Yêu cầu đặt ra từ thực tiễn đối với việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai

Lĩnh vực đất đai 29/10/2019

Từ thực tế thi hành Luật Đất đai, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn là cần thiết.

Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013; Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình công tác năm 2019 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Nội dung dưới đây khái quát các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn đối với việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai:

Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2014. Để tổ chức thi hành Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu xây dựng và trình Chính phủ ban hành 13 Nghị định (gồm 10 Nghị định ban hành mới và 03 Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định); các Bộ, ngành đã ban hành 48 Thông tư, Thông tư liên tịch, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì ban hành 33 Thông tư. Việc ban hành kịp thời, đồng bộ và khá đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thi hành, góp phần đưa Luật Đất đai đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, qua báo cáo tình hình của các địa phương và ý kiến phản ánh của các tổ chức, cá nhân có liên quan, trong thực tiễn thi hành Luật Đất đai vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc như:

Thứ nhất, việc tiếp cận đất đai thông qua hình thức thoả thuận thuê, nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn gặp khó khăn, tại nhiều địa phương, việc nhận thức và áp dụng pháp luật chưa thống nhất, nhất là đối với trường hợp trong khu vực dự án có diện tích đất do Nhà nước quản lý, nội hàn về dự án sản xuất, kinh doanh; chưa có quy định để xử lý đất đai đối với trường hợp đã được Nhà nước giao, cho thuê những chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chưa tạo lập tài sản trên đất nhưng nay dự án bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư;

Thứ hai, vẫn còn một số nội dung pháp luật về đất đai chưa có quy định điều chỉnh (việc xử lý đất đai đối với trường hợp đã được Nhà nước giao, cho thuê những chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chưa tạo lập tài sản trên đất nhưng nay dự án bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư; việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa do Nhà nước trực tiếp quản lý cho người sử dụng đất liền kề;

Thứ ba, một số nội dung liên quan đến đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận tuy pháp luật đã có quy định nhưng lại chưa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ, đặc biệt là việc cải thiện Chỉ số đăng ký tài sản (A7) và Chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3).

Bên cạnh đó, việc Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch, cũng cần thiết phải rà soát lại các quy định tại các nghị định quy  định về việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Từ thực tế nêu trên, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn là cần thiết.