Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Lĩnh vực môi trường 20/10/2020

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ TN&MT đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội và các bộ, cơ quan liên quan thống nhất về nội dung chỉnh lý Dự thảo Luật. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã họp cho ý kiến về Dự thảo Luật tại các Phiên họp thứ 47, Phiên họp thứ 49. Trên cơ sở Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của Ủy ban TVQH tại các phiên họp này, ngày 13/10/2020 Ủy ban KHCN&MT đã có văn bản gửi xin ý kiến Chính phủ. Ngày 19/10/2020, Bộ TN&MT và Văn phòng Chính phủ đã làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành, một số Hiệp hội liên quan để rà soát tính thống nhất của Dự thảo Luật với các luật có liên quan, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật.

Về đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường

Thực hiện ý kiến kết luận của Ủy ban TVQH tại phiên họp thứ 49, Dự thảo Luật đã chỉnh lý đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo 02 phương án, cụ thể:

Phương án 1: quy định tất cả các đối tượng phải quyết định chủ trương đầu tư phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường (khoản 1 Điều 30a Dự thảo Luật).

Căn cứ đề xuất: được chỉnh lý trên cơ sở phương án đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 252/TTr-CP.

Ưu điểm: Đơn giản cho cơ quan quản lý nhà nước về BVMT do không phải xác định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (quy định toàn bộ đối tượng phải quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật PPP và Luật Đầu tư đều phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường).

Nhược điểm: (i) Bỏ sót nhiều dự án đầu tư có nguồn vốn từ tư nhân mà không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư (theo quy định của Luật Đầu tư) nhưng lại có tác động lớn đến môi trường (ví dụ như các dự án: dệt nhuộm, luyện thép, giấy,… thuộc nhóm I nhưng thuộc diện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng nên không phải chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư). Các dự án này nếu không được đánh giá sơ bộ tác động về môi trường ở giai đoạn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trước khi nghiên cứu khả thi, thực hiện các bước tiếp theo của quá trình đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng khi thực hiện ĐTM mà không được thông qua sẽ gây lãng phí về tài chính, thời gian của nhà đầu tư; (ii) Nhiều dự án đầu tư công, dự án PPP hoặc dự án đầu tư thuộc nguồn vốn tư nhân hoàn toàn không có hoặc chỉ tác động rất ít tới môi trường khi triển khai thực hiện nhưng vẫn phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường (như: dự án đầu tư công thuộc lĩnh vực bưu chính, phát thanh, truyền hình, nghiên cứu khoa học, xây dựng dân dụng theo quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư công; dự án PPP thuộc lĩnh vực giáo dục-đào tạo, hạ tầng công nghệ thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật PPP; dự án đầu tư có kinh doanh đặt cược, casino theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư). Do không có hoặc chỉ tác động rất ít tới môi trường, nên việc đánh giá sơ bộ tác động môi trường đối với các dự án này là không thực sự cần thiết, gây tốn thêm thời gian và chi phí, lãng phí nguồn lực xã hội; (iii) Không thống nhất áp dụng xuyên suốt tiêu chí về môi trường làm căn cứ phân loại, phân luồng dự án phải thực hiện các bước của quá trình nghiên cứu, tác động đến môi trường của dự án (gồm: đánh giá sơ bộ tác động môi trường, ĐTM, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường). Nếu thực hiện phương án này thì đánh giá sơ bộ tác động môi trường tiếp tục đi theo quy định riêng, không đồng bộ với việc xác định đối tượng phải ĐTM, cấp giấy phép môi trường (nhiều đối tượng sẽ phải đánh giá sơ bộ nhưng không phải ĐTM, cấp giấy phép môi trường); (iv) Chưa khắc phục được sự thiếu thống nhất trong nội hàm đánh giá sơ bộ tác động môi trường của Luật Đầu tư công trong từng nhóm dự án. Cụ thể: Đối với dự án quan trọng quốc gia, nhóm A có cấu phần xây dựng, Luật Đầu tư công quy định “đánh giá sơ bộ tác động môi trường” (khoản 1 Điều 30 Luật Đầu tư công và khoản 7 Điều 50 Luật Xây dựng); nhưng đối với dự án quan trọng quốc gia, nhóm A không có cấu phần xây dựng, dự án nhóm B, nhóm C thì lại quy định “Phân tích, đánh giá sơ bộ tác động về môi trường, xã hội” (điểm g khoản 2 Điều 30 và khoản 6 Điều 31 Luật Đầu tư công).

Phương án 2: quy định dựa trên các tiêu chí môi trường (như tại khoản 1 Điều 30b Dự thảo Luật).

Căn cứ đề xuất: tiếp thu ý kiến của chuyên gia, đại biểu Quốc hội.

Ưu điểm: (i) Giảm thủ tục hành chính (TTHC) cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án thuộc đối tượng phải quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư thông qua quy định chỉ những dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (điểm a khoản 2 Điều 29 Dự thảo Luật). Đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP hoặc dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không có tác động xấu đến môi trường, nhà đầu tư sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, tiết kiệm được thời gian và chi phí; (ii) Không bỏ sót đối tượng là các dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao. Các dự án này sẽ được đánh giá sơ bộ tác động về môi trường ở giai đoạn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trước khi nghiên cứu khả thi, thực hiện các bước tiếp theo của quá trình đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Quy định này giúp nhà đầu tư tránh lãng phí về tài chính, thời gian trong trường hợp dự án không đáp ứng được yêu cầu về BVMT ở ngay giai đoạn này; (iiii) Thống nhất áp dụng xuyên suốt tiêu chí về môi trường để phân loại, phân luồng dự án đầu tư phải thực hiện các thủ tục môi trường tương ứng, gắn kết quá trình đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo pháp luật có liên quan với các giai đoạn nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường của dự án theo pháp luật về BVMT. Cụ thể: chỉ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường; dự án Nhóm I và dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường (Nhóm II) phải ĐTM; dự án ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường (Nhóm III) không phải ĐTM mà chỉ cấp giấy phép môi trường (GPMT) nếu phát sinh chất thải khi đi vào vận hành; (iv) Không làm xáo trộn đối tượng đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của pháp luật có liên quan thông qua việc bổ sung quy định thống nhất thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường của dự án đầu tư theo pháp luật về BVMT, như tại khoản 3 Điều 175 Dự thảo Luật. Việc bổ sung quy định này cũng nhằm để thống nhất về tên gọi, nội hàm đánh giá sơ bộ tác động môi trường tại Luật Đầu tư công.

Nhược điểm: Không có.

Kết quả lấy ý kiến các đoàn ĐBQH cho thấy phương án 2 được đa số ý kiến lựa chọn (39/50 Đoàn có ý kiến, chiếm 79%). Với các phân tích ưu, nhược điểm như đã nêu ở trên, Bộ TN&MT kiến nghị Chính phủ đề xuất thực hiện theo phương án 2.

Về thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM

Dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (kèm theo các Tờ trình: số 125/TTr-CP và số 252/TTr-CP) đề xuất 02 phương án quy định thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án thuộc thẩm thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng (Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cụ thể:

Phương án 1: giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình.

Phương án 2: giao UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành.

Ưu, nhược điểm của từng phương án đã được phân tích tại Tờ trình số 125/TTr-CP ngày 07/4/2020 của Chính phủ.

Kết quả lấy ý kiến các đoàn ĐBQH cho thấy đa số ý kiến lựa chọn phương án 2 (40/50 Đoàn có ý kiến, chiếm 80%).

Do đó, Bộ TN&MT đề nghị thực hiện theo kết luận của Ủy ban TVQH tại phiên họp thứ 49, hai phương án này sẽ được đưa ra lấy ý kiến của các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 10 và thực hiện theo phương án được đa số ĐBQH lựa chọn.

Về việc tích hợp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi

Việc tích hợp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi vào GPMT đã được lấy ý kiến Thành viên Chính phủ; được Chính phủ quyết định, trình Quốc hội tại các Tờ trình số 125/TTr-CP và 252/TTr-CP. Sau kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, theo đề nghị của một số ĐBQH, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị bổ sung thêm phương án 2 vào Dự thảo Luật theo hướng tích hợp các loại giấy phép nhưng không bao gồm cả giấy phép xả thải nước thải vào công trình thuỷ lợi.

Kết quả lấy ý kiến các đoàn ĐBQH hội cho thấy đa số các đoàn thống nhất với phương án tích hợp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi vào GPMT (phương án 1) như nội dung Chính phủ đã trình (21/28 Đoàn có ý kiến; chiếm 75%).

Tại phiên họp thứ 49, Ủy ban TVQH chỉ đạo đưa 02 phương án này để lấy ý kiến các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 10, trong đó cần phân tích, đánh giá cụ thể căn cứ khách quan của từng phương án. Bộ TN&MT xin báo cáo như sau:

Đối với phương án 1: chỉ dùng một loại giấy phép môi trường tích hợp cả giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.

Đối với phương án 2: vẫn giữ giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi.

Bộ TN&MT đề xuất thực hiện theo phương án 1 vì những lý do sau: (i) Theo quy định hiện hành, riêng 01 đối tượng là nước thải của doanh nghiệp xả ra ngoài môi trường đang chịu sự quản lý của 02 giấy phép, giấy xác nhận, phần lớn do các cơ quan quản lý khác nhau theo phân cấp của pháp luật về BVMT, tài nguyên nước và thủy lợi. Cụ thể: trong lĩnh vực môi trường, trước khi đi vào hoạt động phải có giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT (hoặc giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc giấy phép xử lý chất thải nguy hại); trước khi xả nước thải ra môi trường phải có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (theo Luật Tài nguyên nước) hoặc giấy phép xả nước thải và công trình thủy lợi (theo Luật Thủy lợi). Mặc dù giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đang giao cơ quan quản lý tài nguyên nước thuộc ngành TN&MT thực hiện, tuy nhiên qua quá trình thực hiện Bộ TN&MT nhận thấy cần thiết phải thay đổi quan điểm này để thống nhất giao cho 01 cơ quan tham mưu việc quản lý hoạt động xả chất thải ra ngoài môi trường của doanh nghiệp (nước thải chỉ là 01 trong các loại chất thải mà doanh nghiệp phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ). (ii) Mặc dù pháp luật hiện hành quy định căn cứ cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận nêu trên là giống nhau (gồm: hồ sơ, TTHC về môi trường do cơ quan môi trường thẩm định; các công trình xử lý nước thải đã hoàn thành theo yêu cầu của cơ quan môi trường; các QCVN do cơ quan môi trường ban hành). Tuy nhiên, thực tế đã có nhiều trường hợp các yêu cầu BVMT tại các giấy phép này lại chưa đồng bộ, làm doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện các yêu cầu của cơ quan nhà nước. Đây là vấn đề có tính chuyên môn kỹ thuật về BVMT và do cơ quan quản lý nhà nước về BVMT xác định khi thẩm định, phê duyệt, xác nhận hồ sơ môi trường của doanh nghiệp. (iii) Do không có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hoặc xác nhận các hồ sơ, TTHC về môi trường của doanh nghiệp, nên cơ quan quản lý công trình thủy lợi không tham gia ngay từ đầu quá trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ, thủ tục môi trường của doanh nghiệp, không kiểm soát được thời điểm doanh nghiệp đi vào hoạt động và có hoạt động xả thải vào công trình thủy lợi. Mặt khác, cơ quan quản lý công trình thủy lợi không được giao chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về BVMT nên việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm xả nước thải vượt QCVN của doanh nghiệp được cấp phép sẽ không bảo đảm đồng bộ, thường xuyên, kịp thời dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước các công trình thủy lợi ngày càng đáng lo ngại.  (iv) Theo quy định hiện hành, các cơ sở có nguồn thải lớn, thuộc loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu về Sở TN&MT địa phương để theo dõi, giám sát (không truyền về cơ quan quản lý công trình thủy lợi). Các cơ quan quản lý công trình thủy lợi theo dõi hoạt động xả thải của doanh nghiệp thông qua báo cáo định kỳ hàng quý do doanh nghiệp gửi đến. Trên thực tế, việc quan trắc chất thải định kỳ của doanh nghiệp trong thời gian qua chưa phát huy được hiệu quả, Dự thảo Luật đã thống nhất sửa đổi quy định này theo hướng bỏ quy định quan trắc định kỳ đối với doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật BVMT. Nếu tiếp tục việc cấp riêng giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi thì phải quy định riêng đối tượng xả nước thải vào công trình thủy lợi vẫn phải quan trắc nước thải định kỳ hàng quý để gửi cơ quan cấp phép, sẽ không bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật. (v) Công trình thủy lợi chỉ là một bộ phận cấu thành của hệ thống tài nguyên nước; việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước phải thực hiện theo quy hoạch tài nguyên nước (hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 04/12/2019, trong đó giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức có liên quan thực hiện). Nếu tiếp tục quy định có nhiều cơ quan cấp phép xả thải như hiện nay sẽ không bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp về tài nguyên nước. Trên thực tế, công trình thủy lợi mặc dù là công trình nhân tạo nhưng vẫn là các nguồn nước có dòng chảy và liên thông với mạng lưới tài nguyên nước, hoạt động xả thải của doanh nghiệp trên 01 đoạn sông (do cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi quản lý) nhưng có thể tác động đến cả lưu vực (do cơ quan quản lý nhà nước về TN&MT quản lý), khi xảy ra ô nhiễm thì không rõ trách nhiệm là của cơ quan nào. (vi) Việc tích hợp giấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi vào GPMT về bản chất là cắt giảm TTHC không cần thiết cho doanh nghiệp, quy định này hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách thu giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, trong đó phương pháp định giá sản phẩm, dịch vụ này hoàn toàn dựa trên chi phí vận hành, bảo trì, khấu hao tài sản, lợi nhuận và các nghĩa vụ tài chính của tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ (về bản chất là chi phí vận hành trạm bơm, công trình điều tiết nước); không căn cứ vào chất lượng nước của công trình thủy lợi. Do vậy, việc tích hợp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi với GPMT hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách định giá dịch vụ, sản phẩm thủy lợi nêu trên. Cơ sở xả nước thải vào công trình thủy lợi vẫn phải xây lắp công trình xử lý nước thải bảo đảm đạt QCVN và phải được cấp GPMT trước khi có hoạt động xả thải, trường hợp vi phạm hành vi xả thải thì tùy mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây ô nhiễm môi trường phải khắc phục ô nhiễm và đền bù thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Kết quả lấy ý kiến của các Đoàn ĐBQH cho thấy đa số các đoàn thống nhất với phương án 1 (21/28 Đoàn có ý kiến; chiếm 75%).

Với các căn cứ đề xuất như đã nêu ở trên, Bộ TN&MT kiến nghị Chính phủ đề xuất thực hiện theo phương án 1.

Về kiểm toán môi trường

Kiểm toán nhà nước có văn bản đề nghị chỉnh sửa, bổ sung chức năng, nhiệm vụ kiểm toán môi trường của Kiểm toán nhà nước trong Luật BVMT.

Về vấn đề này, Bộ TN&MT báo cáo như sau:

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, kiểm toán môi trường được áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng tiết kiệm tài nguyên, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và BVMT; thường được thực hiện dưới hình thức khuyến khích các đối tượng này thực hiện. Trong khi theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, môi trường là tài sản công, được hiểu dưới dạng tài nguyên bao gồm: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản. Việc quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên như đất đai, nước, khoáng sản thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản…, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật BVMT.

Tại phiên họp thứ 49, Ủy ban TVQH đã kết luận đồng ý có quy định về Kiểm toán nhà nước tham gia thực hiện kiểm toán công tác BVMT nếu có liên quan đến sử dụng tài chính công, tài sản công. Tiếp thu chỉ đạo của Ủy ban TVQH, Bộ TN&MT đã chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định: Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán việc sử dụng tài chính công, tài sản công trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước như tại Điều 75 Dự thảo Luật.

Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT

Tại Báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban TVQH về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Dự thảo Luật sửa đổi Luật XLVPHC), Chính phủ đã đề nghị Ủy ban TVQH chỉ đạo chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi Luật XLVPHC theo hướng quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT là 05 năm (phù hợp với nội dung Dự thảo Luật). Tuy nhiên, vấn đề này hiện chưa được Ủy ban TVQH đồng ý đưa vào Dự thảo Luật sửa đổi Luật XLVPHC (bản Dự thảo gửi lấy ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ 10), với lý do quy định thời hiệu như hiện nay (là 02 năm) vẫn ổn định và không có vướng mắc, bất cập. Vấn đề này đã được Chính phủ thể hiện quan điểm nhất quán tại cả Dự thảo Luật và Dự thảo Luật sửa đổi Luật XLVPHC; nhiều hành vi vi phạm hành chính về BVMT có tính chất đặc thù riêng, đặc biệt là các hành vi cố tình gây ô nhiễm môi trường của tổ chức, cá nhân (như chôn lấp trái phép chất thải, thải chất có tính nguy hại ra ngoài môi trường). Do vậy, cần thiết phải quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT dài hơn so với quy định hiện nay. Quy định này bảo đảm tính răn đe mạnh mẽ hơn các tổ chức, cá nhân có ý định thực hiện hành vi vi phạm; đồng thời bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động phát hiện, xử lý vi phạm của cấp có thẩm quyền.

Do vậy, Bộ TN&MT kiến nghị Chính phủ đề nghị Ủy ban TVQH xem xét, bổ sung quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT là 05 năm theo 1 trong 2 phương án:

Phương án 1: Quy định trực tiếp trong Dự thảo Luật sửa đổi Luật XLVPHC sau khi Quốc hội có ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và không quy định ở Dự thảo Luật này.

Phương án 2: Vẫn giữ quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT là 05 năm trong Dự thảo Luật; đồng thời bổ sung quy định dẫn chiếu thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về BVMT trong Dự thảo Luật sửa đổi Luật XLVPHC thực hiện theo quy định của pháp luật về BVMT (sau khi Quốc hội có ý kiến tại kỳ họp thứ 10).

Trên đây là Báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ TN&MT thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ gửi Dự thảo nêu trên đến Ủy ban KH,CN&MT để báo cáo Ủy ban TVQH trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10. Bộ Tài nguyên và Môi trường kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo./.