Các kết quả đạt được
Ngày 17 tháng 12 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1896/QĐ-TTg phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020 (sau đây gọi là Quyết định số 1896/QĐ-TTg). Trong quá trình triển khai Quyết định số 1896/QĐ-TTg, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Một số kết quả đạt được như sau:
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 26 tháng 9 năm 2013 và ban hành Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về danh mục loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại bao gồm 19 loài sinh vật ngoại lai xâm hại, 97 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại và công khai thông tin về Danh mục này trên trang thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường; định kỳ rà soát, cập nhật sửa đổi Danh mục; phối hợp với Bộ Tư pháp đưa các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm quy định pháp luật về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại vào các quy định xử phạt vi phạm hành chính và hình sự tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Bộ Luật Hình sự năm 2015; ban hành Quyết định số 200/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 01 năm 2015 về việc phê duyệt Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại ở Việt Nam giai đoạn 2015-2020; thống kê, cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý loài ngoại lai xâm hại tại một số Vườn quốc gia, khu bảo tồn ở Việt Nam (giai đoạn 2014-2015); triển khai thí điểm diệt trừ loài Trinh nữ móc Mimosa diplotricha; tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và tập huấn cho các cán bộ ở các Sở, ban, ngành của nhiều địa phương trên cả nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Danh mục các loài ngoại lai xâm hại; kiểm soát và diệt trừ các loài vật nuôi gây hại như chuột Hải ly, chuột Hamster, rùa tai đỏ, kiểm soát và đánh giá việc nuôi chồn Nhung đen và có các khuyến cáo cho địa phương, người dân không phát tán chồn Nhung đen, thống kê và kiểm soát chặt chẽ 293 cơ sở nuôi; chỉ đạo, giải quyết không để sản xuất, kinh doanh đối tượng nuôi gián đất tự phát do gián đất có nguy cơ gây hại tới hệ sinh thái tự nhiên và môi trường; thống kê các loài ngoại lai xâm hại và có biện pháp diệt trừ, tuyên truyền cho người dân không nuôi, phóng sinh tự do các loài thủy sinh gây hại; thực hiện công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật, động vật nhằm ngăn ngừa loài ngoại lai xâm hại.
Các Bộ, ngành khác như Bộ Tài chính đã có bố trí kinh phí triển khai một số nhiệm vụ nhằm quản lý loài ngoại lai xâm hại; Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thực hiện nghiên cứu cơ sở khoa học để diệt trừ cây mai dương…
Tại địa phương, việc thực hiện điều tra, thống kê loài ngoại lai xâm hại có mặt trên địa bàn đã được thực hiện ở 60% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đối tượng thống kê chủ yếu là ốc Bươu vàng, cây Mai dương và một số ít địa phương có mở rộng đối tượng điều tra tới một số loài trong Danh mục loài ngoại lai xâm hại; một số tỉnh đã có thực hiện các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác động của loài ngoại lai xâm hại và chủ yếu được lồng ghép vào các hoạt động tuyên truyền chung về môi trường và đa dạng sinh học; có ít tỉnh bố trí được kinh phí để thực hiện các biện pháp kiểm soát, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại.
Các tồn tại, hạn chế
Nhìn chung, việc thực hiện Quyết định số 1896/QĐ-TTg đã tạo những chuyển biến tích cực, song qua quá trình triển khai cho thấy tiến độ thực hiện còn chậm, còn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết:
Hệ thống pháp luật để quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại chưa đồng bộ và đầy đủ
Luật Đa dạng sinh học năm 2008 đã quy định một số nội dung cơ bản nhằm quản lý loài ngoại lai xâm hại, song không quy định rõ các yêu cầu về phân tích nguy cơ xâm hại của các loài ngoại lai, chưa quy định rõ các điều kiện để được nuôi trồng các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại; chưa thống nhất quy định tại Điều 7 (nghiêm cấm nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại) và Điều 50, 52 (phân chia loài ngoại lai xâm hại thành loài ngoại lai xâm hại đã biết và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại, cho phép nuôi trồng loài ngoại lai xâm hại có điều kiện); chưa có quy định phân biệt chế độ quản lý đối với sinh vật ngoại lai xâm hại sống hay đã chết (ví dụ nhập khẩu sinh vật ngoại lai đã chết để làm thực phẩm), chưa có quy định về thực hiện phân tích nguy cơ để xác định loài ngoại lai xâm hại. Các quy định pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản, thú y, kiểm dịch và bảo vệ thực vật có quy định liên quan đến kiểm soát các tác nhân gây hại trong lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản, trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, các tác động của các đối tượng này đến đa dạng sinh học chưa được quy định phù hợp nhằm kiểm soát các ảnh hưởng của việc nhập khẩu các loài đến đa dạng sinh học (ví dụ nhập khẩu các loài ngoại lai như ruồi lính đen, chim yến…).
Để có thể ngăn ngừa và kiểm soát ngoài ngoại lai xâm hại, cần có các quy định toàn diện, cụ thể đối với loài ngoại lai xâm hại mới có thể giải quyết các vấn đề phát sinh trong trong thực tế.
Nhận thức của người dân về mối nguy hại của việc nhập lậu, nuôi trồng, phóng thích các loài ngoại lai còn chưa đầy đủ. Việc nuôi trồng, phát tán Rùa tai đỏ và các loài ngoại lai trong danh mục loài ngoại lai xâm hại vẫn diễn ra. Nhiều loài được người dân nhập lậu để nuôi trồng hoặc kinh doanh do có các mối lợi trước mắt, điển hình trong năm 2019 việc nhập khẩu và buôn bán trái phép Tôm hùm nước ngọt khiến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng liên quan phải vào cuộc để ngăn chặn, kiểm soát…Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về loài ngoại lai xâm hại chưa được tiến hành thường xuyên.
Vấn đề quản lý sinh vật ngoại lai chưa được thường xuyên quan tâm đúng mức. Việc quản lý loài ngoại lai xâm hại có liên quan đến trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành và chính quyền cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai các nhiệm vụ và đặc biệt là nội dung của Quyết định số 1896/QĐ-TTg còn chậm, chưa có tính đồng bộ, chủ yếu khi phát sinh vụ việc mới triển khai xử lý. Cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng về thực thi pháp luật để kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
Nguồn lực để kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại còn hạn chế. Để giải quyết các vấn đề của sinh vật ngoại lai (phát hiện sớm, ngăn ngừa, kiểm soát, diệt trừ) các địa phương còn gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính để thực hiện các hoạt động phát hiện sớm, ngăn ngừa, kiểm soát và diệt trừ loài ngoại lai xâm hại; chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát các loài xâm hại do thiếu năng lực về mặt kỹ thuật và nguồn nhân lực để triển khai. Năng lực nhận dạng các loài ngoại lai xâm hại của lực lượng chức năng, người dân còn thấp dẫn đến hạn chế trong phát hiện và chủ động xử lý.
Trong quá trình xây dựng Dự thảo Chỉ thị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận các ý kiến từ các Bộ, ngành, địa phương về việc quản lý loài ngoại lai xâm hại để kịp thời đánh giá đúng thực trạng tình hình hiện nay nhằm xác định các giải pháp tăng cường ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các Bộ, ngành địa phương triển khai tổ chức đánh giá toàn diện việc thực hiện Quyết định số 1896/QĐ-TTg vào Quý I năm 2021.
Trong thực tiễn phát sinh nhiều trường hợp cần có quy định để quản lý loài ngoại lai xâm hại. Bên cạnh các hạn chế nêu trên, các căn cứ pháp lý để đề xuất xây dựng Dự thảo Chỉ thị gồm: Luật Đa dạng sinh học quy định tại Chương III, Mục 3 về Kiểm soát loài ngoại lai xâm hại bao gồm: Điều tra và lập danh mục loài ngoại lai xâm hại (Điều 50); Kiểm soát việc nhập khẩu loài ngoại lai xâm hại, sự xâm nhập từ bên ngoài của loài ngoại lai (Điều 51); Kiểm soát việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại (Điều 52); Kiểm soát sự lây lan, phát triển của loài ngoại lai xâm hại (Điều 53); Công khai thông tin (Điều 54). Tuy nhiên, như xác định tại mục 1 nêu trên, việc quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại còn bất cập dẫn đến ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội cũng như môi trường và đa dạng sinh học.
Điều 78 Luật Đa dạng sinh học quy định “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.”