Luật Tài nguyên nước được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, theo đó, tại Điều 65 đã giao Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp khai thác tài nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước, theo đó, Điều 40 đã quy định các trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Ngày 17/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2017.
Ngay sau khi Nghị định số 82/2017/NĐ-CP có hiệu lực Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để các tổ chức cá nhân thực hiện việc kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Đến nay 100% các công trình đã có giấy phép trước ngày Nghị định có hiệu lực và chủ giấy phép thực hiện kê khai đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tiền cấp quyền theo quy định. Đối với các giấy phép khai thác mới việc tiếp nhận thẩm định hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã được thực hiện đồng thời với việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị điều chỉnh, cấp lại giấy phép về tài nguyên nước theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 82/2017/NĐ-CP.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tính đến ngày 30/9/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt được 681 công trình tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền trên 10.159 tỷ đồng;
Trong số 681 công trình khai thác tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, gồm có:
139 công trình khai thác nước dưới đất (trong đó 63 công trình khai thác nước cấp cho các nhà máy nước, 76 công trình khai thác nước dưới đất khác (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...).
542 công trình khai thác nước mặt (trong đó có 493 công trình thủy điện, 5 công trình hồ chứa thủy lợi, 21 công trình khai thác nước cấp cho các nhà máy nước, 23 công trình khai thác nước mặt khác (làm mát, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...).
Theo số liệu báo cáo của các tỉnh thì tính đến ngày 30/6/2020, các tỉnh đã phê duyệt được tổng số tiền trên 400 tỷ đồng.
Về tình hình thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, thực hiện quy định tại Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã chỉ đạo các Cục Thuế địa phương tích cực phối hợp với cơ quan tài nguyên môi trường và các cơ quan có liên quan tại địa phương thực hiện việc thông báo thu, đôn đốc thu nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo đúng quy định pháp luật, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Như vậy có thể thấy các đơn vị đã chấp hành tương đối đầy đủ việc nộp tiền theo các Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thông báo của cơ quan thuế.
Sau 03 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã đi vào cuộc sống, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước trong việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, tăng thu ngân sách Nhà nước.