Về vấn đề phân loại, xử lý rác thải: Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận và chia sẻ với những lo ngại của cử tri trước tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải và những khó khăn, bất cập trong công tác thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (hay còn gọi là rác thải) phát sinh ngày càng lớn. Nhà nước chi trả toàn bộ kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý trong khi phí vệ sinh môi trường mà người dân nộp chỉ đủ bù đắp một phần cho hoạt động thu gom, đặc biệt là một số tỉnh miền núi có mật độ dân cư thưa thớt, thu nhập bình quân đầu người còn thấp.
Trước thực trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019, trong đó chính thức giao Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp Chính phủ thống nhất quản lý chất thải rắn trên phạm vi cả nước. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương rà soát, trình Chính phủ báo cáo kết quả rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, trong đó đã bổ sung một số quy định cụ thể về công tác quản lý chất thải rắn; tổ chức đồng loạt các đoàn kiểm tra công tác quản lý chất thải rắn tại các địa phương để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, bất cập tại các địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ và đang tích cực chuẩn bị nội dung cho Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý chất thải rắn, dự kiến tổ chức trong tháng 10/2019 để trao đổi, thống nhất các giải pháp lớn trong công tác quản lý chất thải rắn, bao gồm từ các giải pháp quản lý, các cơ chế, chính sác hỗ trợ đến các giải pháp về khoa học, công nghệ. Dự kiến sau Hội nghị này, Bộ sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn trên phạm vi cả nước.
Về phía các địa phương, cần tăng cường khuyến khích người dân giảm thiểu lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh phải xử lý, đặc biệt là chất thải nhựa; tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đối với các tỉnh miền núi, việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải dựa trên thành phần chất thải rắn được thu gom, vận chuyển về cơ sở xử lý. Với quan điểm chất thải rắn sinh hoạt là tài nguyên, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng trong quá trình xử lý; chỉ lựa chọn phương pháp đốt để xử lý khi không có biện pháp đồng thời chất thải rắn sinh hoạt đưa vào đốt phải có nhiệt trị tối thiểu là 1.200kcal/kg.