Cơ chế chính sách hỗ trợ để xây dựng các Khu xử lý rác thải sinh hoạt quy mô vùng, cụm xã với công nghệ hiện đại

Môi trường 02/07/2019

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng lò đốt rác có quy mô, công suất nhỏ, đáp ứng xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã, thị trấn; tuy nhiên quá trình đưa vào sử dụng đã bộc lộ nhiều vấn đề còn hạn chế. Vì vậy, Trung ương đã có các chỉ đạo cụ thể, có các cơ chế chính sách hỗ trợ để xây dựng các Khu xử lý rác thải sinh hoạt quy mô vùng, cụm xã với công nghệ hiện đại, hiệu quả cao, đảm bảo môi trường sống cho người dân.

Hiện nay chương trình xây dựng nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, tổ chức thực hiện, trong đó có nội dung đầu tư xây dựng và vận hành các lò chất thải rắn sinh hoạt có công suất nhỏ, quy mô cấp xã, thị trấn.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, trình Chính phủ ban hành hoặc đã ban hành theo thẩm quyền các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050, trong đó chú trọng đến quản lý tổng hợp chất thải rắn.             

Kết quả hình ảnh cho xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã

Nhằm kiểm soát nguồn ô nhiễm môi trường thứ cấp phát sinh do xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 03/2016/TT-BTNMT ngày 10/3/2016 ban hành QCVN 61-MT: 2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, trong đó quy định muộn nhất là đến ngày 01/5/2019, các lò đốt rác cũ phải cải tạo, nâng cấp đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định. 

Ngoài ra, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo kịp thời khác. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018, trong đó chú trọng: (1) Ưu tiên xây dựng các cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung vùng tỉnh, vùng liên tỉnh phù hợp với quy hoạch quản lý chất thải rắn và bảo đảm quản lý vận hành ổn định, hiệu quả; (2) Huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; (3) Thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức đối tác công tư (PPP) phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương; (4) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường.