Có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở, doanh nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với nhiều mức xử phạt rất nghiêm khắc đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường, đã tạo sự chuyển biến tích cực đối với doanh nghiệp và người dân. Đối với các cơ sở vi phạm, ngoài mức xử phạt bằng tiền lên tới 02 tỷ đồng còn bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 03 - 12 tháng và buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo đó, đã buộc các doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến công tác bảo vệ môi trường, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục còn thiếu theo quy định; quan tâm đầu tư và vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường quốc gia; thu gom, quản lý, xử lý chất thải... Ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và người quản lý, chủ doanh nghiệp được nâng lên, nhờ đó, môi trường tại các khu công nghiệp, khu vực sản xuất kinh doanh từng bước được cải thiện.
Mô hình xử lý nước thải
Để quản lý tốt việc thực thi các chính sách, pháp luật tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần có sự phối hợp và vào cuộc của tất cả các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và bản thân các doanh nghiệp. Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ xem xét sửa đổi một số Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, trong đó dự kiến đưa ra các công cụ quản lý, kiểm soát chặt chẽ như: quy định chi tiết như nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; phương án bảo vệ môi trường; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại; quản lý môi trường trong khu, cụm công nghiệp, nhằm hoàn thiện các quy định về môi trường, tăng cường kiểm soát các loại hình sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn thực hiện và áp dụng nghiêm các chế tài xử lý vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Có những dự án cải thiện môi trường nước, quan tâm hơn đến quá trình xử lý nước thải tại các nhà máy nhiệt điện trên cả nước, cải tiến công nghệ xử lý rác thải, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân
Để từng bước khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm môi trường nước nói riêng, hỗ trợ kinh phí về xử lý rác thải, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ dự án đầu tư xử lý chất thải rắn tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, theo đó, đã quy định các chính sách hỗ trợ kinh phí cho hoạt động xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành quy hoạch quản lý chất thải rắn, quy định và tổ chức các hoạt động quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Hiện nay, tại hầu hết các tỉnh, thành phố kinh phí cho việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang được chính quyền địa phương hỗ trợ. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó quy định đối với lĩnh vực đầu tư vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải, các địa phương có thêm kênh thu hút vốn để tháo gỡ nút thắt trong các dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn.
Nhận thức được việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng triển khai một số dự án hợp tác với các nước phát triển, các tổ chức quốc tế. Thực tế đã có một số nhà máy xử lý chất thải rắn thành phân compost hoặc xử lý chất thải rắn thu hồi năng lượng đã và đang triển khai ở một số địa phương của Việt Nam. Tuy nhiên, để áp dụng vào từng địa phương, cần tiếp tục phải nghiên cứu để đưa ra mô hình công nghệ xử lý phù hợp với đặc tính chất thải rắn sinh hoạt; nguồn lực kinh tế; điều kiện khí hậu,...