Theo số liệu thống kê, khối lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động bao gồm: 878 khu đô thị, 283 khu công nghiệp, 584 cụm công nghiệp, hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trên 3.500 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hơn 5.400 làng nghề, hơn 13.500 cơ sở y tế...; hàng ngày phát sinh hơn 3.000.000 m3 nước thải sinh hoạt, 550.000 m3 nước thải công nghiệp, 125.000 m3 nước thải y tế. Trong đó, có 12% trong tổng số 248 khu công nghiệp, 83% trong tổng số 584 cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 48 cơ sở có nguồn thải công nghiệp lưu lượng xả thải lớn hơn 1.000 m3/ngày, 175 cơ sở có nguồn thải công nghiệp lưu lượng xả thải từ 200 m3/ngày tới 1.000 m3/ngày. Đây là những sức ép rất lớn đến công tác bảo vệ môi trường tại các đô thị, khu, cụm công nghiệp, làng nghề và vùng nông thôn.
Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Công tác quan trắc, giám sát chất lượng môi trường xung quanh, hoạt động xả thải tại các cơ sở có nguồn thải lớn đã được tăng cường. Hiện nay toàn quốc đang có 264 trạm quan trắc nước thải liên tục, tự động; 55 trạm quan trắc liên tục, tự động nước mặt môi trường xung quanh; 118 trạm quan trắc khí thải, 49 trạm quan trắc liên tục, tự động môi trường khí xung quanh. Các nguồn thải lớn như các khu công nghiệp phải đảm bảo xả nước thải vào hồ sinh học trước khi xả thải ra môi trường nước. Trong ba năm vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra khoảng 1.000 doanh nghiệp; xử phạt nghiêm các cơ sở có hành vi xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép về môi trường (chiếm khoảng 25-30%); thanh tra tại 139 cụm công nghiệp, phát hiện và xử lý 38 cụm công nghiệp có vi phạm, đến nay đã có 24 cụm công nghiệp hoàn thành biện pháp khắc phục vi phạm; xử lý gần 50 vụ việc gây ô nhiễm môi trường, điểm nóng về môi trường xảy ra trên phạm vi toàn quốc. Bộ cũng đã tổ chức hoạt động kiểm soát, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường; tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định, cơ chế, công cụ, biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường (thanh tra, kiểm tra, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép về môi trường); tập trung kiểm soát các dự án, cơ sở, khu công nghiệp có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; xử lý các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và xây dựng ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, người dân và doanh nghiệp; và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án quản lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường.
Triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm
Các giải pháp cụ thể triển khai trong thời gian tới: Đẩy mạnh công tác phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới, đồng thời giảm các nguồn thải đang gây ô nhiễm; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; có chính sách ưu đãi các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến xử lý chất thải, tuần hoàn chất thải, giảm phát thải.
Xây dựng hệ thống tiêu chí và môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất phục vụ cho việc thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư. Thực hiện nghiêm Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 11/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020.
Triển khai tổng điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải từ các cơ sở sản xuất, dịch vụ có phát sinh chất thải trên phạm vi toàn quốc; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải nhằm phân loại các dự án, nguồn thải theo mức độ tác động, thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả, tiến tới kiểm toán chất thải, đặc biệt với các cơ sở, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nhất là trong thu hút đầu tư vào các khu vực nhạy cảm về môi trường; triển khai đề án kiểm soát đặc biệt với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao với mục tiêu kiểm soát, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường lớn; hoàn thiện hệ thống quan trắc, quan trắc tự động tại cơ sở và môi trường xung quanh; tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vi phạm; tiếp tục duy trì hoạt động, phát huy hiệu quả của đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, cần thấy rằng công tác bảo vệ môi trường tại các đô thị, khu, cụm công nghiệp, làng nghề và vùng nông thôn có liên quan nhiều đến chức năng quản lý của các Bộ, ngành và địa phương. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó sẽ phân định rõ nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước; đề xuất nhiều cơ chế, chính sách, công cụ quản lý mới có tính đột phá, phù hợp với những yêu cầu mới đang đặt ra của thực tiễn công tác bảo vệ môi trường.