Hội thảo tham vấn quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong Dự thảo Nghị định quy đinh chi tiết và hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.
Lĩnh vực môi trường 14/05/2021
Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo theo chuyên đề nhằm tham vấn xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường 2020, ngày 14 tháng 5 năm 2021, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì, có sự theo dõi của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn xây dựng các nội dung trong dự thảo Nghị định về về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Tham gia Hội thảo có các đại biểu đến từ các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và các chuyên gia đến từ Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Kinh tế quốc dân, Hiệp hội nhựa Việt Nam và các tổ chức, cá nhân, chuyên gia trong và ngoài nước.
Hội thảo đã nghe bài trình bày của Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Phan Tuấn Hùng về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu nhằm quy định chi tiết Điều 54, 55 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, theo đó: Điều 54 quy định “Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc”; Điều 55 quy định: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính để hỗ trợ các hoạt động” thu gom, xử lý chất thải. Các quy định này thực chất là quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR-Extended Producer Responsibility) quy định này là công cụ pháp luật được thiết kế dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền; “ở đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm của mình được mở rộng đến giai đoạn sau sử dụng nhằm thu gom được ở giai đoạn cuối của vòng đời sản phẩm để có thể phân loại trước khi xử lý mà chủ yếu là tái chế” (OECD).
Theo dự thảo Nghị định nhà nhập khẩu được lựa chọn một trong hai hình thức để thực hiện trách nhiệm mở rộng của mình: (1) Đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để tổ chức tái chế; (2) Tự tổ chức tái chế (tự mình tổ chức tái chế hoặc thuê đơn vị tái chế hoặc ủy quyền cho bên thứ ba tổ chức tái chế). Nhà sản xuất, nhà tái chế, bên thứ ba có trách nhiệm đăng ký với Văn phòng EPR Việt Nam để thực hiện trách nhiệm của mình; kết quả thực hiện trách nhiệm mở rộng phải được kiểm toán trước khi báo cáo Văn phòng EPR Việt Nam.
Mô hình vận hành hệ thống EPR ở Việt Nam như sau:
Dự thảo Nghị định sẽ tiếp tục được tham vấn rộng rãi thông qua các Hội thảo trong thời gian tới và gửi các cơ quan, tổ chức để lấy ý kiến góp ý; đăng trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong tháng 5/2021 để lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp để kịp thời trình Chính phủ vào cuối năm 2021.
Nguyễn Thi, Vụ Pháp chế- Bộ Tài nguyên và Môi trường.
TIN LIÊN QUAN
- Hoàn thiện pháp luật để thực hiện các cam kết về môi trường theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
- Kinh nghiệm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn ở một số nước trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam
- Nâng cao năng lực quản lý ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam
- Trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường theo luật hình sự Việt Nam
- Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường - từ góc nhìn lý thuyết đến luật thực định của Việt Nam