Bổ sung một số loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

Môi trường 17/07/2019

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 64/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

 

 

Thông đỏ nam - một trong những loài được bổ sung vào danh mục thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại Nghị định 64/2019/NĐ-CP

Theo đó, Nghị định 64/2019/NĐ-CP đã sửa đổi Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ cụ thể như sau:

Về loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ được nâng lên từ 17 lên 28 loài (tăng thêm 11 loài so với trước đây), trong đó bổ sung một số loài như: Thông đỏ nam (Thông đỏ lá dài, Thanh tùng), Hoàng liên gai lá dài, Hoàng liên gai lá mốc, Lan hài chai (Lan vân hài), Lan hài xanh, Lan hài chân tím, Lan hài trân châu...

Về loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, Nghị định cũng bổ sung thêm một số loài như: Voọc bạc trường sơn, Vượn má vàng trung bộ, Vượn siki, Công, Trĩ sao, Rẽ mỏ thìa, Choắt mỏ vàng, Tắc kè đuôi vàng, Thằn lằn cá sấu... đưa tổng số loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ từ 83 loài lên 99 loài.

Định kỳ 3 năm một lần hoặc khi cần thiết, Chính phủ quyết định điều chỉnh, bổ sung Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 5/9/2019.

Tiêu chí xác định loài được ưu tiên bảo vệ

Theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ phải đáp ứng các tiêu chí sau:

1. Số lượng cá thể còn ít hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng theo quy định tại Điều 5 Nghị định này;

2. Là loài đặc hữu hoặc có một trong các giá trị đặc biệt về khoa học; y tế; kinh tế; sinh thái, cảnh quan, môi trường và văn hóa - lịch sử theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.