Một số khó khăn, tồn tại, hạn chế và bất cập trong thực hiện Nghị định số 82/2017/NĐ-CP

Lĩnh vực tài nguyên nước 15/10/2020

Ngày 17/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, có hiệu lực từ ngày 01/9/2017. Về cơ bản qua quá trình thực hiện trong thời gian hơn 3 năm, Nghị định đã đi vào cuộc sống, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và làm thay đổi nhận thức đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai trên cơ sở tổng hợp hơn 140 văn bản của các địa phương, doanh nghiệp, thì bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, tồn tại.

Vướng mắc do thay đổi các quy định của pháp luật

Căn cứ vào chất lượng nguồn nước khai thác (Hệ số điều chỉnh K1 tại Điều 2 và Phụ lục II)

Theo quy định của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP, chất lượng nguồn nước được xác định theo phân vùng chất lượng nước hoặc phân vùng chức năng nguồn nước trong quy hoạch tài nguyên nước. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quy hoạch thì quy hoạch tài nguyên nước là quy hoạch ngành quốc gia nên không quy định phân vùng chức năng nguồn nước. Hơn nữa, theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch thì ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không còn quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh mà chỉ có quy hoạch tỉnh, trong đó có nội dung về tài nguyên nước.

Tính đến thời điểm hiện nay, các tỉnh đã có quy hoạch tài nguyên nước là 41 tỉnh, thành phố và các tỉnh chưa lập Quy hoạch tài nguyên nước là 23 tỉnh, thành phố gồm Bến Tre; Cần Thơ, Cà Mau, Đà Nẵng, Đắk Lắk; Đắk Nông; Hà Nội; Hồ Chí Minh; Hải Dương; Hòa Bình; Hưng Yên; Khánh Hòa; Kiên Giang; Kon Tum; Lai Châu; Lâm Đồng; Ninh Thuận; Quảng Nam; Tây Ninh; Thanh Hóa; Thừa Thiên Huế; Tiền Giang; Trà Vinh. Với 23 tỉnh này sẽ lập nội dung về tài nguyên nước trong quy hoạch tỉnh. Vì vậy, nếu Nghị định tiếp tục quy định phân vùng chức năng nguồn nước trong quy hoạch tài nguyên nước thì không phù hợp với pháp luật về quy hoạch.

Mặc dù, số lượng các tỉnh đã có quy hoạch tài nguyên nước là 41/63 tỉnh, thành nhưng hiện nay mới có 28/63 tỉnh, thành có phân vùng chức năng nguồn nước gồm: An Giang; Bắc Giang; Bắc Ninh; Bình Định; Bình Dương; Bình Phước; Cao Bằng; Điện Biên; Đồng Nai; Gia Lai; Hải Phòng; Hà Giang; Hà Nam; Hưng Yên; Lào Cai; Long An; Nam Định; Nghệ An; Ninh Bình; Phú Thọ; Phú Yên; Quảng Bình; Quảng Ngãi; Quảng Ninh; Sơn La; Thái Bình; Thái Nguyên; Tuyên Quang; Yên Bái (Chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo Báo cáo). Trong khi đó, chất lượng nguồn nước không ổn định và thay đổi theo thời gian hoặc có trường hợp chỉ có một vài thông số không đạt chất lượng theo quy định nên khó khăn trong quá trình áp dụng. Vì vậy, nhiều tỉnh, thành phố đã đề nghị sửa đổi nội dung này để đảm bảo phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch và tình hình thực tế của các địa phương.

Các quy định về hệ số nguồn nước khai thác có liên quan đến vùng hạn chế khai thác nước dưới đất (khoản 4 Điều 2 và Phụ lục II)

Các quy định về hệ số nguồn nước khai thác có liên quan đến vùng hạn chế khai thác nước dưới đất hiện không còn phù hợp với quy định tại Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất... Như trường hợp tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận nếu công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định của Nghị định số 167/2018/NĐ-CP, trường hợp có công trình khai thác nước nằm trong vùng hạn chế khai thác nước thì hệ số K2 quy định tại Phụ lục II sẽ có 2 giá trị. Vì vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung cụ thể để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Các quy định về thông báo nộp tiền, thời hạn thông báo nộp tiền, thời hạn nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, Mẫu thông báo nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Năm 2019, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, trong đó Luật đã giao Chính phủ xây dựng, trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế. Bộ Tài chính đã đề nghị sửa đổi các quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, địa điểm nộp hồ sơ khai thuế (trong đó có tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước), về thời hạn nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước của cơ quan thuế; về Mẫu thông báo nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Những nội dung nêu trên đã Chính phủ hướng dẫn tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế. Do đó, để tránh chồng chéo, trùng lặp Bộ Tài chính đã đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2017/NĐ-CP để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Vướng mắc từ thực tiễn triển khai Nghị định

Về sản lượng tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 7)

Theo thống kê của Bộ Xây dựng hiện nay có khoảng 110 hệ thống cấp nước tập trung tại các khu vực đô thị với tổng lưu lượng khoảng 15 triệu m3/ngày đêm (khai thác cả nguồn nước mặt và nước dưới đất), trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp: 48 Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất cho 16 Công ty cấp nước vào các hệ thống cấp nước đô thị; 26 Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt cho 26 Công ty cấp nước vào các hệ thống cấp nước đô thị.

Công trình phức tạp nhất hiện nay là Công trình Nhà máy nước Sông Đà (tên gọi trước đây là Nhà máy nước Vinaconex), khai thác nguồn nước mặt Sông Đà để cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Đông và Hà Nội. Công trình nêu trên khai thác, bán buôn cho 11 Công ty kinh doanh nước sạch để cấp vào các hệ thống cấp nước tập trung. Do vậy, để xác định sản lượng tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước của công trình nêu trên thì cần xác định thông qua tỷ lệ cấp nước cho các mục đích sử dụng nước của các hệ thống cấp nước tập trung đó.

Mỗi hệ thống cấp nước tập trung nêu trên, ngoài sản lượng nước mua buôn từ Nhà máy nước Vinaconex còn tự sản xuất nước sạch hoặc mua từ công ty sản xuất nước sạch khác để cấp vào hệ thống. Do vậy, việc tính toán, thẩm định việc xác định tỷ lệ cấp nước cho các mục đích sử dụng của Nhà máy nước Vinaconex gặp nhiều khó khăn do không có số liệu đồng bộ về sản lượng nước kinh doanh trong 01 năm của mỗi hệ thống riêng, chủ yếu dựa vào việc cung cấp tỷ lệ cấp nước của các hệ thống cấp nước của các Công ty mua nước đó.

Trong khi đó, Nghị định số 82/2017/NĐ-CP không có quy định hướng dẫn cụ thể cách tính toán tỷ lệ cấp nước. Vì vậy, đối với hệ thống cấp nước tập trung, nhiều địa phương đề nghị bổ sung cụ thể căn cứ xác định tỷ lệ cấp nước cho các mục đích của hệ thống cấp nước tập trung để làm cơ sở xác định sản lượng tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Về giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 8)

Nghị định quy định áp dụng giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên tuy nhiên, giá tính thuế tài nguyên thay đổi theo năm, trong khi đó tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chỉ phê duyệt một lần khi được cấp quyền. Vì vậy, việc không quy định thời điểm áp dụng các mức giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã gây khó khăn cho địa phương trong quá trình áp dụng và không thống nhất ở các địa phương. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, nhiều địa phương đề nghị bổ sung thời điểm áp dụng giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Ngoài ra, các tỉnh cũng đề nghị quy định rõ áp dụng giá ứng với từng mục đích sử dụng nước như quy định về khung giá tính thuế của Bộ Tài chính.

Về trình tự thủ tục tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 11)

Nhiều địa phương đề nghị bổ sung hướng dẫn cụ thể về thời gian tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tại khoản 2 Điều 11 được xác định như thế nào khi hồ sơ tính tiền cấp quyền phải nộp đồng thời với hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong khi Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa được cấp, chưa rõ thời hạn cấp phép. Theo đó, địa phương đề nghị sửa lại điều này theo hướng khi nhận được giấy phép thì cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, thẩm định hồ sơ trình hồ sơ phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước hoặc quy định rõ thời điểm giấy phép có hiệu lực.

Đối với trường hợp công trình khai thác thực tế không đúng với ngày phê duyệt tiền đã đề nghị điều chỉnh Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền. Tính đến nay, kể từ khi Nghị định số 82/2017/NĐ-CP có hiệu lực, trên tổng số khoảng trên 500 công trình đã cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và được phê duyệt tiền cấp quyền thì:

Có 30 công trình thủy điện, chủ giấy phép đã đề nghị điều chỉnh do thời gian vận hành không đúng ngày đã dự kiến trong quyết định phê duyệt tiền cấp quyền, trong đó có 23 công trình đã phải điều chỉnh 2 lần hoặc có khả năng điều chỉnh từ 2 lần trở lên như: Nậm Sì Lường 1, Nậm Củn, Nậm Củn 2, Tiên Thành, Đa Nhim mở rộng, Nậm Ban 1, Ngòi Phát, Nhạn Hạc A, Nhạn Hạc B, Thượng Kon Tum, Long Tạo, PaKe, Nhiệt điện Thái Bình 2, Nậm Tha Hạ, Đa M’bri, Mường Hum, Đá Đen, Suối Chăn 1, Nậm Ban 3, Đăk Re, Suối Mu, Ayun Trung, Rào Trăng 4, Đăk Lô 2, Hồi Xuân, Hòa Thuận, Chi Khê, Đồng Chum 2, Bắc Hà, Suối Nhạp A.

Mặc dù, đã điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tuy nhiên, tỷ lệ các công trình có khả năng tiếp tục điều chỉnh (lần 2) do thời gian vận hành tiếp tục thay đổi so với dự kiến vào khoảng 30-40% số lượng công trình nêu trên.

Ngoài ra, còn khoảng 50-60 công trình có khả năng sẽ đề nghị điều chỉnh tiền cấp quyền trong thời gian tới do thời gian vận hành khác với thời gian dự kiến đã phê duyệt trong quyết định phê duyệt tiền cấp quyền.

Bên cạnh đó, có nhiều công trình đã được cấp phép và chuẩn bị cấp phép, thời gian dự kiến vận hành chính thức khoảng năm 2023-2024, thì việc liên tục phải điều chỉnh tiền cấp quyền do thời gian vận hành là thường xuyên xảy ra.

Vì vậy, việc dự kiến thời gian vận hành công trình để làm căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khi công trình chưa đi vào vận hành làm phát sinh thủ tục nộp, thẩm định, trình phê duyệt Quyết định điều chỉnh tiền cấp quyền. Để tránh được những trường hợp nêu trên, đề nghị bổ sung thêm 1 khoản mới quy định về trình tự, thủ tục đối với trường hợp khi cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước công trình chưa khai thác tài nguyên nước với trình tự, thủ tục độc lập với thủ tục cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 12)

Về các trường hợp điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước: Nhiều địa phương đề nghị bổ sung những trường hợp được điều chỉnh giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước như vì lý do bất khả kháng hoặc cơ sở sản xuất bị hỏng không tiếp tục sản xuất trong khi công trình khai thác vẫn không bị hỏng. Vì vậy, nhiều địa phương đề nghị bổ sung những trường hợp nêu trên được điều chỉnh giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Về giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với trường hợp điều chỉnh do công trình bị hư hỏng, không khai thác được: Tại điểm c khoản 2 Điều 12 quy định “Khi điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước phải căn cứ vào giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước hiện hành” đã dẫn tới trường hợp công trình bị hư hỏng không thể tiếp tục khai thác được nhưng sau khi điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước lại phải nộp nhiều tiền hơn so với trường hợp không đề nghị điều chỉnh tiền cấp quyền do áp dụng giá tính tiền mới là chưa phù hợp.

Tính đến nay, trong quá trình thẩm định các hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thì có tới 4 công trình thủy điện đề nghị điều chỉnh tiền cấp quyền do công trình bị hư hỏng do nhà máy bị ngập, hỏng hóc thiết bị… như Trạm Tấu, Suối Nhạp, Đồng Chum, Sông Giang. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, địa phương đề nghị áp dụng giá tính tiền tại thời điểm phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước lần đầu để tính số tiền cấp quyền khi điều chỉnh đối với trường hợp này.

Về phương thức thu, nộp, quản lý tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 14)

Một số địa phương đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp nộp tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước 01 lần để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và cơ quan thu tiền.

Một số nội dung về kê khai, tính, phê duyệt và thu nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chưa được hướng dẫn

Về đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 3)

Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định sử dụng nước cho mục đích gia nhiệt vẫn được xác định mức thu cao như đối với trường hợp sử dụng nước cho mục đích sản xuất nhưng thực tế thì gia nhiệt là loại hình khai thác, sử dụng nước không tiêu hao, giống làm mát máy, tạo hơi tức là sử dụng nước sau quá trình sản xuất để làm tăng nhiệt độ của sản phẩm và do đó sẽ giảm nhiệt độ của nước trước khi xả trả lại nguồn nước. Do đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị bổ sung mục đích sử dụng nước cho gia nhiệt trong dự thảo Nghị định để loại hình này được áp dụng mức thu bằng với mức thu của làm mát máy để đảm bảo tính công bằng với làm mát máy.

Về phân chia tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giữa các tỉnh đối với công trình khai thác tài nguyên nước nằm trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên

Theo quy định của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được nộp cho địa phương nơi có công trình khai thác nước, nhưng lại không hướng dẫn tỷ lệ phân chia tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các địa phương đối với công trình khai thác nước nằm trên địa bàn hai tỉnh. Điều này, đã gây lúng túng, khó khăn trong quá trình thực hiện pháp luật. Vì vậy, cần phải có hướng dẫn cụ thể để thống nhất áp dụng trên phạm vi cả nước.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay, có 30 công trình có hồ, công trình khai thác nước nằm trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên. Trong đó, có 20 công trình đã phân chia tiền cấp quyền cho 2 tỉnh trở lên (chi tiết tại Phụ lục 2 kèm theo Báo cáo này). Do đó, để đảm bảo quyền lợi của các địa phương nơi có hồ chứa và nơi có công trình khai thác nước nên Bộ Tài chính và nhiều địa phương đề nghị bổ sung quy định về phân chia tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cả đối với những công trình có hồ chứa nằm trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên.

Các vướng mắc khác

Nhiều địa phương và Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi Mẫu Quyết định phê duyệt (hoặc điều chỉnh) tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 82/2017/NĐ-CP do không có thông tin về mã số thuế, nên khó khăn cho Cục Thuế địa phương vì tên của người nộp thuế có thể trùng nhau nên dễ dẫn tới nhầm lẫn đối tượng. Nhiều địa phương có ý kiến về mở rộng đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tăng mức thu đối với tưới cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc… Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng trong giai đoạn hiện nay chưa nên đặt vấn đề tăng mức thu. Riêng về đối tượng thu tiền đã được quy định tại Luật Tài nguyên nước nên không thể mở rộng đối tượng phải nộp tiền. Ngoài ra, một số địa phương cũng kiến nghị sửa lại giá tính thuế tài nguyên cho phù hợp vì quá cao, không phản ánh đúng bản chất sử dụng tài nguyên nước. Tuy nhiên, vấn đề này thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính nên cũng không đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung tại Nghị định.