Họp Ban soạn thảo xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản

Tin tức - Sự kiện 25/05/2023

Sáng 24/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản.

img_1741.jpg

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp

Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cơ bản hoàn thiện, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, phát triển công nghiệp khai khoáng; công tác điều tra, đánh giá khoáng sản đạt nhiều kết quả đáng kể; tăng dự trữ khoáng sản quốc gia, đồng thời phục vụ nhiều ngành kinh tế khác. Công nghiệp khai khoáng đóng góp đáng kể cho các ngành kinh tế quan trọng như: dầu khí, than, xi măng, sắt - thép, hóa chất, alumin - nhôm,... và phát triển chuyển từ “bề rộng” sang “chiều sâu”; công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản được tăng cường, đạt hiệu quả, góp phần chấn chỉnh, đưa hoạt động khoáng sản vào nền nếp; chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Những kết quả trên đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Tuy nhiên, để các quy định ngày càng được hoàn thiện hơn, qua thực tiễn triển khai, trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành và địa phương cho thấy Luật Khoáng sản còn có nhiều hạn chế, bất cập, tồn tại. Các bất cập, tồn tại về cơ chế, chính sách; quy hoạch khoáng sản; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; thủ tục hành chính…Trong khi một số Luật mới được ban hành như Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch,… một số Luật được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế như Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Đầu tư,… thì Luật Khoáng sản vẫn chưa được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp và đồng bộ, thống nhất giữa các Luật. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản 2010, tiến tới hoàn thiện Luật Địa chất và Khoáng sản.

Việc xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước.

Tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm minh bạch, đồng bộ để có khả năng vốn hóa nguồn lực tài nguyên địa chất, khoáng sản, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật nhằm quản lý thống nhất quản lý địa chất, khoáng sản; bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản năm 2010 sau 10 năm thực hiện; rà soát các quy định của các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Khoáng sản, nhất là các Nghị định về quản lý cát, sỏi lòng sông; quản lý khoáng sản ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản... có tính chất ổn định khi thực hiện để bổ sung vào quy định của Luật Khoáng sản (sửa đổi) trong thời gian tới.  Bảo đảm tương thích với pháp luật có liên quan và thông lệ quốc tế, tạo hành lang pháp lý đồng bộ về địa chất và khoáng sản, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản gồm 12 Chương, 136 Điều (đúng như Đề cương), tuy nhiên thay đổi tên một số Chương về điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; Điều về Quyền lợi của địa phương và cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác và Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản…

Đơn vị soạn thảo Luật xin ý kiến Ban soạn thảo các vấn đề về sửa đổi, bổ sung Quy hoạch điều tra địa chất, khoáng sản thay cho Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng cát biển trong và ngoài phạm vi vùng bờ; bổ sung Chương mới Trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên địa chất và khoáng sản; thanh tra, kiểm tra và kiểm soát hoạt động địa chất và khoáng sản.

Ngoài ra, còn có các vấn đề về nâng cao năng lực và tính minh bạch trong kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản; lộ trình kết nối hệ thống thống camera giám sát và trạm cân với Trung tâm dữ liệu khoáng sản để kiểm soát gián tiếp hoạt động khoáng sản; xác định trữ lượng Khoáng sản; giao Chính phủ quy định về khai thác khoáng sản đi kèm; thẩm quyền cấp phép khoáng sản cát biển từ đường biên giới ngoài của vùng biển ven bờ; khai thác quy mô nhỏ (tiêu chí) và phân cấp cho huyện cấp phép quy mô nhỏ;

Cục Khoáng sản Việt Nam cũng xin ý kiến Ban soạn thảo các vấn đề khai thác vượt công suất, có mối quan hệ với Điều 227 Bộ Luật hình sự và pháp luật về hành chính; trữ lượng huy động vào thiết kế khai thác (hiện nay đang có nhiều cách tiếp cận khác nhau; công suất khai thác (tiếp cận dựa vào thị trường); phân cấp cho địa phương; vấn đề về thế chấp Giấy phép khai thác khoáng sản; thủ tục hành chính (giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác); chế biến khoáng sản (khái niệm, quy hoạch, …); công khai thông tin; sử dụng đất, đá thải mỏ để phục vụ cho mục đích cải tạo, phục hồi môi trường và các mục đích khác theo quy định của Chính phủ; hoàn trả chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản giữa các tổ chức, cá nhân…

 

img_1764.jpg

Ông Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam báo cáo tại cuộc họp

Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo đã góp ý cho từng Chương, Điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó có nhiều ý kiến về quyền lợi của địa phương và cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác; trách nhiệm bảo vệ khoáng sản của tổ chức, cá nhân; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Cũng có nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi các nội dung điều tra cơ bản địa chất; điều tra, khoanh định, lập bản đồ các khu vực di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên vị thế; điều tra cơ bản tài nguyên địa chất, khoáng sản; khu vực, diện tích khu vực thăm dò khoáng sản; thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản, đăng ký khai thác quy mô nhỏ.

Bên cạnh đó, có một số ý kiến cho rằng cần đề xuất Chương về chế biến khoáng sản trong dự thảo Luật; xem xét mối liên quan chặt chẽ giữa địa chất và khoáng sản từ khái niệm, phạm vi điều chỉnh, chính sách để thể hiện đúng với tên gọi Luật Địa chất và Khoáng sản…

 

img_1799.jpg

Quang cảnh cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên yêu cầu Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam tiếp thu những ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo để hoàn thiện dự thảo Luật, trên cơ sở đó tổ chức họp các chuyên đề về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân, nghĩa vụ tài chính; chuyên đề về vấn đề bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.

Thứ trưởng cũng đề nghị hai Cục rà soát đầy đủ những nội dung trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản liên quan đến các bộ luật do Bộ TN&MT chủ trì soạn thảo như Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo để giải quyết những vướng mắc đã và đang gặp phải trong thời gian qua như khai thác vượt công suất, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia…

Nguồn: Mai Đan, Báo điện tử tài nguyên và môi trường