Các cam kết về môi trường bắt buộc thực hiện trong CPTPP và EVFTA

Quản lý hóa chất 02/11/2020

Tại hai Hiệp định đều dành một chương riêng quy định về BVMT, phát triển bền vững (Chương 20 về Môi trường của CPTPP với 81 khoản; Chương 13 về Thương mại và Phát triển bền vững của EVFTA với 41 khoản). Theo đó, các quy định yêu cầu các bên tham gia có nghĩa vụ thực hiện cam kết về BVMT, đa dạng sinh học (ĐDSH) và biến đổi khí hậu (BĐKH), các thiết chế thực thi và giải quyết tranh chấp phát sinh.

Ngày 8/6/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 102/2020/QH14 phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong đó các yêu cầu về BVMT được hai Hiệp định cam kết ở mức cao với các mục tiêu: Thúc đẩy chính sách hỗ trợ lẫn nhau trong thương mại và môi trường; đẩy mạnh thực thi pháp luật về môi trường và các điều ước quốc tế đa phương về môi trường; bảo đảm sự tăng trưởng về thương mại và đầu tư không ảnh hưởng đến chi phí BVMT; nâng cao năng lực của các bên trong giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến thương mại.

Tại hai Hiệp định đều dành một chương riêng quy định về BVMT, phát triển bền vững (Chương 20 về Môi trường của CPTPP với 81 khoản; Chương 13 về Thương mại và Phát triển bền vững của EVFTA với 41 khoản). Theo đó, các quy định yêu cầu các bên tham gia có nghĩa vụ thực hiện cam kết về BVMT, đa dạng sinh học (ĐDSH) và biến đổi khí hậu (BĐKH), các thiết chế thực thi và giải quyết tranh chấp phát sinh. Để thực hiện 2 Hiệp định nêu trên và các Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ thực hiện hai Hiệp định, ngày 18/8/2020, Bộ TN&MT đã phê duyệt Quyết định số 1813/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch thực hiện CPTPP và EVFTA, trong đó chú trọng triển khai các cam kết mang tính bắt buộc thực hiện.

Cam kết BVMT ở mức độ cao

Điều 20.3.(3) CPTPP và Điều 13.2.2 quy định mỗi bên phải nỗ lực để bảo đảm pháp luật BVMT quy định, đồng thời khuyến khích BVMT ở mức độ cao và tiếp tục tăng cường BVMT. Đây là cam kết có tính chất bắt buộc nhưng nội dung ở các điều nêu trên lại dùng cụm từ “khuyến khích”, “cố gắng”. Ngoài ra, hai Hiệp định còn cho phép các bên tự thiết lập chính sách và thực thi quy định về BVMT. Có thể nói đây chính là cơ sở để quy định các nội dung có tính chất bắt buộc ở các điều khoản khác và để nhà đầu tư có thể bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách khởi kiện khi nhận thấy nước sở tại chưa bảo đảm sự cân bằng chi phí BVMT trong sản xuất hàng hóa giữa các nước thành viên. Đặc biệt, cả hai Hiệp định đều không cho phép các bên giảm nhẹ hiệu lực pháp lý hoặc miễn trừ các quy định luật pháp về môi trường làm ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư giữa các Bên (20.3.4 và 20.3.6 CPTPP và 13.3.2, 13.3.3, 13.3.4 EVFTA).

Để thực thi các cam kết này, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là việc tuân thủ các quy định về BVMT của các nhà đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Mặc dù các quy định pháp luật về BVMT ở nước ta đã cơ bản đầy đủ và đáp ứng các yêu cầu BVMT của hai Hiệp định nhưng vẫn còn hiện tượng vi phạm pháp luật về môi trường, thiếu sự đầu tư các công trình BVMT đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, nếu được đầu tư thì không vận hành theo đúng quy trình… Nhiều trường hợp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thậm chí gây sự cố môi trường. Đây là những trường hợp dễ dẫn đến rủi ro như xảy ra khiếu nại hoặc khiếu kiện theo quy định của hai Hiệp định.

Kiểm soát chất gây suy giảm tầng ô zôn và thúc đẩy thị trường các bon

Khoản 20.5.1 CPTPP yêu cầu các bên phải thực hiện biện pháp kiểm soát việc sản xuất, tiêu thụ và mua bán những chất làm suy giảm hoặc biến đổi tầng ô zôn. Để thực hiện quy định này, các bên cần duy trì biện pháp hoặc biện pháp được liệt kê tại Phụ lục 20-A CPTPP hoặc/và thực thi nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal hoặc bất kỳ biện pháp nào tương đương hoặc cao hơn. EVFTA cũng yêu cầu các bên thực hiện điều ước đa phương liên quan đến BĐKH UNFCCC, Hiệp định Paris và tích cực hợp tác để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải, thích ứng với khí hậu, phù hợp với Hiệp định Paris (13.6.1 EVFTA). Các bên phải tham vấn, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong các lĩnh vực ưu tiên hoặc lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, bao gồm: các bài học, thông lệ tốt nhất trong việc xây dựng, thực thi và vận hành các cơ chế định giá các bon; thúc đẩy thị trường các bon trong nước, quốc tế thông qua các cơ chế như Chương trình mua bán khí thải và Giảm phát thải từ phá rừng, suy thoái rừng; tăng cường tiết kiệm năng lượng, công nghệ khí thải thấp và năng lượng tái tạo (13.6.2 EVFTA). Để thực hiện điều này, hiện nay, Bộ TN&MT đã sửa đổi Luật BVMT, trong đó quy định về thị trường các bon.

BVMT khỏi ô nhiễm từ tàu biển

Khoản 20.6.1 CPTPP quy định mỗi bên phải thực hiện các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường từ tàu biển. Hiệp định cũng xác định các bên phải hoàn thành nghĩa vụ bắt buộc này nếu duy trì biện pháp hoặc các biện pháp được liệt kê tại Phụ lục 20-B, thực thi nghĩa vụ trong khuôn khổ Công ước Marpol hoặc bất kỳ biện pháp nào sau đó tương đương hoặc cao hơn. Hiện nay, Việt Nam đã đáp ứng được quy định này, tuy vậy, cần thiết phải đưa nội dung BVMT từ tàu biển cụ thể hơn vào Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) lần này; đặc biệt là các quy định khung làm cơ sở hợp tác với các bên để giải quyết các vấn đề liên quan đến ô nhiễm do tai nạn từ tàu biển (20.6.3 CPTPP).

Bảo vệ ĐDSH

Hai Hiệp định đều yêu cầu bảo vệ ĐDSH ở mức độ cao. Theo đó, mỗi bên phải thúc đẩy, khuyến khích việc bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH (20.13.2 CPTPP). Mỗi bên sẽ công khai các chương trình, hành động, bao gồm cả những chương trình hợp tác liên quan đến việc bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH (20.13.5). Tiểu ban môi trường sẽ phối hợp với Tiểu ban về Vệ sinh dịch tễ được thiết lập trong khuôn khổ Điều 7.5 (Tiểu ban về vệ sinh dịch tễ) để xác định các cơ hội hợp tác nhằm chia sẻ thông tin và kinh nghiệm quản lý về sự di chuyển, cách ngăn ngừa, phát hiện, kiểm soát và loại trừ các sinh vật ngoại lai xâm hại.

Điều 13.17.2 EVFTA quy định các bên sẽ nỗ lực tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn gen với mục đích đúng đắn và sẽ không áp dụng các hạn chế đi ngược lại với mục tiêu của Công ước về ĐDSH (CBD). Các bên sẽ khuyến khích việc sử dụng bền vững và bảo tồn ĐDSH, trong đó có việc tiếp cận nguồn gen, chia sẻ công bằng, hợp lý các lợi ích phát sinh từ việc sử dụng chúng; thông qua và thực thi các biện pháp hiệu quả, phù hợp với các cam kết của các hiệp ước quốc tế mà các bên tham gia, hướng tới giảm thiểu việc buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã.

Chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải và mau phục hồi

Chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải và mau phục hồi (20.15.2 CPTPP) là cam kết mang tính bắt buộc nhưng chỉ dừng lại ở mức yêu cầu các bên hợp tác và nỗ lực thực hiện việc chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải, mau phục hồi. Thỏa thuận này vừa là thách thức, vừa là cơ hội của Việt Nam khi ký kết Hiệp định CPTPP vì việc chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải và mau phục hội với các nội dung đa dạng đòi hỏi phải được thực hiện đồng bộ. Đây là yêu cầu mới đối với thực tiễn phát triển ở nước ta do công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức bộ máy nhà nước còn một số hạn chế. Tuy nhiên, Hiệp định cũng mở ra cơ hội hợp tác, hỗ trợ để cùng nhau xây dựng nền kinh tế phát thải thấp và mau phục hồi với các lĩnh vực hợp tác đa dạng như sử dụng hiệu quả năng lượng; phát triển công nghệ với chi phí thấp và ít phát thải, các nguồn năng lượng sạch và có thể tái tạo; giao thông vận tải và sự phát triển bền vững cơ sở hạ tầng đô thị; giải quyết việc phá rừng và suy thoái rừng; giám sát chất thải; cơ chế thị trường và phi thị trường; phát triển ít phát thải, mau phục hồi và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong các lĩnh vực này.

Cơ chế tự nguyện nhằm nâng cao biểu hiện BVMT

Cơ chế tự nguyện nhằm nâng cao biểu hiện BVMT (20.11.2 CPTPP): Đây là nội dung bắt buộc thực hiện nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích các bên sử dụng các cơ chế linh hoạt và tự nguyện để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; sự tham gia của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ liên quan… vào việc xây dựng các tiêu chí sử dụng để đánh giá hoạt động BVMT theo cơ chế tự nguyện. Như vậy, cần thiết phải có sự nghiên cứu để đưa vào Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) một quy định khung liên quan đến cơ chế tự nguyện nhằm nâng cao BVMT, trên cơ sở đó có sự hợp tác và những bước đi ban đầu tạo các cơ chế BVMT mới, hiệu quả hơn ở nước ta.