EU và Na-Uy chia sẻ kinh nghiệm thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)
Lĩnh vực môi trường 28/05/2021
Ngày 27/5/2021, Đại Sứ quán Hoàng gia Na-Uy tại Việt Nam đã phối hợp Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm của EU và góp ý nội dung trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Các diễn giải tham gia cuộc họp
Bà Grete Løchen, Đại sứ Hoàng gia Na-Uy tại Việt Nam và ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện của một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành viên Tổ công tác EPR của Bộ Tài nguyên và Môi trường, NPAP, TOMRA, EUNOMIA, WWF, IUCN, EU,UNDP, WORLD BANK, Rethinking Plastic, Hiệp hội nhựa Việt Nam, UNILEVER, PRO VIETNAM và các chuyên gia đến từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học kinh tế quốc dân.v.v.
Bà Grete Løchen, Đại sứ Hoàng gia Na-Uy
Sau khi ông Phan Tuấn Hùng giới thiệu dự thảo Nghị định EPR, các chuyên gia của EU đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và triển khai EPR ở Châu Âu, bao gồm: Ông Arne-Kjetil Lian, Tham tán Thương mại- Đại sứ quán Hoàng gia Na uy; Ông Chris Sherrington, Giám đốc Chính sách môi trường và Kinh tế của Viện nghiên cứu và tư vấn Eunomia; Ông Fritz Flanderka, Giám đốc Tập đoàn Reclay; Bà Clarissa Morawski đồng sáng lập Reloop Platform, một mạng lưới có trụ sở tại châu Âu đại diện cho ngành công nghiệp, tổ chức phi chính phủ và chính phủ với tầm nhìn chung về một nền kinh tế tuần hoàn cho châu Âu; ông Wolfgang Ringel, Phó Chủ tịch cấp cao các vấn đề chính phủ của Tomra Systems ASA; Ông Annupa Ahi, Quản lý dịch vụ thu gom của TOMRA, mảng Phát triển Kinh doanh Châu Á Thái Bình Dương.v.v..
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế
Các chuyên gia, đại biểu dự Hội thảo đều có ý kiến đồng thuận với sự cần thiết quy định và áp dụng trên thực tế đối với cơ chế mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR). Các chuyên gia thảo luận về các sản phẩm, bao bì thuộc diện thu hồi, tái chế; trách nhiệm của các nhà sản xuất nhỏ; mức chi phí thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất;
Theo chia sẻ của các chuyên gia EU thì vai trò của các bên trong hệ thống, đăc biệt là vai trò của nhà nước trong việc giám sát, vận hành hệ thống. Các chuyên gia cho biết cần thiết phải thiết lập cơ chế để bảo đảm sự cân bằng giữa nhà nước và khu vực tư nhân trong kiểm soát và vận hành hệ thống EPR vì nhà sản xuất không thể tự giám sát được; tuy nhiên, cũng không thể để toàn bộ gánh nặng này lên vai của Chính phủ. Vì vậy, các quốc gia Châu Âu thiết lập cơ chế phối hợp công tư như clearing house (một tổ chức tư nhân độc lập) để giám sát hệ thống EPR, Chính phủ chỉ đóng vai trò kiểm soát hệ thống EPR thông qua Clearing house, tương tự như Văn phòng EPR Việt Nam trong dự thảo Nghị định. Chính phủ có thể thuê kiểm toán độc lập để xác định mức độ chính xác của báo cáo thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Các đại biểu tại cuộc họp
Minh bạch và thực hiện trách nhiệm tái chế được các chuyên gia đưa ra với các biện pháp nhằm hạn chế tối đa những sai sót trong quản lý cũng như những mảng tối trong thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, tạo niềm tin cho các nhà sản xuất, nhập khẩu và công chúng, bảo đảm sự vận hành và phát triển lành mạnh của hệ thống EPR.
Các chuyên gia đã đưa ra tỷ lệ tái chế ở Châu Âu đối với mỗi loai vật liệu và giải thích về tỷ lệ thất thoát từ giai đoạn tiêu dùng, thu thập, tái chế … đến chôn lấp. Đây là những thông tin quan trọng để thuyết minh cho việc xác định tỷ lệ tái chế ở Việt Nam tình Hội đồng EPR Quốc gia thông qua để thực hiện.
Việc xử phạt đối với trường hợp không tuân thủ, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của nhà sản xuất cũng được các chuyên gia đề xuất áp dụng phạt tiền ở mức cao hơn mức chi phí thực hiện trách nhiệm để thúc đẩy việc tuân thủ như trong thiết kế của dự thảo Nghị định.
Về hạ tầng thu gom, tái chế được các chuyên gia nhấn mạnh là yếu tố rất quan trọng để thực hiện EPR, việc tổ chức thu gom và chi trả cho thiết lập cơ sở hạ tầng thu gom phải được chia sẻ thông qua hợp tác công tư giữa chính quyền địa phương và các PRO và các nhà sản xuất, nhập khẩu.
Theo đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự thảo Nghị định sẽ tiếp tục được lấy ý kiến nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, chuyên gia trong và ngoài nước trong thời gian tới.
Vụ Pháp chế- Bộ Tài nguyên và Môi trường
TIN LIÊN QUAN
- Hoàn thiện pháp luật để thực hiện các cam kết về môi trường theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
- Kinh nghiệm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn ở một số nước trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam
- Nâng cao năng lực quản lý ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam
- Trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường theo luật hình sự Việt Nam
- Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường - từ góc nhìn lý thuyết đến luật thực định của Việt Nam