Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông (LVS) nói chung, LVS Nhuệ - Đáy nói riêng trong thời gian qua chưa được khắc phục một cách triệt để. Mặc dù vậy, với sự nỗ lực của các địa phương trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy cũng như các Bộ, ngành đã góp phần kiềm chế đáng kể xu hướng gia tăng ô nhiễm tại các LVS.
Một số giải pháp, kết quả đạt được
Một là, xây dựng, bổ sung được hệ thống cơ chế, chính sách để bảo vệ môi trường (BVMT) nước LVS: Luật BVMT năm 2014 và Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý về quản lý tổng hợp LVS, đặc biệt tập trung vào quản lý LVS liên vùng, liên tỉnh; đồng thời nhiều văn bản dưới Luật đã hướng dẫn về quản lý LVS, như: Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải, trong đó có quy định về tính toán sức chịu tải và phân bổ hạn ngạch xả thải vào sông; Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước; Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về việc quy định đánh giá khả năng tiếp nhận và đánh giá sức chịu tải của sông, hồ. Bên cạnh đó, còn có các Quy hoạch liên quan đến quản lý môi trường LVS Nhuệ - Đáy bao gồm: Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, KCN thuộc LVS Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030[1]; Quy hoạch quản lý chất thải rắn LVS Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020[2]. Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy cũng đang được đề xuất và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt tổ chức Ủy ban LVS mới trong đó có tích hợp Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy.
Hai là, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định, pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên LVS Nhuệ - Đáy đã được tăng cường triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tập trung đối với các cơ sở xả thải trực tiếp ra LVS, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Năm 2018 và năm 2019, Bộ TN&MT đã chỉ đạo tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 83 cơ sở, đã ban hành 47 quyết định xử phạt với tổng số tiền là 11.347.600.000 đồng; các địa phương trên LVS đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 940 cơ sở, đã ban hành trên 200 quyết định xử phạt với tổng số tiền là 8.696.600.000 đồng; trong đó yêu cầu các cơ sở thực hiện các biện pháp xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định. Năm 2020, Bộ TN&MT đang tiến hành kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra đối với 20 cơ sở trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội (11 cơ sở), Nam Định (03 cơ sở), Hòa Bình (06 cơ sở).
Ba là, hầu hết các tỉnh, thành phố đã thực hiện hoàn thành mục tiêu đề ra trong các Đề án BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy. Đến nay, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoàn thành xử lý triệt để đạt 95,55% (tương ứng với 43/45 cơ sở) theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 (tỉnh Hà Nam đang xử lý các cơ sở còn lại); đạt 70,4% (tương ứng 19/27 cơ sở) theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013.
Nhiều dự án xử lý ô nhiễm cũng như các công trình hạ tầng, mô hình quản lý, BVMT LVS đặc thù đã được các tỉnh đầu tư thực hiện, điển hình như: Dự án cải tạo, nạo vét một số hồ, thủy vực; trồng rừng đầu nguồn sông Nhuệ - sông Đáy tại tỉnh Hoà Bình; tỉnh Hà Nam đã xây dựng trạm xử lý nước rỉ rác tại xã Thanh Thủy; trạm xử lý nước thải cụm công nghiệp (CCN) Cầu Giát, 03 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho thành phố Phủ Lý; tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành xây dựng Khu xử lý chất thải rắn thung Quèn Khó, trạm xử lý nước thải tập trung (XLNTTT) khu công nghiệp (KCN) Gián Khẩu; tỉnh Nam Định đã vận hành trạm xử lý nước thải KCN Hòa Xá, KCN Bảo Minh, CCN An Xá; khắc phục ô nhiễm 01 làng nghề và cải tạo nâng cấp kênh T3-11.
Riêng thành phố Hà Nội, trong thời gian vừa qua đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực về xử lý, khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch và Kim Ngưu, Lừ, Sét, đoạn sông Nhuệ - Đáy (địa bàn thành phố Hà Nội)[3], cụ thể: Xây dựng, kè bờ và đường dạo 2 bên bờ; duy trì bè thủy sinh giảm thiểu ô nhiễm; sử dụng chế phẩm làm sạch nước thải tại các hộ gia đình thuộc tổ dân phố của 04 phường đầu nguồn sông Tô Lịch. Thường xuyên vệ sinh môi trường dọc tuyến sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, đồng thời, nạo vét duy tu, duy trì, nạo vét hệ thống thoát nước lòng cống, mương nhằm giảm thiểu ô nhiễm[4]. Vận hành hiệu quả trạm bơm tiêu nước vào sông Nhuệ, sông Châu Giang (tỉnh Hà Nam), đập điều tiết nước nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của nước thải xả từ sông Tô Lịch qua đập Thanh Liệt xuống khu vực hạ lưu thuộc tỉnh Hà Nam. Vận hành thường xuyên các Nhà máy XLNTTT[5] góp phần xử lý một phần nước thải sinh hoạt, các trạm bơm tiêu nước vào sông Nhuệ - Đáy[6], các Trạm XLNT KCN, CCN. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án XLNT sinh hoạt và làng nghề tập trung quy mô lớn[7]. Đã phê duyệt chủ trương đầu tư (hoặc trình xem xét) phê duyệt chủ trương đầu tư một số Dự án về thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn thành phố[8]. Bên cạnh đó, nhiều dự án từ nguồn ngân sách trung ương và ODA đã được triển khai[9].
Bốn là, đầu tư hệ thống XLNTTT tại các KCN, CCN, làng nghề đã được quan tâm. Các nguồn nước thải phát sinh từ các KCN hầu hết có hệ thống XLNTTT và tuân thủ khá tốt các quy định pháp luật về BVMT, trên LVS Nhuệ - Đáy đạt khoảng 75% KCN; đối với các CCN cũng đã và đang xây dựng trạm XLNTTT nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ (dưới 30% đối với LVS Nhuệ). Tuy nhiên, nước thải làng nghề và phần lớn nước thải sinh hoạt hầu hết đều không được xử lý và thải thẳng ra nguồn tiếp nhận.
Năm là, các vấn đề môi trường liên tỉnh đã được các Bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp giải quyết, đặc biệt là các vấn đề ô nhiễm môi trường nước liên tỉnh giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam tại đoạn sông Nhuệ. Trong năm 2019, Bộ TN&MT cũng đã có các Công văn số 3638/BTNMT-TCMT ngày 29/7/2019 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên lưu vực đề nghị phối hợp xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy; số 81/TCMT-MTMB ngày 08/01/2019 về việc quản lý, xử lý tình trạng ô nhiễm nước sông Duy Tiên, sông Nhuệ - sông Đáy trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài chính,… cũng đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên các LVS xây dựng Quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải rắn và hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt; đẩy mạnh thực hiện dự án về cải tạo và nâng cấp công trình thủy lợi trên sông Nhuệ; nghiên cứu cơ chế tài chính đặc thù có hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
Bên cạnh nhiều kết quả tích cực đã đạt được nói trên, công tác BVMT LVS Nhuệ - Đáy còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được các địa phương chú trọng thực hiện, nhưng chưa đạt được mục tiêu đã đề ra; Công tác thống kê các nguồn nước thải vào LVS đã được các địa phương thực hiện, nhưng chưa thường xuyên, chưa xây dựng thành cơ sở dữ liệu, nên việc chia sẻ, tổng hợp và đánh giá các nguồn thải trên toàn lưu vực khó khăn; Chất lượng nước LVS một số khu vực vẫn bị ô nhiễm cục bộ, đặc biệt sông Tô Lịch trên sông Nhuệ - sông Đáy ô nhiễm nghiêm trọng, chưa được cải thiện đáng kể; Các đơn vị sản xuất, kinh doanh hoạt động vi phạm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhằm đối phó với các cơ quan chức năng. Ý thức trách nhiệm về BVMT của một bộ phận lãnh đạo các cấp chính quyền còn chưa cao, còn nặng ưu tiên phát triển kinh tế mà xem nhẹ các yêu cầu về BVMT; Kinh phí cho sự nghiệp môi trường tại các địa phương nhìn chung đều thấp, trong khi đó yêu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật môi trường đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn.
Các giải pháp thực hiện trong thời gian tới
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các LVS, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục đề nghị UBND các địa phương trên LVS Nhuệ - Đáy thực hiện các giải pháp như đã báo cáo Đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp trước. Cụ thể: (i) Tiếp tục rà soát đề xuất Dự án triển khai khắc phục ô nhiễm sông cấp bách, thiết thực tại mỗi địa phương và trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt với nguồn ngân sách nhà nước dành cho hoạt động sự nghiệp BVMT hoặc nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp chi đầu tư, chi sự nghiệp môi trường; xã hội hóa trong công tác BVMT; huy động các nguồn vốn khác. (ii) Chủ động điều tra, thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải; phối hợp với Bộ TN&MT trong việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước”. (iii) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các cơ sở có lưu lượng xả thải 100m3/ngày.đêm trở lên; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. (iv) Yêu cầu 100% các KCN phải có hệ thống XLNTTT; các KCN và các nguồn thải lớn từ 1.000m3/ngày.đêm trở lên phải lắp đặt trạm quan trắc tự động liên tục, truyền số liệu về cơ quan quản lý nhà nước để giám sát; chỉ cho phép các CCN có đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hệ thống XLNTTT mới được thu hút đầu tư, hoạt động; phải có lộ trình hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đối với các CCN cũ. (v) Các tỉnh trên LVS Nhuệ - sông Đáy đẩy nhanh thực hiện “Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, KCN LVS Cầu và sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030”. (vi) Ưu tiên tập trung vào việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị cho các địa phương trên LVS Nhuệ - Đáy theo hướng hợp tác công - tư, xã hội hoá và địa phương nào gây ô nhiễm chính chịu trách nhiệm chính trong xử lý ô nhiễm LVS. (vii) Đối với các dòng sông, đoạn sông đang bị ô nhiễm trên hệ thống sông Nhuệ, sông Châu Giang, UBND tỉnh Hà Nam và thành phố Hà Nội phối hợp rà soát điều chỉnh lại kế hoạch lấy nước đổ ải phục vụ sản xuất nông nghiệp; tổ chức quan trắc; rà soát các nguồn xả nước thải trên địa bàn; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước Một thành viên thoát nước Hà Nội thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành cống Thanh Liệt; vận hành Trạm bơm Yên Sở để bơm nước thải ra sông Hồng; chỉ đạo Công ty Khai thác công trình thủy lợi sông Nhuệ cho mở cống Liên Mạc để lấy nước sông Hồng bổ sung nhằm làm tăng lưu lượng nước sông Nhuệ và pha loãng nồng độc các chất ô nhiễm.