 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai công tác phổ biến Luật đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đến các tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức khác nhau. 

Nhiều địa phương đã triển khai cụ thể đến cả các đối tượng là cán bộ cấp huyện, cấp xã cùng với các tổ chức, đoàn thể các cấp (Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Luật gia, Hội Nhà báo...) đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai năm 2013 như: Tổ chức tập huấn Luật Đất đai năm 2013 cho cán bộ các cấp; một số tỉnh còn kết hợp tập huấn Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành với việc chấn chỉnh các sai phạm, yếu kém đã phát hiện trong quản lý, sử dụng đất; Hội nghị, hội thảo chuyên đề, toạ đàm, đối thoại doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; Xây dựng và phát hành bản tin, tờ rơi; mở các chuyên mục “hỏi đáp”, "luật sư của bạn", "trợ giúp pháp lý"; tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về đất đai với nhiều hình thức phong phú như thi viết, thi sân khấu hóa; tổ chức giao lưu trực tuyến; giải đáp, tư vấn pháp luật; tổ chức tiếp công dân và giải đáp chính sách pháp luật về đất đai cho người dân; công khai các thủ tục hành chính về đất đai tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ và trên trang Web của địa phương.

Nhìn chung, công tác tuyên truyền pháp luật đất đai đã được triển khai rộng rãi đến mọi đối tượng với những nội dung thiết thực và hình thức phù hợp được các Bộ, ngành, các địa phương và được dư luận nhân dân đánh giá cao. Qua phổ biến, tuyên truyền pháp luật về đất đai đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất.

Tuy nhiên, do pháp luật đất đai là một đạo luật lớn, phức tạp việc phổ biến tuyên truyền cần đến tận những người dân ở tất cả mọi địa bàn trong khi nhân lực và kinh phí cho công tác phổ biến tuyên truyền còn hạn chế; nhiều nơi thực hiện công tác phổ biến tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức còn mang tính hình thức nên chưa đạt được hiệu quả cao.

Đối với nội dung kiến nghị này của cử tri Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất và có ý kiến đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành khác cùng phối hợp để xây dựng các nội dung kế hoạch phổ biến tuyên truyền, giáo dục pháp luật để đạt được hiệu quả cao trong thời gian tới.

Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Đất đai

Đối với Trung ương, Sau khi Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2014, trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Luật Đất đai; Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan khác đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 13 Nghị định (gồm 10 Nghị định ban hành mới và 03 Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định); các Bộ, ngành đa ban hành 48 Thông tư, Thông tư liên tịch, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 33 Thông tư. Nhìn chung, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo kịp thời có hiệu lực ngay khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành; khắc phục được tình trạng Luật chờ các văn bản hướng dẫn. Việc ban hành đồng thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật có hiệu lực cùng với Luật đất đai đánh dấu một bước tiến quan trọng, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao trong việc chuẩn bị thi hành Luật Đất đai.

Đối với các địa phương, Bộ đã chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát các Điều, Khoản được giao trong Luật và Nghị định để quy định chi tiết thi hành. Đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phố ban hành được hơn 1.141 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật và các Nghị định quy định chi tiết thi hành cụ thể đối với 41 nội dung theo phân cấp. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản quy định tại một số địa phương còn chưa kịp thời, ban hành chậm so với thời điểm Luật đất đai có hiệu lực (ngày 01/7/2014); có một số nội dung vẫn chưa được quy định, quy định chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tế, có những quy định chưa đúng thẩm quyền, chưa phù hợp với pháp luật đất đai hiện hành. Điều này dẫn đến các tình trạng bất cập như cử tri đã nêu.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường thành lập các đoàn kiểm tra thi hành Luật Đất đai để chỉ đạo các địa phương khẩn trương ban hành các văn bản hướng Luật Đất đai và các Nghị định yêu cầu địa phương hướng dẫn để đảm bảo pháp luật đất đai kịp thời đi vào cuộc sống.