Bảo đảm chất lượng, tính khả thi của dự Luật Đất đai (sửa đổi)

Tin tức - Sự kiện 08/04/2023

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã dành hơn 1 buổi để xem xét, thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Có 29 đại biểu Quốc hội phát biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Bảo đảm chất lượng, tính khả thi của dự Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội - Ảnh: VGP/ĐH

Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ, các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan hữu quan, sự chỉ đạo sâu sát của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Các ý kiến phát biểu nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời cũng đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật, nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, việc quản lý sử dụng đất, nhất là 8 nhóm vấn đề trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết 18 như: Vấn đề hoàn thiện các quy hoạch, quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chế độ sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án sử dụng đất và những vấn đề liên quan đến cơ chế xác định giá đất, cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, cơ chế, chính sách quản lý sử dụng đất nông nghiệp, quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích…

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp ý kiến thảo luận, báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự án Luật.

Với 10 nội dung có ý kiến khác nhau, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thực tiễn, ưu, nhược điểm, tính phù hợp với đặc thù của Việt Nam đối với từng loại ý kiến, quan điểm, lựa chọn của Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trình Quốc hội xem xét và thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp cho dự án Luật Đất đai, đồng thời mong muốn nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ quan nghiên cứu khoa học, các chuyên gia, các nhà khoa học, truyền thông, báo chí tiếp tục tham gia ý kiến để hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo chất lượng, tính khả thi của Luật Đất đai (sửa đổi) khi có hiệu lực thi hành", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ.